Por Tor là tên của lễ Vu Lan tại Phuket, Thái Lan, diễn ra vào tháng 7 âm lịch. Người Phukhet tin rằng linh hồn của những người đã khuất sẽ thăm họ 15 ngày trong 7 tháng âm lịch. Do vậy, họ sẽ chuẩn bị thức ăn theo tâm linh để tỏ lòng thành kính với người đã khuất.
Đón linh hồn “về thăm”
Người dân Phuket tin rằng, đây là thời điểm mà các linh hồn sẽ được phát hành trở lại để thăm người thân của họ, và gia đình có thể giúp cho linh hồn của người thân dưới địa ngục giảm bớt được phần nào sự đau khổ, giúp họ nhanh chóng được siêu thoát.
Ngoài ra, người dân Phuket cũng sẽ đốt tiền vàng mã, thường xuyên lên chùa dâng hương để cầu nguyện cho những linh hồn người thân cũng như những linh hồn đói khát, bất hạnh sớm được siêu thoát, đồng thời cũng cầu nguyện mọi sự may mắn, thành công sẽ đến với gia đình.
Những ai từng đến đây chứng kiến lễ hội này có thể thấy, trong những ngày này, các ngôi chùa luôn nhộn nhịp và chật kín người đến thắp hương, cầu nguyện...
Trong suốt mùa lễ, người dân cũng chuẩn bị nhiều loại thức ăn gồm hoa quả, bánh kẹo và món ăn nhiều màu sắc, cầu kỳ và đẹp mắt. Một trong những món phổ biến nhất là rùa đỏ Ang Ku được làm từ bột mì và đường.
Người Phuket tin rằng, rùa màu đỏ thể hiện sức mạnh trong cuộc sống, bởi màu đỏ biểu trưng cho sự may mắn, tiền tài và con rùa là biểu tượng của sự trường thọ. Những con rùa đỏ cũng được tạo ra vô cùng cầu kỳ, tinh tế và độc đáo.
Người ta sẽ làm nó theo nhiều hình dạng và kích cỡ, rùa nhỏ được gọi là Ang Ku, trong khi các loài rùa lớn được gọi là Dtua Ku.
Vào ngày này, toàn bộ thị trấn được trang trí đầy màu sắc, người già, phụ nữ cho đến trẻ nhỏ cũng sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống màu đỏ và tham gia vào những hoạt động thú vị từ khoảng trưa đến nửa đêm, bao gồm một buổi lễ tích đức truyền thống, múa lân, ảo thuật, các buổi hòa nhạc trực tiếp, chương trình tạp kỹ...
Có thể nói, Lễ Por Tor là một sự kiện lớn và là một biểu tượng văn hóa của Phuket, góp phần thúc đẩy và gìn giữ văn hóa truyền thống của người dân Phuket, đặc biệt đối với thế hệ trẻ và khách du lịch.
Mặt nạ và trang phục trong lễ hội Phi Ta Khon ở Loei. |
Lễ hội ma xó- Phi Ta Khon
Lễ hội “ma xó” Thái Lan hay còn gọi là Phi Ta Khon. Vương quốc Thái Lan đưa lễ hội này thành lễ hội truyền thống cấp quốc gia. Đây là tên thường gọi của lễ hội văn hóa tín ngưỡng thú vị mà độc đáo của người Thái Lan chỉ được tổ chức tỉnh Loei ở đông bắc Thái Lan cách Bangkok khoảng 500km và giáp với phía Bắc Lào.
Tỉnh Loei là nơi dân cư thưa thớt, đặc biệt có phong cảnh vô cùng đẹp với những ngọn đồi xanh mướt và khí hậu mát mẻ. Vì vậy, du khách đến đây vừa có thể nghỉ dưỡng, vừa có thể được hòa mình vào lễ hội đặc sắc Phi Ta Khon.
Lễ hội này mỗi năm chỉ tổ chức một lần vào khoảng cuối tháng 6 hàng năm. Năm nay, sự kiện diễn ra trong ba ngày dự kiến vào ngày 6-8/7/2016. Khách đi du lịch Thái Lan sẽ bị ấn tượng với những nghi thức truyền thống, những ngày diễn ra lễ hội còn là dịp để họ khám phá nét văn hóa dân gian mang nhiều màu sắc tâm linh huyền bí của đất nước theo đạo Phật này.
