Ông Trump không coi trọng G7, không rút nước Mỹ ra khỏi khuôn khổ diễn đàn này nhưng không đóng góp gì giúp G7 phát huy thanh thế trên thế giới. Trong năm cầm quyền cuối cùng của ông Trump ở Mỹ, đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội trên khắp thế giới khiến cho hoạt động định kỳ của G7 từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến và càng thêm nặng về hình thức mà sa sút về thực chất.
Năm 2021 này rất có thể sẽ là dấu mốc quan trọng mới đối với G7. Người kế nhiệm của ông Trump là ông Joe Biden chủ trương khôi phục sự tham gia của nước Mỹ vào các tổ chức và thể chế, khuôn khổ và diễn đàn đa phương quốc tế như Liên Hợp quốc hay G7. Ông Biden coi trọng đồng minh và đối tác của Mỹ chứ không như người tiền nhiệm, chủ ý thúc đẩy quan hệ hợp tác với đồng minh và đối tác, đồng thời qua đó chứng thực cho tuyên bố đưa “Nước Mỹ trở lại với thế giới”.
Tham gia và can dự vào G7 vì thế là một trọng tâm trong chính sách cầm quyền của ông Biden về đối ngoại. Cho nên mới nói sự thay đổi chính quyền ở Mỹ từ ông Trump sang ông Biden đã đóng vai trò quyết định nhất giúp G7 nếu không phải như được hồi sinh trong thực chất thì cũng sống động và thời sự trở lại.
Lần đầu tiên sau gần 2 năm, hoạt động thường niên của khuôn khổ diễn đàn lớn này lại được tiến hành trực tiếp chứ không trực tuyến nữa. Trên cương vị Chủ tịch đương nhiệm của G7, Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trương tiến hành các hoạt động của nhóm theo cách thức trực tiếp ở thời buổi dịch bệnh để gây dựng hình ảnh cá nhân và nước Anh rất thành công trong công cuộc ứng phó dịch bệnh, để đề cao nước Anh sau khi ra khỏi EU, để làm cho G7 được dư luận quan tâm để ý đến đặc biệt và để tranh thủ ông Biden.
Ông Biden trong tháng 6 tới sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ và sẽ đến Anh, tham dự hội nghị cấp cao thường niên năm nay của G7, trước khi đi Bỉ dự hội nghị cấp cao của NATO.
Theo kết quả của hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên G7 vừa rồi ở Anh thì chương trình nghị sự của G7 sau khi được hồi sinh về cơ bản vẫn là những vấn đề chính trị nhưng không mới mẻ gì. Việc Mỹ, NATO và đồng minh chấm dứt cuộc chiến tranh ở Afghanistan và rút hết binh lính ra khỏi đất nước này chậm nhất đến ngày 11/9 năm nay sẽ được bàn thảo sâu rộng hơn tại hội nghị cấp cao NATO.
Vì thế, G7 lần này xác định chuyện đối phó Nga và Trung Quốc là định hướng chiến lược mới cho hiện tại và thời gian tới. Đằng sau những cáo buộc và phê phán hai đối tác này cũng như sau những biện pháp mà các thành viên G7 đã áp dụng là chủ ý tăng cường thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong cả đối phó lẫn hợp tác với Nga và Trung Quốc.
Cái mới ở đây đối với G7 là xác định đối địch với Nga và Trung Quốc không phải về kinh tế hay thương mại mà chủ yếu về chính trị và ý thức hệ. Các nước thành viên G7 tự coi là đại diện cho dân chủ trong khi nhìn nhận Nga và Trung Quốc theo chế độ độc tài.
Từ đó, G7 đặt việc đối đầu với Nga và Trung Quốc về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền vào trung tâm của mối quan hệ với hai nước này trong thời gian tới. Xem ra, không phải chỉ có tác động làm thay đổi cơ bản thế giới hiện đại mà còn cả Nga và Trung Quốc đã khuấy động tham vọng trong G7 về gây dựng vai trò quyết định nhất trong việc định hình ra trật tự thế giới mới.
Tham vọng của G7 là như thế nhưng mưu tính rồi có thành công hay không thì hiện chưa ai dám chắc. Nga và Trung Quốc sẽ chẳng để cho G7 muốn làm gì thì làm với họ. Truyền thống của G7 xưa nay là lời nói không đi đôi với việc làm. Các thành viên của G7 hiện đều đâu có thành công mĩ mãn gì ngay trong việc ứng phó dịch bệnh. G7 cần định hướng mới này để tự giải thoát khỏi nguy cơ bị lỗi thời.