Muốn mà không được: khổ!
Cầu là mong cầu, bất đắc là không được như ý nên khổ. Chúng ta mong muốn hoặc trông chờ điều gì mà không được thì khổ. Nếu chúng ta không thèm mong cầu chi hết, ngày nay sống lo việc ngày nay, không trông đợi ngày mai thì tâm bình an.
Ngày nào chúng ta cũng làm tất cả việc tốt, việc lành, cứu người này giúp người kia; không giúp được người thì giúp vật, không cần cầu việc gì cao xa mà chúng ta vẫn được an lành. Do đó chỉ cần dẹp lòng tham cầu thì tự nhiên hết khổ, nên nói hết tâm tham cầu liền được an vui.
Ghét phải chạm mặt: khổ!
Thù oán mà gặp lại nhau thì khổ, ghét ai đó cay đắng mà họ cứ ngồi trước mặt mình hoài, cũng khổ lắm. Bây giờ chúng ta đừng thèm ghét ai hết thì không còn khổ, không khổ tức là vui rồi. Như vậy, từ mê muội mà khổ, bỏ mê muội đi thì vui.
Như có nhiều người đang đi trên một chiếc thuyền qua biển, sóng gió chòng chành làm thuyền muốn lật. Lúc ấy mọi người có rảnh rỗi để cãi vã, giận hờn nhau không, hay ai cũng lo làm sao cho khỏi chết?. Trên thế gian này cũng vậy, ai ai cũng có bao nhiêu thứ hoạn nạn đang chực chờ, nên ai cũng là người đáng thương. Mình đã đáng thương rồi, mọi người xung quanh lại càng đáng thương hơn. Vì vậy thương nhau không hết, có đâu giận hờn làm khổ cho nhau. Ai ưa giận hờn, người đó khôn hay dại?.
Vậy mà thế gian cứ giận hoài, có người còn nói: “Tôi giận người đó mấy chục năm rồi chưa hết !” Vị ấy đâu biết ôm ấp giận trong lòng là mình đang chứa những hòn lửa than, sẽ thiêu đốt ta gầy mòn héo hon. Giận nhiều thì hại nhiều, không có lợi ích gì cả, việc qua rồi chúng ta nên xí xóa với nhau rồi cười vui, cuộc đời tạm bợ mà!
Thật ra chúng ta còn là phàm phu, bảo đừng giận thì chưa được, song có giận nên bỏ mau một chút. Kinh Phật có câu: “Tăng hận bất cách túc”, tức “Tăng giận không quá một đêm”. Chúng ta cũng giận khi nghe lời trái tai, nhưng giận một chút rồi bỏ đi, dứt tâm oán hờn thì chúng ta được an vui.
Cố chấp là tự chất lên mình gánh nặng |
Ngũ ấm xí thạnh: khổ!
Tức thân năm ấm này mạnh mẽ, hưng thịnh quá thì... cũng khổ; ngược lại nếu biết dùng thân năm ấm để tiến tu thì sẽ an vui. Ví dụ như khi mình qua sông, không có thuyền bè, nhờ khúc gỗ mục giúp mình lội qua sông, nhưng đã qua sông rồi phải biết bỏ khúc gỗ đi không nên tiếc.
Thân này cũng vậy, bệnh hoạn đau ốm đủ thứ, chúng ta lỡ mang vào rồi, phải dùng nó cho có ý nghĩa. Dùng thân làm lợi cho mình, đánh thức cho người, chỉ vì việc tiến tu thì đó là hữu ích, còn nếu cung dưỡng săn sóc thân cho lắm, tới ngày nó mất thì khổ đau.
Như vậy mấy thứ khổ đã kể này không phải thật khổ. Chỉ khi chúng ta mê, chúng ta mới thấy thật khổ, nếu tỉnh giác thì không còn khổ nữa. Phật nói khổ để chúng ta thức tỉnh, thức tỉnh thì không còn khổ, mà là được vui. Trong kinh Niết-Bàn, đức Phật có dạy bài kệ: Các hành vô thường/Là pháp sanh diệt/Sanh diệt diệt rồi/Tịch diệt là vui.
Nghĩa là tất cả các tướng có đi có lại, các sinh hoạt ở thế gian đều là vô thường, không bền lâu, thuộc pháp sanh diệt. Từ thân hành cho tới ý hành, cả hai đều thuộc về pháp sanh diệt. Tất cả các thứ sanh diệt lặng hết thì tịch diệt hiện tiền, chỗ lặng lẽ đó chính là an vui. Chúng ta hiểu đạo lý, phải khéo ứng dụng tu như vậy.
