Giàu chỉ một bộ phận dân cư thôi. Có điều phải khẳng định, tiền trong dân thì vô kể. Người ta ước lượng khiêm tốn rằng, có khoảng 60 tỷ đô la đang nằm “trong két” dân. Đất nước đang “gay” không “mở” được về giải quyết “bài toán” vốn cho đầu tư phát triển nhưng tiền “trong dân” đang như thế đấy.
Thực ra, dân không phải “bỏ ống” như ngày xưa mà gửi tiết kiệm qua “kênh ngân hàng”, đầu cơ nhà – đất… như là cách “giữ tiền” rất Việt Nam. Không trách dân được, vì mấy người biết đầu tư vào sản xuất khi “thừa tiền”, mấy ai biết “đầu tư”’ qua kênh chứng khoán, IPO… khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?
Xin nhắc lại rằng, nợ công ngày càng cao. Có thể hết năm 2018 này, mỗi người dân Việt Nam phải “gánh” lên tới 35 triệu đồng tiền nợ công. Không thể “gãi đầu” xin nước ngoài “xí xóa” mà chúng ta vừa phải sản xuất – đầu tư, vừa phải chắt chiu trả nợ. Làm mới đủ ăn, muốn đầu tư phải đi vay là “quy luật nhà nghèo”. Tiếc là, bây giờ đã khác, vốn vay nước ngoài ngày càng đắt đỏ, điều kiện ngày càng ngặt nghèo.
Vậy phải đi vay ở đâu để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội không ngừng tăng lên? Vay dân, chúng ta đã vay trong nước (chủ yếu mà trái phiếu Chính phủ và nguồn quỹ bảo hiểm xã hội). Các nhà làm chính sách đã và đang đau đầu làm sao khơi thông, đánh thức 60 tỷ “ngủ đông” trong “két dân”.
Chợt nhớ 20 năm trước, cuộc khủng tài chính châu Á bắt đầu từ tháng 7/1997 ở Thái Lan rồi ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán, trung tâm tiền tệ lớn và giá cả của những tài sản khác ở vài nước châu Á, nhiều quốc gia trong đó được coi như là “những con hổ Đông Á”. Cuộc khủng hoảng này còn thường được gọi là “Khủng hoảng tiền tệ châu Á”. Trong cơn khủng hoảng, Chính phủ Hàn Quốc vượt qua, có phần nhờ vào nhân dân Hàn Quốc “thắt lưng buộc bụng” để bỏ tiền ra “cứu” nền kinh tế đất nước.
Khi nhân dân tin vào Chính phủ đương nhiên, sẽ là như vậy. Ở Việt Nam, “Tuần lễ vàng” được phát động ngay những ngày đầu mới thành lập nước (năm 1945). Sự kiện bắt đầu từ ngày 04/9/1945 khuyến khích người dân đóng góp ngân sách quốc gia do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động nhằm tháo gỡ sự khó khăn tài chính của đất nước cũng là bài học sống động về “sức dân”. Tuần lễ này được sự hưởng ứng của đông đảo tầng lớp nhân dân, trong đó tầng lớp thương nhân đóng vai trò chủ chốt.
Thời điểm lịch sử hiện nay, phải nói là “quá khó” để có một “Tuần lễ vàng” thứ hai trong lịch sử. Chỉ có thể, “đánh thức” đồng tiền ngủ quên trong “két dân” bằng cơ chế có lợi cho đôi bên nhà nước – người dân và giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề khác để có lòng tin. Đây là bài toán khó, nhưng về quản trị quốc gia, không thể không tính tới./.