Ôm cục nợ rồi bỏ trốn?
Nhiều ngày nay, có rất nhiều người dân trên địa bàn huyện Đắk Mil tập trung trước cửa Công ty nông sản H.C. (địa chỉ xã Đắk R’La, huyện Đắk Mil) với mục đích để đòi lại số tiền mà họ đã cho vay trước đó. Nhưng điều khiến cho tất cả chủ nợ phải thất vọng vì cửa nhà công ty trên lúc nào cũng trong tình trạng cửa đóng then cài.
Được biết, Công ty nông sản H.C. do cặp vợ chồng ông B.Q.C. (SN 1966) và bà N.T.H. (SN 1969) làm chủ, công ty này hoạt động kinh doanh nông sản đã được gần 20 năm nay.
Chị Nguyễn Thị Nhượng (SN 1988, ngụ xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil) chia sẻ: Vì là chỗ thân quen nên bà H. có sang nhượng một thửa đất 15m ngang cho chị. Sau đó, bà H. nói bà kẹt tiền nên nhờ chị Nhượng dùng sổ đỏ mà bà đã sang nhượng cùng với 01 sổ đỏ đất rẫy (diện tích hơn 1,5ha) của gia đình chị để thế chấp ngân hàng vay 500 triệu đồng.
Không những thế, bà H. còn nói chị Nhượng vay vốn dành cho hộ nghèo thêm 30 triệu đồng để đưa cho bà. Sau khi nhận tiền từ ngân hàng, chị Nhượng lấy 150 triệu đồng để lo công việc nhà, còn lại 380 triệu đồng chị đưa hết cho bà H. sử dụng.
Vài ngày nữa chị Nhượng phải trả 5 triệu đồng tiền lãi ngân hàng nhưng giờ không biết lấy tiền ở đâu ra mà xoay sở. Được biết, hoàn cảnh gia đình chị Nhượng rất khó khăn, đứa con lớn 10 tuổi của chị bị dị tật bẩm sinh, còn con út chỉ mới chập chững bước vào lớp 1.
10 ngày nay chị Nguyễn Thị Lệ Huyền (ngụ thôn Đức Hòa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil) như ngồi trên đống lửa vì đã trót cho bà H. vay 4,2 tỷ đồng. Sau nhiều lần trễ hẹn không trả, chị Huyền tìm đến tận công ty thì không thấy người đâu. Mỗi lần nhấc máy gọi vào số bà H. thì đều không có tín hiệu liên lạc được.
Chị Huyền kể: “bà H. vay tiền của tôi rất nhiều lần, những lần đầu cho bà H. vay 300-500 triệu đồng, nhưng đến hẹn bà H trả tiền gốc và lãi đầy đủ nên chị rất tin tưởng. Ngày 8/2/2018, bà H. hỏi vay của chị 1,5 tỷ đồng với mục đích đáo hạn ngân hàng. Đến ngày 26/2, chị lại cho bà H. vay thêm 1,1 tỷ đồng.
Bà H. hứa với tôi sau 5 ngày mượn sẽ trả cả gốc và lãi, tuy nhiên hơn 1 tuần sau tôi vẫn chưa thấy trả nên đến nhà hỏi. Khi đó, bà H. nói rằng đã đầu tư hết rồi, đợi bà bán nhà ở xã Đắk N’Drót sẽ trả đầy đủ. Đến cuối tháng 6/2018, bà H. nói tôi đưa thêm tiền cho bà để trả tiền hợp đồng nhằm lấy cà phê về, sau đó sẽ trả hết nợ cho tôi.
Vì lỡ “đâm lao” nên tôi phải vay mượn 1,6 tỷ đồng đưa cho bà H. Bà hẹn tôi 3 ngày sau sẽ trả tất cả số tiền nợ, nhưng đến ngày hẹn tôi gọi điện cho bà H liên tục nhưng không được, đến nhà cũng không gặp được bà ấy”.
Được biết, số tiền 4,2 tỷ đồng không phải là tiền của chị Huyền mà trong đó có cả tiền chị đã mượn của hơn 10 người để cho bà H. vay. Khi nghe tin bà H. vắng mặt ở địa phương thì các chủ nợ cũng ráo riết đến nhà chị Huyền để đòi nợ. Tuy nhiên, vì bà H. đã trốn biệt tích nên chị cũng không biết lấy tiền đâu để trả cho chủ nợ của mình.
Người tâm thần cũng không tha
Trường hợp của bà Trần Thị Phố (78 tuổi, ngụ thôn 2, xã Đắk R’La) khiến cho nhiều người không cầm được nước mắt. Bởi ngày nào bà Phố cũng dắt theo người con trai 43 tuổi bị bệnh thiểu năng trí tuệ bẩm sinh đến nhà bà H. với hy vọng đòi lại được số tiền đã cho vay trước đó.
Do là hàng xóm láng giềng với bà H. nên gia đình hai bên cũng thường xuyên qua lại. Vào tháng 4/2018, bà H. đến nhà hỏi vay tiền bà Phố để làm ăn với lời hứa sẽ trả lãi hàng tháng. Vì nghĩ tuổi già, sức yếu với vài ba đồng bán bánh tráng thì sau này mất đi sẽ không có tiền để lo cho người con mắc bệnh tâm thần nên với 20 triệu đồng dành dụm được, bà Phố mượn thêm của con cháu 130 triệu đồng cho bà H. vay với lãi suất 3 triệu đồng/tháng.
Bà Phố lo lắng vì số nợ phải gánh. Ảnh Đức Huy |
Tuy nhiên, do các con của bà Phố cũng đi vay lãi nên hàng tháng bà phải trả lãi 1,5 triệu đồng. Điều đáng nói là người con trai bị tâm thần của bà Phố cũng là nạn nhân của bà H. Theo đó, anh Chúc dành dụm từ số tiền hỗ trợ của nhà nước cho người tâm thần và tiền làm thuê được 40 triệu đồng cũng bị bà H. qua nhà dụ dỗ và lấy đi.
Bà Phố nghẹn ngào tâm sự: “Cứ nghĩ, khi cho người hàng xóm vay tiền, tôi sẽ có tiền nuôi đứa con không may mắn của mình. Tuy nhiên, chỉ mới lấy lãi được 1 tháng thì vợ chồng bà H. đã lặn mất tăm, khiến tôi ngày đêm ăn không ngon, ngủ không yên. Tuổi tôi đã già rồi nên không còn sức để làm gì nữa. Cũng vì tin tưởng nên tôi vay tiền con cháu để cho bà H. vay lại. Giờ vợ chồng bà ấy đi biệt tích rồi tôi không biết xoay sở như thế nào. Tôi chỉ mong bà H. quay về trả lại số nợ cũ cho tôi, để tôi còn có tiền trả nợ cho người ta”.
Khi chúng tôi tìm đến căn nhà của vợ chồng bà H. đã có hàng chục người đứng ngồi trước cổng chờ đợi. Tuy nhiên, trước căn nhà to vật vã của vợ chồng doanh nghiệp này vẫn đóng kín cổng, cao tường. Khi hỏi thì được biết, hiện chỉ có người con trai và con dâu ở lại trông nom nhà cửa. Còn vợ chồng bà H. bỏ đi đâu thì không một ai biết, kể cả người con trai của bà ta.
Liên quan đến sự việc trên, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận đơn thư phản ánh của nhiều nạn nhân và đang khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ.