Chiêu trò kinh điển
Victor Lustig có tên khai sinh là Robert V.Miller, sinh năm 1890 tại Bohemia (nay là CH Séc). Ngay từ khi còn nhỏ, hắn đã thể hiện trí thông minh vượt trội, nhất là mảng ngôn ngữ. Khi học đại học ở Paris, hắn thông thạo 5 thứ tiếng là Séc, Anh, Pháp, Đức, Italia. Tuy nhiên, trong khi nhiều người khác sử dụng trí tuệ của mình để vươn lên, kiếm sống và khẳng định bản thân một cách chân chính thì Lustig lại đi theo chiều ngược lại, chỉ chăm chăm sử dụng trí tuệ để kiếm tiền trên mồ hôi, công sức của người khác.
Ở tuổi 19, Lustig đã là một siêu lừa, thường xuyên có mặt trên những chuyến tàu biển giữa Pháp và Mỹ để lừa đảo những hành khách giàu có trên khoang hạng nhất tham gia đầu tư vào những dự án sản xuất “trên giấy”.
Trò lừa kinh điển của hắn ở giai đoạn này chính là “chiếc rương in tiền”, hay “chiếc rương Romania”. Số là, nắm được việc những hành khách thường mệt rũ trên những con tàu lênh đênh nhiều ngày trên đại dương, Lustig thường lân la làm quen rồi giả bộ bí hiểm thì thầm vào tai những doanh nhân giàu có về một “chiếc rương có khả năng sao chép bất cứ loại tiền tệ nào”.
Để chứng minh, hắn sẽ đưa ra một chiếc rương được làm từ gỗ bắt mắt và giả vờ đề nghị “con mồi” cho mượn tờ 100 USD rồi nhét vào đó. Sau 6 tiếng - quãng thời gian mà theo lời Lustig là để chiếc rương “xử lý hóa chất”, từ đầu bên kia, 2 tờ 100 USD sẽ tòi ra.
Chứng kiến cảnh này, phần vì mệt mỏi, phần vì tham lam, không ít người đã “sập bẫy”, tin tưởng vào lời dụ dỗ về một viễn cảnh có thể ung dung ngồi chờ tiền tự sinh sôi nảy nở do Lustig vẽ ra và móc ra hàng chục ngàn USD để sở hữu chiếc rương. Họ không ngờ rằng thực chất những đồng tiền được chiếc “máy in tiền” đó nhả ra đã được Lustig giấu kỹ bên trong từ trước.
Với chiêu lừa tưởng như khó tin này, có những phi vụ, Lustig thu về đến 30.000 USD (tương đương khoảng 300.000 USD hiện nay). Vì mỗi lần chờ 1 tờ tiền được in ra lên đến 6 tiếng nên đến khi những đồng tiền nhét sẵn trong rương đã hết và nạn nhân phát hiện đã bị lừa thì Lustig đã cao chạy xa bay.
Hai lần bán Tháp Eiffel
Tháng 5/1925, Lustig tới Paris, Pháp. Một ngày nọ, hắn tình cờ đọc được bài báo cho hay Tháp Eiffel đã bắt đầu xuống cấp, cần được đại tu nhưng chi phí cần đến khá đắt đỏ. Bài báo cũng dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy có nhiều ý kiến đề nghị phá bỏ tháp thay vì tu sửa cho đỡ tốn kém. Bài viết như thổi một luồng điện qua người Lustig, hắn nhanh chóng vẽ ra trong đầu một âm mưu kiếm tiền “khủng”.
Một kế hoạch tỉ mỉ được vẽ ra. Theo đó, Lustig đã chuẩn bị một bộ giấy tờ giả làm Thứ trưởng Bộ Bưu điện Pháp cùng vài bộ hồ sơ về Tháp Eiffel. Sau đó, hắn mời 5 nhà buôn phế liệu nổi tiếng nhất tại Paris đến Khách sạn sang trọng Crillon ở Quảng trường Concorde. Tại đây, Lustig vờ nhỏ to với 5 vị doanh nhân rằng chính phủ đang muốn dỡ bỏ Tháp Eiffel vì chi phí bảo dưỡng quá cao. Vẫn theo lời hắn, Chính phủ Pháp sẽ bán tòa tháp thông qua một cuộc đấu giá kín để tránh những ý kiến trái chiều của người dân. Lustig cũng tiết lộ rằng hắn đã được giao cho toàn quyền lựa chọn nhà thầu thực hiện hợp đồng “béo bở” này.
