Bộ luật được thiết kế để thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phục vụ hội nhập quốc tế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.
Đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết Bộ luật dân sự (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa /TTXVN |
*Điểm mới cơ bản
Bộ luật Dân sự có bố cục 6 phần, 27 chương, 689 điều, trong đó đã thể hiện rất nhiều nội dung mới và sự đột phá trong tư duy pháp lý, tạo lập cơ chế pháp lý đồng bộ, thống nhất về điều chỉnh quan hệ dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân trong đời sống dân sự; ghi nhận, bảo vệ tốt hơn các quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của người dân.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá: Bộ luật Dân sự là công cụ pháp lý cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên yếu thế, các bên có thiện chí trong quan hệ dân sự. Đây cũng là công cụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong các quan hệ giao lưu dân sự.
Để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và ổn định trong hệ thống pháp luật dân sự, Bộ luật quy định: Bộ luật Dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (gọi chung là quan hệ dân sự).
Bộ luật quy định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản này; trường hợp luật khác có liên quan không có quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của Bộ luật Dân sự được áp dụng. Các quy định trong Bộ luật cụ thể hơn hoặc bổ sung các công cụ pháp lý giúp Tòa án có đủ căn cứ giải quyết các vụ việc dân sự, nhất là khi chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này, Tòa án có thể được áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng.
Một điểm nhấn quan trọng, Bộ luật Dân sự 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Bộ luật 2005 để cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về xây dựng, hoàn thiện hơn các cơ chế pháp lý công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự. Cụ thể, Bộ luật quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Tòa án chỉ được áp dụng thời hiệu khi giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp một bên hoặc các bên quan hệ dân sự có yêu cầu; hoàn thiện các chế định về năng lực hành vi dân sự, giám hộ và đại diện để tạo cơ chế pháp lý bảo vệ tốt hơn quyền dân sự của người chưa thành niên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người mất năng lực hành vi dân sự, giúp họ được bình đẳng với chủ thể khác trong quan hệ dân sự. Các quy định quyền nhân thân của cá nhân, nhất là trong tôn trọng, công nhận và bảo vệ quyền về họ tên, dân tộc, quốc tịch, hình ảnh, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín; quy định cá nhân được chuyển đổi giới tính được ghi nhận trong Bộ luật 2015.
Bộ luật cũng hoàn thiện các chế định về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, tài sản và quyền sở hữu, nghĩa vụ và hợp đồng, pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố ngước ngoài để góp phần thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013. Theo đó, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự gồm: cá nhân, pháp nhân; Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương bình đẳng với chủ thể khác khi tham gia quan hệ dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Bộ luật đã có các quy định để hoàn thiện chế định tài sản và quyền sở hữu để bảo đảm tính bao quát, minh bạch trong quy định của pháp luật, huy động và khai thác được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội; hoàn thiện các chế định về giao dịch, nghĩa vụ và hợp đồng để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của sản xuất, kinh doanh, sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự; bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của bên yếu thế, bên thiện chí, ngay tình; hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào các quan hệ dân sự.
Đưa Bộ luật vào cuộc sống
Các hoạt động để triển khai thi hành, đưa Bộ luật Dân sự vào cuộc sống từ ngày 1/1/2017 đã được Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp nhiều địa phương tích cực chuẩn bị trong thời gian vừa qua.
Để triển khai thi hành Bộ luật Dân sự kịp thời, thống nhất và hiệu quả, ngay từ tháng 2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự. Trong đó xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm cũng như cơ chế phối hợp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; xác định cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc triển khai thi hành Bộ luật Dân sự trên phạm vi cả nước. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng có Quyết định số 276 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự.
Cùng với việc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt thi hành Bộ luật Dân sự; tọa đàm giới thiệu Bộ luật Dân sự 2015 do Bộ Tư pháp tổ chức, các địa phương cũng đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thi hành Bộ luật Dân sự trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá cao những điểm mới nổi bật trong Bộ luật Dân sự 2015, Luật sư Trương Thị Hòa, cho rằng, để bảo đảm thống nhất trong nhận thức, áp dụng pháp luật và bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật thì bên cạnh Bộ luật Dân sự, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan cũng cần được sửa đổi cho phù hợp hoặc có hướng dẫn chi tiết đối với một số nội dung mới của Bộ luật.
Bộ Luật Dân sự 2015 là một trong những đạo luật quan trọng, rường cột của hệ thống pháp luật Việt Nam với nhiều quy định mới, lần đầu tiên được thiết lập. Do vậy, một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan sẽ vẫn còn những quy định chưa bảo đảm tương thích, đồng bộ, thống nhất hoặc còn có khoảng trống pháp lý trong điều chỉnh các quan hệ dân sự theo tinh thần mới của Bộ luật Dân sự 2015.
Tới đây, Chính phủ và các bộ, ngành cần rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản pháp luật, để bảo đảm các quy định tiến bộ của Bộ luật Dân sự được thực thi trong thực tiễn./.