Chắc chắn sẽ gặp những khó khăn nhất định, nhưng khó như tinh gọn bộ máy ở Bộ Công an còn làm được suôn sẻ, việc bố trí cán bộ diễn ra “bình thường” như nhận xét của người phát ngôn Bộ này thì hẳn là việc giải quyết cán bộ dôi dư ở cấp huyện, xã cũng không phải là quá phức tạp và nảy sinh những hệ lụy xã hội lớn.
Về phía Nhà nước đã có chủ trương giải quyết hợp lý, hợp tình (không vắt chanh bỏ vỏ) thể hiện một cách ứng xử trọng thị, công bằng với những người này thì về phía cán bộ dôi dư cũng cần một cách ứng xử tương xứng.
Những người đã ngấp nghé tuổi về hưu, những người chỉ “giữ ghế” hưởng chế độ, đặc biệt là những người năng lực kém, đạo đức tồi thì nên tự nguyện “rút khỏi cuộc chơi”. Những cán bộ từng bị kỷ luật ở những mức nặng nhẹ khác nhau thì cũng không nên giữ họ lại làm gì. Những trường hợp “xin xỏ”, “hậu duệ”, “chạy biên chế” hay “bổ nhiệm thần tốc”..., thì đây là thời điểm tốt nhất để xem xét lại.
Nên có một thái độ đúng mức, tôn trọng việc sắp xếp từ tổ chức của những cán bộ dôi dư, đừng tỏ thái độ “công thần” với những “cống hiến” của mình, cũng như thái độ bất cần, không hợp tác, đó là cách ứng xử không hay và còn có những con mắt nhân dân nhìn vào sự ứng xử đó.
Đằng này, mới chỉ khởi động các đề án sáp nhập thôi thì hiện tượng “chạy” ghế đã bắt đầu bằng các cuộc “vận động hành lang” bên ngoài tổ chức, các cuộc gọi vào nửa đêm hay tiếp diễn màn “xin xỏ”, “lấy điểm” trước lãnh đạo cấp trên. Tình trạng này đã được Bí thư Nghệ An phản ánh trong hội nghị vừa qua.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật cần phải có trên 50% dân cư trên địa bàn đồng ý và Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị có một nghị định trong lĩnh vực này. Nên chăng, bỏ ai, giữ ai trong đội ngũ cán bộ địa phương, ngoài việc áp tiêu chuẩn và năng lực ra, nên xin ý kiến nhân dân?
Một số cán bộ ta thường thích dùng từ “vì đại cục”, nhân dịp này các vị hãy tỏ ra “vì đại cục”, vì việc chung, vì một bộ máy chính quyền cơ sở vững mạnh mà ứng xử một cách có văn hóa, tự trọng!