Xu hướng mới để giảm dấu vết các-bon
Đối với sự ra đời của những chiếc smartphone bền vững, có vô vàn câu hỏi được đặt ra. Đơn cử, việc sửa chữa một chiếc smartphone bền vững có thuận tiện, ít tốn kém hơn hay không? Có thể dễ dàng thay pin hay các bộ phận, linh kiện trong điện thoại hay không?
Các nhà sản xuất có trách nhiệm như thế nào đối với thiết bị hết hạn sử dụng? Các nhà sản xuất có sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất điện thoại hay không? Điện thoại có chứa nhiều hoá chất độc hại không? Và chắc chắn không thể thiếu, dòng smartphone nào được đánh giá là xanh nhất trên thị trường hiện nay?
Với những câu hỏi nêu trên, lựa chọn được biết đến nhiều nhất hiện nay là tái sử dụng điện thoại cũ, hoặc điện thoại được tân trang lại. Bởi vì lượng các-bon chủ yếu phát thải nhiều nhất trong quá trình sản xuất nên những chiếc điện thoại đã qua sử dụng là một giải pháp bền vững khả thi.
Nhiều người dùng có thói quen thay đổi smartphone trong vòng 18 tháng có thể nghĩ tới việc bán lại chiếc điện thoại cũ của mình cho người khác hoặc cho các hãng điện thoại để tân trang lại. Theo đó, những nền tảng trực tuyến bán điện thoại cũ hoặc điện thoại đã được tân trang có thể kể tới eBay, Craigslist, Facebook…
Một lưu ý trong việc mua lại điện thoại cũ (không tân trang) là người dùng nên kiểm tra kỹ các tính năng và đảm bảo nó chạy bình thường trước khi “mở hầu bao”. Vấn đề này có thể khó thực hiện hơn khi mua qua các trang web trên mạng. Do đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo người dùng mua lại điện thoại tân trang từ các công ty có uy tín trên thị trường như một giải pháp an toàn hơn. Đối với nhiều người, điện thoại cũ hay điện thoại tân trang mặc dù không phải là các mẫu mới nhất, cao cấp nhất và thịnh hành nhất nhưng sẽ là lựa chọn có lợi đối với môi trường.
|
Mặt khác, một giải pháp bền vững mới được áp dụng bởi các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, ví như Apple, Samsung, AT&T, Verizon, T Mobile…, đó là cho thuê điện thoại thông minh. Tức là, có những dòng điện thoại di động chỉ có thể được cho thuê chứ không để bán, nhằm giảm thiểu nhu cầu sản xuất những sản phẩm mới mà vẫn quản lý được số lượng điện thoại lưu hành trên thị trường tiêu dùng.
Cụ thể, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cung cấp các chương trình nâng cấp điện thoại định kỳ (có thể hàng năm hoặc 6 tháng một lần), người dùng thanh toán hàng tháng phí cước và phí thuê điện thoại. Lợi ích nhãn tiền của giải pháp này là khả năng tân trang, nâng cấp, cải tiến những chiếc điện thoại sẵn có dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chi phí dịch vụ của người tiêu dùng sẽ tăng lên nếu họ đồng ý tham gia chương trình này. Thông thường, các chi phí tốn kém không nằm ở quá trình nâng cấp điện thoại mà nằm ở các tính năng, dịch vụ đi kèm được tích hợp trong chiếc điện thoại, ví dụ gói xem Netflix, Pandora….
Theo đó, có một số vấn đề người tiêu dùng đặt ra với các dịch vụ cho thuê điện thoại. Đó là việc nhà sản xuất có thực hiện tái chế hoặc tân trang điện thoại sau khi hợp đồng thuê của một người kết thúc trước khi chuyển qua người mới hay không? Hãng có dựa vào năng lượng tái tạo hoặc ít nhất là đang chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn hay không? Lượng khí thải các-bon từ các dịch vụ đi kèm với điện thoại có lớn không?...
Dòng smartphone nào “xanh” nhất ?
Bên cạnh hai xu hướng nêu trên, các nhà sản xuất điện thoại thông minh đã và đang định hướng “xanh hoá” các sản phẩm từ khâu sản xuất. Dù vậy, theo những tiêu chuẩn hiện nay, có rất ít điện thoại thông minh trên thị trường đạt chuẩn “smartphone bền vững”.