Thoạt nghe, những thông tin mà “Thứ trưởng Bộ Bưu điện Pháp” đưa ra cực kỳ khó tin. Thêm vào đó, giá khởi cho tòa tháp có tổng khối lượng gần 10 ngàn tấn, trong đó có 7,3 ngàn tấn thép mà “đại diện chính phủ” Pháp tại cuộc gặp đưa ra lại rất thấp so với giá thị trường. Tuy nhiên, những vị doanh nhân lọc lõi trên thương trường lại bị lòng tham làm cho “mất trí”. Ngay trong bữa ăn, Lustig bằng sự nhanh nhạy của mình đã chọn được “con mồi”, đó là ông André Poisson - người cả tin nhất trong số 5 doanh nhân có mặt đồng thời cũng là người đang khát khao muốn có một phi vụ lớn để “lấy số” trong giới doanh nhân ở Paris.
Lustig sau đó hẹn gặp riêng ông Poisson và nói rằng ông này đã được chọn làm nhà thầu cho vụ mua bán toàn bộ sắt thép phế liệu từ Tháp Eiffel. Lustig cũng than thở rằng những cán bộ như hắn chỉ có lương eo hẹp để “gợi ý chung chi”. Chính điểm này đã hoàn toàn thuyết phục doanh nhân Poisson về gói thầu bởi vào lúc bấy giờ, việc vòi vĩnh là điều không thể thiếu khi làm ăn với lực lượng công quyền. Ông Andre Poisson quyết định nhận hợp đồng và hối lộ cho Lustig tổng cộng 70.000 USD. Nhận được tiền, Lustig nhanh chóng bỏ trốn đến Áo khiến Andre Poisson tức tím ruột mà không dám đi tố cáo vì không muốn lộ ra việc mình bị “gạt” một cách ngu xuẩn.
Ở đất Áo, không thấy báo chí đả động gì về vụ lừa bán Tháp Eiffel, Lustig biết hắn chưa bị phát giác. Vì vậy, 6 tháng sau, hắn quyết định trở lại Paris để “đánh quả” nữa. Sử dụng lại đúng chiêu thức ban đầu, hắn đã thêm một lần “bán” được Tháp Eiffel bằng nước bọt và thu về hàng chục ngàn USD. Song, lần này có khác ở chỗ, nạn nhân đã đến trình báo cảnh sát và câu chuyện được phơi trên báo chí. Lustig đã nhanh chân chuồn sang Mỹ trước khi bị tóm.
Bổn cũ soạn lại
Tại Mỹ, Lustig thậm chí còn lừa cả trùm tội phạm khét tiếng thế giới Al Capone theo cách ít ai ngờ được. Cụ thể, hắn dụ Al Capone đầu tư 50.000 USD vào một dự án “ma”, cam kết sẽ đem lời về cho trùm tội phạm sau 2 tháng “xuất tiền”. Khác với những lần trước, lần này, Lustig tạo dựng lòng tin bằng cách để tiền nằm đó đúng 59 ngày và đến ngày thứ 60 thì quay lại nói với Capone rằng kế hoạch làm ăn thất bại nhưng vẫn trả lại ông trùm đủ 50.000 USD. Capone đã rất thích thú khi lần đầu tiên gặp được một người “trung thực” như vậy nên đã quyết định chỉ lấy lại 45.000 USD. Điều đó đồng nghĩa với việc trùm lừa đảo bỏ túi ngon lành 5.000 USD mà chỉ tốn chút nước bọt.
Càng về sau, độ liều lĩnh của Lustig càng tăng lên. Năm 1930, hắn hợp tác với một nhà hóa học tên Tom Shaw để sản xuất tiền giả. Mỗi tuần, Lustig và đồng bọn in và tung tới 100.000 USD (khoảng 1.432.700 USD hiện nay) vào nền kinh tế Mỹ, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới việc điều hành chính sách của chính quyền.
Tiền giả của Lustig xuất hiện ở khắp nơi, từ New Orleans tới Chicago. Mật vụ Mỹ được tung ra để dò kẻ cầm đầu của đường dây và âm thầm khép chặt vòng vây. Qua tin báo từ một cô bồ hay ghen của Lustig, họ đã tóm được tên này khi hắn đang ung dung trên đường phố New York. Khi bị bắt, Lustig bình thản tra tay vào còng, khiến một mật vụ Mỹ thậm chí thốt lên rằng hắn là tên tội phạm “biết điều” nhất mà ông từng xử lý.
Ít lâu sau khi bị bắt, Lustig giả bệnh và lợi dụng sơ hở của cán bộ trại tạm giam để đào tẩu nhưng bị bắt lại sau 27 ngày và phải nhận bản án 20 năm tù, bao gồm 15 năm tù vì tội lừa đảo, in tiền giả và 5 năm tù vì tội vượt ngục. Vì từng bỏ trốn, hắn bị đẩy ra thụ án ở nhà tù trên đảo Alcatraz, cho tới khi bị mắc bệnh viêm phổi và chết vào tháng 3/1947.