Theo phong tục tín ngưỡng của người Thái Lan thì các hoạt động diễn ra trong lễ hội như ca hát nhảy múa là nhằm xoa dịu và cầu nguyện cho những linh hồn đang bảo vệ ngôi làng của họ, và người dân nơi đây thông qua lễ hội họ cầu mong cho mưa thuận gió hòa cho mùa vụ sắp tới.
Lễ hội tượng trưng cho sự tôn kính, lòng thành của người dân Thái Lan với đấng thần linh hay những thế lực ma quỷ. Lễ hội tín ngưỡng độc đáo đã trở nên gắn bó không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng của người dân nơi đây.
Lịch sử của lễ hội được bắt nguồn từ truyền thuyết Phật giáo cổ xưa của vua Vesendare. Được biết, trước khi giác ngộ trở thành Đức Phật linh thiêng, ông là hoàng tử Vessandorn. Phi Ta Khon thời gian đánh dấu hoàng tử trở về quê hương sau chuyến đi dài gian khó và tất cả mọi người đều nghĩ rằng hoàng tử đã chết.
Và cho đến khi hoàng tử trở về, người dân vô cùng vui mừng và cho rằng đó là một điều kỳ diệu. Theo người dân địa phương, từ “Phi” có nghĩa là ma và “Khon” có nghĩa là mặt nạ.
Trong lễ hội, tất cả mọi người từ nam nữ thanh niên, đến những em bé đều đeo chiếc mặt nạ ma quỷ và mặc trang phục loài ma quỷ đầy màu sắc và đi diễu hành quanh trung tâm thị trấn. Điều đặc biệt là những con ma này đi khắp phố phường trong tình trạng …say xỉn (do bị uống rượu)
Ngoài ra, điểm nhấn lớn của lễ hội Phi Ta Khon là những bộ trang phục kỳ quái và chiếc mặt nạ khổng lồ. Những chiếc mặt nạ lớn này được chạm khắc từ thân cây dừa, ở trên đỉnh nón trang trí những cành liễu gai với những đường trang trí đặc sắc.
Những bộ trang phục ma mị cùng mặt nạ ma kinh dị sẽ mang lại cảm giác rùng rợn cho người xem khi người biểu diễn đi như người say rượu hay làm những động tác ma quái.
Một phần không thể thiếu của lễ hội ma xó này chính là khoảng thời gian diễu hành vui nhộn trên đường phố. Một đoàn các vũ công cả chuyên nghiệp và không chuyên vận trên mình những bộ trang phục lộng lẫy và không kém phần ma quỷ bước trên những âm thanh vui nhộn, vừa nhảy và làm trò hài để mang đến sự vui vẻ cho đám đông khi họ diễu hành quanh thành phố.
Những bước đi đầy khéo léo thể hiện những điệu múa hay, đặc sắc trong suốt chặng đường của cuộc diễu hành. Họ nhảy múa là để xua tan những điều không may mắn và cầu cho vụ mùa bội thu. Đây chính là thời điểm để các du khách có thể tìm hiểu rõ nhất những văn hóa đặc sắc của Thái Lan nói chung và của tỉnh Loei nói riêng.
Cuối ngày, khi đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm, các thành viên trong gia đình họ thường trở về với nhau, cùng nhau gỡ bỏ bộ trang phục ma quái và trở về làm những người dân lương thiện thường ngày. Họ cùng nhau ăn uống cho tới khuya, trò chuyện về những niềm vui trong ngày lễ hội và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp cho những tháng ngày sắp tới với nhiều may mắn và tốt lành.
Được biết, ngoài nhảy múa, trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các hoạt động khác bao gồm cuộc thi trang phục Phi Ta Khon, bắn pháo hoa Bun Bung Fai để cầu mưa cho mùa vụ, các nhà sư sẽ tụng kinh 13 bài giảng của Hoàng tử Vessandorn chủ yếu tại Wat Ponchai và đền thờ Phật giáo khác xung quanh thị trấn....
Có thể nói, đến với Thái Lan, rất nhiều người đã ấn tượng đối với các lễ hội, đặc biệt là lễ hội ma quỷ. Thông qua những lễ hội này mà người ta đã khám phá các nét văn hóa dân gian nơi đây mang nhiều màu sắc ý nghĩa tâm linh huyền bí của “xứ chùa vàng”...