Một, đừng chấp thân vô thường là thật. Hai, phải lặng tâm vô thường sinh diệt xuống, lúc đó chúng ta sẽ hết khổ được vui. Đối với người tu niệm Phật, phải niệm Phật cho nhất tâm. Khi tâm sinh diệt hết mới được sanh sang cõi Cực Lạc. Đối với người tu thiền, nếu tâm sinh diệt lặng thì định, do định nên trí tuệ phát sinh, ấy là vui.
Xin đừng cố chấp
Phật dạy chúng ta biết các hành đều vô thường, đều là pháp sinh diệt. Chúng ta đừng cố chấp, đừng luyến tiếc, đừng quá thương yêu, mà phải làm sao cho tất cả những thứ sinh diệt đó lặng hết, thì tịch diệt là niềm vui an lạc sẽ đến. Trong nội tâm của mình, nếu cứ lo nghĩ chuyện này chuyện kia dồn dập, lúc đó gương mặt mình héo xàu.
Ngược lại, nếu tâm mình thơ thới, không có một niệm lo nghĩ nào hết, lúc đó gương mặt mình tự nhiên được tươi vui. Như vậy, cái sinh diệt lặng rồi thì tịch diệt (nguồn vui) hiện tiền. Nên người khéo tu lúc nào cũng tìm cách đưa tâm sinh diệt của mình đi đến chỗ lặng lẽ. Đó là nguồn an lạc lớn lao nhất của người tu.
Tóm lại, chúng ta tu Phật là vui hay khổ ? Tu Phật là vui. Phật nói khổ để chúng ta tìm ra nguyên nhân của khổ và diệt khổ thì được an vui. Người không hiểu rõ đạo Phật nên đánh giá sai lầm, cho đạo Phật là bi quan, yếm thế. Người hiểu đạo Phật đúng đắn là người biết tìm về nguồn an vui, biết tìm về nguồn giải thoát chớ không phải khổ đau như người ta tưởng.
Đức Phật ra đời vốn đem lại ánh sáng chân lý cứu khổ cho thế gian. Ban đầu Ngài nói rõ khổ, chỉ ra tướng khổ, rồi chỉ rõ nguồn gốc của khổ, để giúp người giải tỏa khổ, được an vui. Không phải Ngài nói khổ để mà khổ, để bi quan chán đời. Thấy khổ, rồi vượt thoát khỏi khổ và giúp cho người thoát khổ, đó là con đường chuyển hóa tiến lên, đem lại niềm vui chân thật cho đời.
Cần tỉnh thức để chuyển hóa khổ đau |
Người học Phật khéo hiểu đúng chánh pháp, có cái nhìn sáng tỏ, cởi mở tình chấp sai lầm; nhẹ bớt chấp, là nhẹ bớt khổ ngay hiện tại, đó là lợi ích thiết thực của Phật pháp ngay tại thế gian. Học Phật mà vẫn cứ chấp chặt, chấp nặng không chịu buông, là vẫn đi con đường khổ, tự mình làm khổ cho mình chớ không ai khác.
Xin kể một câu chuyện để thay lời kết thúc: Xưa có người nọ có việc phải vất vả băng núi lội sông, đi qua những vách núi sừng sửng, cheo leo rất nguy khốn. Bất thần, anh bị hụt chân té xuống vực sâu, sinh mạng giờ chỉ còn trong chớp mắt, anh đưa hai tay quờ quạng, quơ quào trên không trung thì may mắn chụp được một cành cây khô trên vách núi. Anh mừng rỡ vì mình còn có cơ hội sống sót, nhưng khổ nỗi cả người anh cứ bị treo lơ lửng không thể xuống hay lên.
Trong lúc vô cùng nguy cấp, anh nhìn lên bờ chợt thấy Đức Phật từ bi đứng nhìn xuống. Gặp được cứu tinh, anh vội vàng cầu xin Phật từ bi cứu vớt. Đức Phật hiền từ nói: - Ta sẵn sàng cứu nhưng ngươi phải nghe theo lời ta.
Anh ta thưa: - Bạch Ngài, đến nước này con đâu còn dám cãi lời Ngài, con nhất định nghe lời Ngài chỉ dạy. Đức Phật nói: - Tốt lắm! Bây giờ ông hãy buông tay đang nắm cành cây ra. Người này nghe xong liền nghĩ, nếu buông tay sợ sẽ rơi xuống vực sâu muôn trượng, tan xương nát thịt làm sao bảo toàn sinh mạng đây?
Vì sợ mất mạng nên hai tay anh càng nắm chặt hơn. Phật bảo: - Ngươi không chịu buông cây đưa tay lên cho ta thì làm sao ta cứu ngươi được? Thế nhưng anh ta vẫn khư khư nắm chặt cành cây, Đức Phật dù có thương cũng đành chịu..