Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất |
Dự thảo Quy tắc gồm 4 chương, 15 điều, trong đó quy định rõ về trách nhiệm nghề nghiệp của Đấu giá viên (ĐGV) như: ĐGV phải tận tâm, có trách nhiệm đối với công việc, nhạy bén, khách quan, vô tư, tuân thủ các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của ĐGV; cung cấp các thông tin một cách khách quan, trung thực về tài sản bán đấu giá nhằm đem lại hiệu quả cho cuộc bán đấu giá tài sản, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia đấu giá.
Đồng thời, Dự thảo Quy tắc cũng quy định cụ thể về những việc ĐGV không được làm trong quan hệ với người có tài sản bán đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá.
Theo đó, các hành vi ĐGV bị cấm bao gồm sách nhiễu, gây khó khăn cho người có tài sản bán đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người có tài sản bán đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá ngoài phí đấu giá và chi phí khác theo quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên liên quan; sử dụng thông tin biết được từ việc thực hiện bán đấu giá tài sản để mưu cầu lợi ích cá nhân; thông đồng với người có tài sản bán đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá nhằm mục đích vụ lợi, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người có tài sản bán đấu giá hoặc người môi giới; câu kết với người có tài sản bán đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá, những người có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản đấu giá và hồ sơ đã đấu giá.
Đặc biệt, Dự thảo cũng cấm ĐGV cho thuê, cho mượn hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình để thực hiện các hoạt động đấu giá.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định ĐGV phải tôn trọng, hợp tác, hỗ trợ đồng nghiệp. Việc góp ý, phê bình đồng nghiệp được thực hiện một cách khách quan, đúng nơi, đúng lúc và trên tinh thần xây dựng, không xúc phạm hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp; không có hành vi gây áp lực, đe dọa hoặc sử dụng các thủ đoạn xấu khác đối với đồng nghiệp để giành lợi thế cho mình trong hành nghề; không được thông đồng với đồng nghiệp để thu lợi bất chính.
“Uốn nắn” đấu giá viên bằng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp
Bộ Tư pháp cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, hoạt động bán đấu giá tài sản vẫn còn một số tồn tại. Một trong những hạn chế đó là chất lượng của đội ngũ ĐGV tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản trong bối cảnh kinh tế thị trường.
Gần 1/2 số ĐGV được cấp Chứng chỉ hiện nay chưa qua đào tạo nghề; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhiều ĐGV còn hạn chế; việc chủ động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản một cách thường xuyên chưa được nhiều ĐGV coi trọng.
Trong số hơn 1.000 ĐGV được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, chỉ có khoảng hơn 600 ĐGV đang hành nghề thường xuyên trong thực tế. Trong số còn lại có những người chưa một lần điều hành phiên đấu giá. Hầu hết ĐGV sau khi được cấp Chứng chỉ hành nghề thường kiêm nhiệm nhiều công việc khác (luật sư, ngân hàng, thẩm định giá...) nên chưa xem đấu giá là một nghề.
Một bộ phận ĐGV chưa có ý thức tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và không thường xuyên cập nhật các quy định mới về bán đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, hoạt động hành nghề đấu giá không những đòi hỏi ĐGV phải tuân thủ các quy định của pháp luật mà còn tuân theo Quy tắc đạo đức hành nghề hết sức chặt chẽ.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và tăng cường hơn nữa chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ ĐGV, đáp ứng yêu cầu về phát triển dịch vụ bán đấu giá tài sản trong bối cảnh xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản theo Bộ Tư pháp thì việc xây dựng, ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp ĐGV để điều chỉnh về những chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của ĐGV trong hành nghề là rất cần thiết.