Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai xác định, muốn kinh tế phục hồi, tăng trưởng, việc cấp bách hiện nay là cùng cả nước ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19. Nếu làm tốt nhiệm vụ trên mặt trận nóng bỏng này, nhiều khả năng các chỉ tiêu kinh tế của địa phương, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách, sẽ đạt và vượt kế hoạch năm 2021.
Tăng trưởng ấn tượng
Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có kinh tế phát triển và thu ngân sách lớn nhất cả nước. Do đó, việc hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế của tỉnh đóng vai trò hết sức quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Như vậy, trước đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và nhiều lĩnh vực xã hội, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, nhờ đó, thực hiện khá tốt mục tiêu “kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội.
Kế hoạch năm 2021 của tỉnh là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt từ 7-8% so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 131,1 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,1-8,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 100,3 ngàn tỷ đồng và tổng thu ngân sách đạt dự toán được giao. Đồng thời, toàn tỉnh có ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Với Đồng Nai, kêu gọi đầu tư luôn là mục tiêu hàng đầu. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng tiếp đoàn khách nước ngoài. |
Tuy nhiên, các chỉ tiêu về kinh tế của Đồng Nai có hoàn thành hay không lệ thuộc rất lớn vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh cũng như cả nước và vạch sẵn kịch bản, giải pháp để phát triển.
Nếu cao điểm của đợt dịch lần thứ tư này sớm được chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng lòng, chung sức ngăn chặn và đẩy lùi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh sớm trở lại bình thường, khả năng kinh tế của tỉnh sẽ có bước tăng trưởng khá so với năm 2020. Kịch bản xấu là dịch bệnh Covid-19 bùng phát, kéo dài thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Trong khi đó, Đồng Nai là địa bàn cửa ngõ nằm trên nhiều tuyến giao thông trọng yếu nối liền các địa phương trong cả nước, thu hút hơn một triệu công nhân lao động từ các nơi về sinh sống và làm việc. Đặc biệt, hàng ngàn người lao động đi lại hàng ngày giữa Đồng Nai và các địa phương TP HCM, Bình Dương - nơi dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.
Thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). |
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 4 (khoá XI) được tổ chức trong ngày 01/7/2021, đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề đáng quan tâm ảnh hưởng lớn tới phát triển KT-XH của tỉnh trong bối cảnh phải dùng toàn lực dập dịch Covid-19 hiện nay. Theo đó, làm rõ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các sở ngành liên quan trong thực hiện xử lý thu ngân sách, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các công trình và dự án trọng điểm, phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu vv…
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025), chính vì vậy, tỉnh Đồng Nai chú trọng rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở phát triển KT-XH như: hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Hạn chế những tiêu cực từ dịch bệnh
Ông Nguyễn Phú Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh, một vấn đề đặc biệt quan trọng, đó là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến đáng lo ngại, do đó cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa, hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến phát triển KT-XH của tỉnh. Xác định nguy cơ lớn nhất đối với các lĩnh vực KT-XH của tỉnh 6 tháng cuối năm đó là dịch bệnh Covid-19, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu các cấp ủy tuyệt đối không được buông lỏng, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng dịch.
Chưa hết, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần này đã cho ý kiến đối với khâu phòng chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp; xây dựng tình huống đối phó với dịch bệnh để vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển KT-XH.
Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn đang gấp rút hoàn thành hạ tầng để bàn giao cho người dân bị giải tỏa, phục vụ dự án sân bay Long Thành. |
Giám đốc Sở Tài chính Đỗ Khôi Nguyên cho biết, để đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống dịch, các khoản chi cho công tác phòng, chống dịch được sử dụng từ nguồn ngân sách dự phòng đã bố trí cho từng địa phương ngay từ đầu năm với tổng dự toán trên 450 tỷ đồng. Trường hợp, nếu dịch bệnh vẫn còn những phát sinh phức tạp hơn thì Sở Tài chính sẽ tiếp tục xin điều chỉnh dự toán, đề xuất cắt giảm những khoản chi chưa cần thiết để tập trung vào phòng, chống dịch.
Đối với DN và người lao động, Sở Y tế Đồng Nai có công văn hỏa tốc đề nghị các doanh nghiệp có sử dụng người lao động cư trú tại TP HCM hoặc tỉnh Bình Dương, trong trường hợp bất khả kháng, công nhân không thể sắp xếp ở lại gần nơi làm việc, mà phải đi - về/đến Đồng Nai hằng ngày, thì yêu cầu những người này phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ hằng tuần.
Đồng thời, doanh nghiệp tự phối hợp xét nghiệm sàng lọc định kỳ hằng tuần cho tối thiểu 20% người lao động làm cùng phòng, cùng đội sản xuất, cùng chuyền hoặc phân xưởng với các đối tượng trên, để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.
Sáu tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế (GRDP) Đồng Nai tăng 5,74% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,16%; khu vực dịch vụ tăng 5,4% và khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,2%. Tổng thu ngân sách nhà nước tính tới thời điểm ngày 20-6 đạt hơn 29,6 ngàn tỷ đồng, bằng 62,87% dự toán cả năm, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt gần 11,6 tỷ USD, ở chiều ngược lại, Đồng Nai nhập khẩu hàng hóa có giá trị gần 9,7 tỷ USD, nhìn chung cán cân xuất nhập khẩu vẫn sáng khi xuất siêu hơn 1,9 tỷ USD. Cũng trong 6 tháng qua, toàn tỉnh thu hút được hơn 764,2 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; có 1.767 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.