“Hỡi đồng bào cả nước” - lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa quảng trường Ba Đình mùa thu năm 1945 đã trở thành tiếng gọi của non sông gấm vóc, của cội nguồn “Lạc Long Quân và Âu Cơ/Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng” (thơ Nguyễn Khoa Điềm), là sức mạnh nội sinh để dân tộc ta lướt thắng qua những cuộc kháng chiến trường kỳ, là nội lực để làm nên “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” Việt Nam ngày nay.
“Cội nguồn là nơi để cả tâm thức dân tộc hướng về, là giá trị cho một cá nhân và rộng ra là cho cả một quốc gia định vị lại mình trong dòng chảy của lịch sử và thời đại” (Trường tồn sức mạnh nội sinh – TS Vũ Hoài Nam); “Bản sắc của ngoại giao Việt Nam trước hết là hòa hiếu, nhân nghĩa và chính nghĩa” (Bản sắc ngoại giao Việt Nam – Đại sứ Trần Đức Mậu, Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại - Bộ Ngoại giao), “…sự dị biệt của cây tre ngay từ khi “mới nhú” đã không chịu mọc cong, tre “bản lĩnh” từ trong trứng nước, như sự bền vững được hun đúc từ mạch nguồn thiêng liêng của đất trời dân tộc Việt” (“Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng…” - Trần Ngọc Hà).
Kế thừa, đồng hành cùng vận hội mới của đất nước, Bộ - Ngành Tư pháp với người đứng đầu là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long đã và đang nỗ lực hết mình, “quyết tâm cao trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế”, “chủ động trong công việc”, “hướng về cơ sở”, nguyện đem hết khả năng, trí tuệ để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra. (Dấu ấn vị Bộ trưởng qua gần 8 năm “dẫn dắt” ngành Tư pháp - Thu Hằng); Xây dựng nhà nước pháp quyền “kết hợp thành tựu của thế giới và thực tiễn sinh động của Việt Nam, với điều kiện lịch sử, văn hóa và hệ thống giá trị của Việt Nam. (Nhà nước pháp quyền - Cội nguồn và hiện thực sinh động - TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội); “Pháp lệnh nghiêm minh, sĩ phu ganh đua cố gắng, người làm quan lấy phong thái khí tiết mà tự miễn.” (Từ “khảo khóa” xưa, ngẫm về cán bộ ngày nay - Hoàng Thư); “Bộ luật Hồng Đức mang trong mình nhiều yếu tố tiến bộ, dùng pháp luật để bảo vệ thuần phong mỹ tục và dùng thuần phong mỹ tục để đưa con người hướng về chữ nhân, chữ nghĩa, biết phục tùng và sống theo pháp luật” (Những Bộ luật đầu tiên của Việt Nam - Nguyễn Mỹ).
Đó còn là khát vọng về một Việt Nam hùng cường qua câu chuyện “đi sứ” của các tham tán thương mại (Nhật Thu); là nỗ lực của ngành giao thông kiến thiết những “long mạch” mới với hơn 600km đường cao tốc được hoàn thành trong năm 2023 (Minh Hữu); là niềm tự hào về trí tuệ Việt, mong muốn cống hiến cho đất mẹ Việt Nam của TS Nguyễn Duy Hà từ Đại học Bách khoa Vienna - Áo (Hà Dung); là Cảng cá Mắt Rồng (Hải Phòng) với kỳ vọng cảng cá lớn nhất miền Bắc (Uyên Na – Hằng Phạm); là Cầu Rồng (Đà Nẵng) độc nhất, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại (Vũ Vân Anh)…
Trong không khí rộn ràng đón Xuân, bên cạnh những phóng sự về những vùng đất gắn liền với huyền thoại Long - Rồng, Giai phẩm Pháp luật Việt Nam Xuân Giáp Thìn còn có rất nhiều bài viết về văn hóa, đời sống đặc sắc của các cây bút khắp mọi miền: Bóng thời gian trên rừng Bát Mọt (Nguyễn Xuân Thủy), Sắc Xuân trên bản Mông Hua Tạt (Quốc Định), Giữa đại ngàn, người B’râu chộn rộn đón xuân (Thùy Dương - Huy Quyền), Da diết màu tím Huế (Quỳnh Nga); Về miệt vườn ăn Tết (Đình Thương), Chuyện từ làng Du lịch tốt nhất thế giới ở Việt Nam (Trần Nguyên Phong)…
“…Sự thiêng liêng, ý thức nguồn cội có thể nghiêm cẩn nhìn vào một cái cây mà cảm nghiệm. Khoảng cách cả nghìn năm đằng đẵng bỗng chốc hiện ra trước mắt tôi bằng một kết nối rõ rệt hình hài” - Những tâm sự, cảm nghiệm của nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Thủy khi đứng dưới bóng đại lão samu 1.500 tuổi trong rừng Xuân Liên (Thanh Hóa) cũng giống như sự thiêng liêng của cội nguồn dân tộc, thiêng liêng của hai tiếng “Đồng bào” mà Pháp luật Việt Nam muốn gửi gắm qua số báo Xuân đặc biệt này.