Chùa Bửu Thắng hay còn có tên gọi khác là “chùa Lá”, tọa lạc tại thôn Tâm Hà 3, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Đây là một ngôi chùa mới được phục dựng, phát triển gần 20 năm nay, là nơi cưu mang hàng ngàn mảnh đời bất hạnh, để lại ấn tượng tốt trong lòng bà con và chính quyền địa phương.
Năm 2001, sư cô Thích Nữ Huệ Hướng được phân công về làm Trụ trì chùa Bửu Thắng. Theo lời sư cô Huệ Hướng kể lại, vào thời điểm trên, nơi đây là một vùng cây cối rậm rạp. Ngôi chùa lúc đó đã mục nát, che mưa không được, che nắng chẳng xong. Thứ có giá trị nhất, quý giá nhất chỉ là một tượng phật nhỏ.
Một mình bà đã lặn lội xuống TP HCM, nơi mình từng sống nhiều năm để vận động các nhà hảo tâm quyên góp, giúp đỡ. Khi sửa sang lại chùa, che được nắng, tránh được mưa, sư cô nhận một số trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa về cưu mang, nuôi dưỡng. Ngay trong năm 2001, sư cô Huệ Hướng đã nuôi gần 20 người tàn tật.
Cứ dăm bữa nửa tháng, người dân lại đưa tới chùa vài đứa trẻ, vài cụ già, thậm chí là người tàn tật, thần kinh… nhờ chăm sóc. Với tâm nguyện “dẫu xây chín bậc phù đồ/Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người”, các sư cô, sa di trong chùa không quản ngại khó khăn, vất vả, vẫn niềm nở đón nhận.
Chùa Bửu Thắng, nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh |
Sư cô Huệ Hướng cho biết, sở dĩ mình có duyên nhận nuôi trẻ mồ côi, người tàn tật bởi vì bản thân sư cô cũng là một đứa trẻ mồ côi. Thủa nhỏ, sư cô phải đi ở đợ cho người khác, làm đủ thứ chuyện nặng nhọc trên đời để kiếm miếng ăn. Hơn ai hết, sư cô thấu hiểu bao nỗi đắng cay, tủi nhục của những em bé mồ côi khi gặp phải người xấu. Bởi vậy, khi đưa về chùa, sư cô luôn tạo điều kiện cho các cháu nhỏ được ăn học tử tế.
Trong những người mình cưu mang, sư cô Huệ Hướng vẫn nhớ mãi trường hợp của 5 chị em cháu Phạm Thị Tú Mỹ (quê gốc ở xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Theo lời sư cô, sau khi vào Đắk Lắk lập nghiệp, gia đình cháu Mỹ định cư tại xã Cư Pô, huyện Krông Búk. Năm 2004, cha của cháu không may qua đời sau một vụ tai nạn giao thông. Không lâu sau, người mẹ cũng quá đau buồn, tới mức phát điên, bỏ đi khỏi địa phương, không ai hay tung tích.
Gia cảnh nghèo khó, lại chẳng ai thân thích để nương tựa nơi đất khách quê người. May sao, cả 5 chị em của Mỹ được người dân đưa đến chùa Bửu Thắng gửi gắm. Nhờ ân tình chăm sóc của sư cô Huệ Hướng cùng các tăng ni khác, cả 5 chị em của Mỹ đều dần khôn lớn. Hiện tại, một người đã đi lấy chồng, hai người khác đã được đi học đại học, còn hai người em nhỏ đang ở lại chùa với sư cô.
Một trường hợp khác cũng đặc biệt không kém là của cháu Huỳnh Phước Hậu. Giờ Hậu đã gần 10 tuổi nhưng thân hình vẫn bé nhỏ như một đứa trẻ mới lên 5. Sư cô kể lại rằng, ngày trước, có người đem Phước Hậu tới trước cổng chùa bỏ lại khi cậu bé vừa lọt lòng mẹ.
Cậu bé này mang căn bệnh “não úng thủy”, lúc nào cũng quấy khóc. Sau khi được sư cô đưa đi chữa trị khắp các bệnh viện lớn nhỏ, bệnh tình cậu bé đã bớt nhưng đôi mắt của Hậu đã mù. Từ hơn 10 năm qua, không khi nào Hậu ngồi yên, lúc nào cũng lắc lư cái đầu. Cái tên Phước Hậu cũng do sư cô đặt cho cậu bé đặc biệt này.
Sư cô Huệ Hướng trò chuyện cùng những người bất hạnh nương náu cửa chùa |
Tương tự, vào năm 2014, có một cụ già mang theo một đứa trẻ sơ sinh tìm đến trước cổng chùa báo tin rằng, mình đi mót củi trong vườn cà phê, phát hiện ra cháu nhỏ bị bỏ rơi nên mang đến nhờ nhà chùa nuôi nấng. Sau đó sư cô nhận vào, đặt tên cho bé gái là Huỳnh Phước Mai. Cũng như cháu Hậu, Mai sinh ra đã là một đứa trẻ tật nguyền, 2 tay có nhưng ngắn ngủn, 2 chân co quắp. Sư cô phải đưa cháu đi chữa trị nhiều nơi mới giúp Mai đi lại được.
Ngoài những trường hợp trên, hiện chùa còn nuôi hàng chục người bị tâm thần, nhiều đứa trẻ bị bại não, tàn tật và nhiều người già không nơi nương tựa. Theo quan sát của PV trong trung tâm nuôi dưỡng người già - trẻ mồ côi của chùa có 3 khu nhà tập thể. Trong đó, một khu dành cho người già neo đơn, một khu dành cho trẻ nhỏ, một khu dành cho những người mắc bệnh thần kinh.
Ngoài việc chăm sóc, lo cái ăn cái mặc cho hàng trăm con người bất hạnh kia, sư cô Huệ Hướng cũng liên hệ với các bệnh viện để tổ chức khám định kỳ, cấp thuốc, đảm bảo sức khỏe cho những người đang cư trú trong trung tâm của mình.
Sư cô chia sẻ: “Mình làm việc thiện xuất phát từ cái tâm. Bởi vậy, người già thì tôi coi như cha mẹ, trẻ nhỏ tôi coi như con…Sau này tôi già yếu, không còn làm được nhiều việc nữa thì sẽ giao lại trách nhiệm này cho một đệ tử nào đó có đủ tâm đức, nhiệt huyết và cả tài trí để giúp đời, giúp người”.
Theo ông Bùi Vũ Chương, cán bộ Tư pháp phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ), từ khi phục dựng lại chùa Bửu Thắng đến nay, sư cô Huệ Hướng đã có nhiều đóng góp cho địa phương. Đặc biệt là chùa đã làm rất nhiều việc thiện nguyện, cưu mang những mảnh đời bất hạnh.
Ngoài việc nuôi dưỡng, chăm sóc, sư cô Huệ Hướng cũng tạo điều kiện cho các em nhỏ được đến trường, học hành tử tế. Hằng năm vào các dịp lễ, tết, chính quyền phường cũng phối hợp với chùa Bửu Thắng, phát quà cho các hộ nghèo trên địa bàn.