Người dẫn đầu “cuộc đua” hiện nay là dòng Fairphone 2, đạt điểm “B” của tổ chức môi trường thế giới Hoà Bình Xanh (Greenpeace). Với giá chỉ 460 USD, Fairphone 2 sử dụng các bộ phận, linh kiện có thể dễ dàng thay thế được, cùng với hướng dẫn tự sửa chữa cho người dùng. Trên thực tế, đây là dòng điện thoại thông minh duy nhất nhận được điểm đánh giá 10/10 từ iFixit – một đơn vị chuyên đánh giá khả năng có thể sửa chữa của các sản phẩm điện tử.
So với nhiều sản phẩm smartphone, khi hỏng hóc ở một số bộ phận bên trong, chỉ có thể bị vứt đi hoặc phải được đem đến hãng để sửa; thì người dùng Fairphone 2 có thể tự sửa chữa chiếc điện thoại của mình bằng một chiếc tuốc-nơ-vít.
Công ty Fairphone cũng cam kết về điều kiện làm việc và nguồn cung ứng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Trên trang web chính thức, họ khẳng định “Chúng tôi tìm kiếm sáng kiến khai thác các kim loại hiếm như thiếc, vonfram, tantan, vàng … phục vụ sản xuất, theo định hướng đề cao trách nhiệm với cộng động và môi trường”.
Người dùng Fairphone 2 có thể dễ dàng tháo gỡ và sửa chữa |
Theo đó, vỏ điện thoại cũng được làm từ nhựa và nhôm tái chế. Tuy vậy, sản phẩm này hiện nay chưa được phổ biến trên thế giới mà chỉ được sử dụng chủ yếu tại châu Âu. Nguyên nhân chính là thiết bị này mới được tối ưu hoá cho các mạng di động trong phạm vi châu Âu.
Được tổ chức Hoà Bình Xanh đánh giá điểm “B-”, đó là dòng iPhone 8, cùng với điểm đánh giá 6/10 của iFixit về khả năng có thể sửa chữa. Trên thiết bị này, có một số bộ phận có thể thay thế dễ dàng như pin, màn hình. Tuy nhiên, Apple sử dụng một số loại vít không phổ biến khiến việc sửa chửa trở nên khó khăn hơn.
Theo báo cáo về môi trường của Apple về dòng máy này, iPhone 8 không chứa nhiều chất nguy hại như nhựa PVC hay chất PFR (chất được phủ ngoài các linh kiện điện thoại nhằm tăng khả năng chịu nhiệt và chống cháy), có khả năng chống nước và bụi theo tiêu chuẩn IP67. Hầu hết các thiết bị iPhone 8 đều đủ điều kiện tham gia chương trình tái chế Apple GiveBack – chương trình giúp công ty thu hồi các điện thoại bị vứt đi để tân trang, tái chế.
Đáng ghi nhận, trong các công ty sản xuất thiết bị smartphone trong hơn một thập kỷ qua, Apple đạt điểm số cao nhất trong báo cáo của tổ chức Hoà Bình Xanh về các nỗ lực bảo vệ môi trường, cam kết sử dụng năng lượng tái tạo và chống biến đổi khí hậu. Một dòng sản phẩm khác của Apple là iPhone XR cũng được tổ chức Hoà Bình Xanh cho điểm “B-” bởi sự tối ưu hoá sử dụng các chất liệu tái chế như tre, mía phế thải, thay vì dùng nhựa.
Apple trả tiền cho người dùng để thu hồi iPhone vứt đi. |
Hiện trên thị trường Việt Nam, các dòng smartphone bán chạy nhất trong năm 2020 có thể kể tới các cái tên như Samsung Galaxy A51, OPPPO A5s, iPhone 11 Pro Max, Vivo Y11, Xiaomi Redmi 8, Vsmart Joy 3, realme 5i…. Bên cạnh việc tìm kiếm những chiếc điện thoại có tính năng hiện đại nhất với giá tốt, phải chăng đã đến lúc người tiêu dùng Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tính thân thiện với môi trường của chiếc smartphone?
Có thể thấy, quyết định của người tiêu dùng đang đóng một vai trò quan trọng đối với các nhà sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ nhằm hướng tới một thị trường smartphone xanh. Thiết nghĩ, mối quan tâm của người tiêu dùng sẽ góp phần không nhỏ khiến các nhà sản xuất cho ra mắt những phiên bản ngày càng ít hóa chất nguy hại hơn, sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn, cũng như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong các khâu đoạn sản xuất, vận chuyển, phát hành, phân phối…
(còn tiếp)