Khởi kiện hàng xóm làm nghiêng nhà
Bà Phạm Thị Ngọc (SN 1963, ngụ phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP HCM) phản ánh ngôi nhà của bà ở số 5, lô A1, khu phố 3 phường Tam Bình bị nghiêng, nứt, lún trong quá trình hàng xóm là ông Nguyễn Kiến Thành thi công, đóng cọc móng nhà số 4.
Theo đơn khởi kiện, nhà bà Ngọc được xây dựng năm 2008 với quy mô 5 tầng có giấy phép xây dựng của UBND quận Thủ Đức. Vào tháng 5/2016, ông Thành tiến hành xây dựng công trình nhà số 4, lô A1, liền kề với nhà bà Ngọc. Trong một đêm, ông Thành cho đội thi công đóng tổng cộng 33 cây cọc vuông, mỗi cạnh 20cmx20cm. Bà Ngọc nói rằng quá trình đóng cọc khiến nhà bà bị rơi một mảnh đá hoa cương ốp tường và có thông báo cho hàng xóm biết.
“Sự việc nghiêm trọng xảy ra vào đêm 24/08/2016, khi cả nhà tôi đang ngủ thì nghe có rung chấn mạnh. Sáng hôm sau, tôi phát hiện nhà mình bị nghiêng, tách khỏi phần tường kề với nhà bên cạnh (nhà số 6) theo chiều dọc. Gạch men rơi ra, một số cửa phòng không thể đóng mở được”, bà Ngọc nói.
Theo quan sát, nhà bà Ngọc có hiện tượng nghiêng nguyên khối, hướng nghiêng về phía công trình của ông Thành. Phần tách rời với nhà liền kề (nhà số 6) rộng nhất ở tầng trên cùng khoảng 5cm, tầng trệt khoảng 0,5cm.
Ngay trong ngày 25/08/2016, bà Ngọc trình báo sự việc đến UBND phường Tam Bình và cán bộ phường đã xuống kiểm tra, lập biên bản hiện trường nhưng ông Thành không đồng ý ký tên vì không phải do công trình nhà ông gây ra.
Hai bên xảy ra mâu thuẫn và không thể hòa giải được ở UBND phường. Tháng 4/2017, bà Ngọc làm đơn khởi kiện ông Thành ra Tòa án quận Thủ Đức yêu cầu bồi thường số tiền 300 triệu đồng. Tháng 8/2017, Tòa án quận Thủ Đức ra quyết định giám định với nội dung “xác định nguyên nhân và mức độ hư hỏng, tư vấn biện pháp sửa chữa” do công ty Ngân Hà (TP HCM) thực hiện.
Nhà bà Ngọc (màu xanh) tách rời so với nhà liền kề số 6. |
Kết quả giám định nói rằng số lượng các cột bị nghiêng của nhà bà Ngọc chiếm tỷ lệ 60% tổng số cột. Trong đó, không có cột nghiêng nào vượt quá giới hạn cho phép. Mức độ hư hỏng của nhà bà Ngọc ở cấp độ B, hệ cột vẫn đang ở mức độ an toàn cho phép. Nhà bà Ngọc nghiêng theo hai hướng chính là nghiêng về phía sau và nghiêng sang phải (hướng về phía công trình của ông Thành). Nguyên nhân là do việc thi công ép cọc công trình nhà số 4 (công trình của ông Thành).
Tòa án có ưu ái bị đơn?
Tuy nhiên, ông Thành không đồng ý với kết quả trưng cầu giám định của Công ty Ngân Hà nên có đơn yêu cầu giám định lại vào tháng 9/2017. Tòa án chấp nhận yêu cầu, ra quyết định trưng cầu giám định và thông báo cho ông Thành thực hiện đóng tiền giám định, sau đó vì ông Thành không đóng tiền nên tòa đình chỉ yêu cầu giám định lại.
Đến tháng 12/2017, ông Thành yêu cầu giải thích chứng thư giám định của Công ty Ngân Hà. Tại buổi giải thích ngày 4/1/2018, ông Thành không đồng ý chứng thư giám định vì cho rằng tại thời điểm ông đóng cọc, nhà bà Ngọc không nghiêng, nứt, lún. Ông Thành nói rằng sau 3 tháng ông đóng cọc, nhà bà Ngọc mới bị nghiêng, nứt, lún nên cần căn cứ nhiều yếu tố như việc ép cọc, nền đất, thời tiết lúc đóng cọc và sau khi đóng cọc.
Nhưng cũng tại buổi làm việc ngày 4/1/2018, ông Thành đề nghị tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hiện trạng công trình số 4 (của ông Thành) và số 5 (nhà bà Ngọc) để làm căn cứ giải quyết. Phía bà Ngọc đồng ý, tòa án cũng đã cho thẩm định tại chỗ theo đúng ý kiến của ông Thành.
Mặc dù vậy, đến ngày 5/2/2018, ông Thành lại có đơn yêu cầu “trưng cầu giám định việc đóng cọc có làm thay đổi, ảnh hưởng, nghiêng, nứt, lún đến các công trình nhà đất lân cận hay không”. Đơn này được Tòa án quận Thủ Đức chấp nhận. Phía bà Ngọc bức xúc: “Tại sao lại có sự lật lọng đến như vậy. Buổi làm việc ngày 4/1/2018, ông Thành nói không cần giám định lại. Đến nay lại yêu cầu giám định. Tôi không hiểu tại sao tòa vẫn chấp nhận điều đó. Có phải đang tìm cách kéo dài việc giải quyết”.
Mãi đến tháng 6/2018, tòa án mới có “hợp đồng” giám định với Công ty Cổ phần kiểm định xây dựng Sài Gòn (TP HCM). Theo nội dung, mặc dù ông Thành yêu cầu giám định việc đóng cọc có ảnh hưởng đến các công trình lân cận hay không? Nhưng trong “hợp đồng” lại nêu nội dung công việc “kiểm định chất lượng công trình, xác định nguyên nhân gây hư hỏng nhà bà Ngọc”. Bà Ngọc không đồng ý vì cho rằng yêu cầu giám định một đằng, nội dung một nẻo.
“Sự việc kéo dài gần 2 năm qua, gia đình tôi phải sống trong ngôi nhà nghiêng, lún rất nguy hiểm. Tôi chỉ mong muốn tòa giải quyết dứt điểm để tôi tiến hành sửa chữa lại căn nhà”, bà Ngọc nói.
PV tìm đến Tòa án quận Thủ Đức để tìm hiểu thêm thông tin về những phản ánh mà bà Ngọc cho rằng tòa “ưu ái” cho bị đơn. Ông Vũ Tất Trình – Chánh án Tòa án quận Thủ Đức không trả lời vì cho rằng giấy giới thiệu của PV chưa hợp lệ với nguyên tắc làm việc của Tòa án quận Thủ Đức.
Một kỹ sư xây dựng cho hay, việc đóng cọc dù ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến nhà bên cạnh. Việc ảnh hưởng này có thể ngay lập tức hoặc theo thời gian vì nền đất nơi đóng cọc bị biến dạng, ép sang các công trình khác.