Bạo lực đã là bình thường?
- Thời gian qua, chúng ta chưa hết bàng hoàng từ vụ lớp trưởng “dằn mặt” bạn bằng nắm đấm ngay trong lớp học, tới đánh bạn ngất xỉu, dàn trận đánh bạn… liên tiếp được tung lên mạng. Phải chăng bạo lực học đường đã tới mức báo động?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Việc học sinh đánh nhau không phải thời nay mới có mà thời nào cũng có, không phải chỉ có học sinh Việt Nam mới đánh nhau mà nước nào cũng có chuyện “bắt nạt”. Ở Anh đã có cả hiệp hội “Chống bắt nạt trong trường học”; châu Âu có cả “Hiến chương Châu Âu vì trường học dân chủ không có bạo lực”. Ở đây có vấn đề tâm lý lứa tuổi của tuổi mới lớn và đang lớn (Từ THCS và THPT) tính cách đang dần hoàn thiện, nhiều suy nghĩ, hành vi chưa được chín chắn, ổn định.
Không kể những vụ án mạng, phần lớn chúng đều gây thương tích cho người bị hại, thế là đã vi phạm pháp luật. Những hành động của chúng đã thể hiện một hành vi ứng xử “vô văn hóa”, như những kẻ không được giáo dục. Cùng với các clip bạo lực tung lên mạng, các hành vi đó được các báo chí đưa tin dồn dập, thế là lại xuất hiện một quy luật tâm lý mới: sự “lan tỏa”, chúng lại trông nhau, bắt chước để “không kém ai”. Đây là quy luật tâm lý mà báo chí cần quan tâm khi đưa tin.
- Dường như đang có khá nhiều bất ổn khi mà tâm lý thấy “thích là đánh”, sự vô cảm đang từ xã hội tràn vào nhà trường?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Trước hết là nguyên nhân giáo dục của gia đình và nhà trường chưa có hiệu quả. Những điều mong muốn tốt đẹp của bố mẹ, thầy cô chưa đến được các em. Những giá trị bình an, yêu thương, tôn trọng, khoan dung, đoàn kết cũng như những kỹ năng sống: thương lượng, giao tiếp thuyết phục không có. Hễ xung đột là chỉ có một cách ứng xử là bạo lực.
Mặt khác, bạo lực học đường phản ánh sinh hoạt xã hội những nơi công cộng, những nơi đông người, chúng ta tổ chức chưa được bình an, chưa có văn hóa, chỉ có mấy ngày tết mà có hàng ngàn vụ đánh nhau, lễ hội nào cũng có xô xát, va chạm nào trên đường cũng dẫn đến ẩu đả. Và đến các nhà trường để xảy ra bạo lực trong khuôn viên nhà trường không chỉ thể hiện công tác giáo dục của trường đó thiếu hiệu quả mà cả công tác quản lý của nhà trường chưa được chuyên nghiệp, nhiều lỗ hổng.
Cuối cùng, trong các nguyên nhân phải kể đến những học sinh gây bạo lực học đường, chúng ta chưa có một chế tài đủ mạnh, đủ ngấm để bản thân các em có những “biến thái về nhân cách” phải thay đổi, các học sinh khác phải lấy đó làm gương.
Có một thực tế, do chương trình sách giáo khoa quá nặng nên hiện chúng ta đang coi trọng việc dạy kiến thức hơn dạy làm người?Và sự vô cảm cũng một phần bắt nguồn từ đó?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Đúng vậy, chương trình bộ môn văn hóa đã kín thời gian, đạo đức chỉ trông vào 1 tiết giáo dục công dân, 1 tiết sinh hoạt lớp, còn muốn giáo dục gì thêm lại phải tổ chức ngoại khóa. Trong khi chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp thì Bộ GD-ĐT cũng đã phân kín cho cả một năm học. Bộ GD-ĐT bố trí dạy quân sự lên 2 tiết/tuần, có cả biên chế cho các giáo viên quân sự, nhưng còn cán bộ tâm lý học đường, thời gian dạy kỹ năng sống, “dạy người” của mỗi trường thì không có.
TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi với PV. |
Phụ huynh, học sinh đều bị… phạt
Làm thế nào để học sinh thấy được tác hại do hành vi bạo hành gây ra và chịu trách nhiệm về hành vi ấy?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Lâu nay chúng ta đã coi nhẹ mặt này, nhất là những hành vi của học sinh đã đi quá mức dẫn đến vi phạm pháp luật. Những học sinh ở tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật tuy chưa thể bắt các em ra tòa, nhưng luật pháp phải có chế tài xử lý với những học sinh đã gây hậu quả nghiêm trọng như giam giữ có thời hạn để giáo dục, hay phạt cải tạo lao động công ích…
Hiện nay, theo quy chế, ngoài kiểm điểm, kỷ luật, hình phạt cao nhất là đuổi học một năm đối với học sinh. Nhưng luật cũng cần phải sửa đổi, quy chế cần sát thực hơn, đồng thời cần quy định rõ trong luật phạt hành chính đối với bố mẹ, được phép giáo dục cải tạo học sinh. Đồng thời Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em cũng phải bổ sung khi trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi bạo lực thì phải chịu trách nhiệm, phải phạt như thế nào….
Về quản lý của Nhà nước với xã hội cũng phải được phân cấp quản lý và phân rõ trách nhiệm cho từng ban ngành, lực lượng xã hội cùng với nhà trường chung tay giải quyết chắc chắn sẽ có kết quả. Bạo lực học đường do ảnh hưởng game bạo lực thì phải có cơ chế cấm trẻ vị thành niên trong các giờ học (cả sáng và chiều) các quán game không cho trẻ em chơi, kiểm tra bắt được phải đóng quán; người lớn có thể chơi đến 23h, trẻ em chỉ được chơi đến 21h.
Tất cả các vụ bạo lực nơi công cộng đều bị giam giữ và phải phạt hành chính, phạt giam giữ. Các phường, quận phải có điểm vui chơi sinh hoạt cho người già và trẻ em. Cuối cùng, Nhà nước phải làm rõ trách nhiệm của các lực lượng xã hội trong việc hỗ trợ các điều kiện để nhà trường làm tốt công tác giáo dục. Đặc biệt, Nhà nước cần bổ sung điều luật về trách nhiệm của cha mẹ với con cái, khi cha mẹ có hành vi bạo lực với con cái thì cha mẹ phải chịu trách nhiệm dân sự như thế nào? Trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi bạo lực thì phải chịu trách nhiệm, phải phạt như thế nào…
- Là một hiệu trưởng trường dân lập nổi tiếng có nhiều học sinh cá biệt, ông có phương pháp giáo dục đặc biệt nào để đưa các em vào khuôn phép?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Trong Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Ban Giám hiệu có hệ thống quản lý rất chặt chẽ từ giám thị, bảo vệ, thầy cô, nắm chắc tình hình nội bộ từng lớp. Giám thị một tiết đi tuần mấy lần và trực ở chỗ đông học sinh nhất trong giờ ra chơi để phản ứng nhanh, giải quyết nhanh nếu có sự cố xung đột xảy ra.
Trong trường hợp có kẻ xấu mang dao, gậy gộc đến, chúng tôi lập tức mời lực lượng công an để xử lý, giải tỏa ngay. Nếu có sự cố học sinh đánh nhau trong trường, nhà trường xin lỗi phụ huynh và trực tiếp tham gia giải quyết hậu quả. Gia đình em đánh bạn phải chịu trách nhiệm, phí tổn đối với bạn bị đánh.
Tâm lý học sinh lứa tuổi này dễ xung đột, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ xảy ra sự cố đáng tiếc. Để không nảy sinh mâu thuẫn âm ỉ, lâu dài, chúng tôi giải quyết những hiện tượng tiềm ẩn va chạm, bạo lực bằng cách cho học sinh chuyển lớp hoặc chuyển cơ sở khác, đồng thời phân công các em khác, lập tổ theo dõi, giúp đỡ từng học sinh cá biệt.
- Xin cảm ơn ông!