Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX: Quyết tâm xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng

Hình ảnh Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên 2020-2025.
Hình ảnh Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên 2020-2025.
(PLVN) - Một trong những mục tiêu lớn, quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên là tập trung xây dựng tỉnh sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. 

Đóng vai trò dẫn dắt kinh tế vùng

Thái Nguyên nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều thuận lợi để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đáp ứng sự biến động nhanh chóng của nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; chi phí mặt bằng, đầu tư kinh doanh gia tăng đang là những thách thức, rào cản đối với sự phát triển chung của địa phương.  

Theo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tập trung cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh liên kết vùng. 

Trong đó, tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc; quy hoạch hệ thống đô thị Thái Nguyên theo hướng phân bổ hợp lý giữa các vùng, kết nối thuận lợi với hệ thống đô thị vùng Đồng bằng Bắc Bộ; thành phố Thái Nguyên trở thành đô thị thông minh; 

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, các nhà đầu tư đến với tỉnh, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với các nhóm ngành có tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến khoáng sản, nông, lâm sản gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường. 

Từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của tỉnh; Đẩy mạnh liên kết vùng theo chiều dọc và theo chiều ngang nhằm tăng cường kết nối và phát huy thế mạnh của từng địa phương trong khu vực. 

Tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh; Phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm ngành công nghiệp trong một số ngành công nghiệp ưu tiên; Phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp gắn với vùng nguyên liệu. Tập trung chế biến sâu, hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến nông sản để nâng cao giá trị và sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. 

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường liên kết chuỗi và phát triển bền vững gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, thế mạnh của tỉnh; nâng cao chất lượng, giá trị cây chè và sản phẩm trà; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Thành phố Thái Nguyên.
 Thành phố Thái Nguyên.

Phát triển mạnh khu vực dịch vụ, nhất là các dịch vụ có tiềm năng, lợi thế của địa phương. Quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm để bảo tồn nguồn tài nguyên du lịch và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, bảo đảm các tài nguyên được sử dụng hiệu quả nhất; sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Núi Cốc; du lịch nông nghiệp, trải nghiệm vùng chè và văn hoá trà; du lịch tâm linh, lịch sử về nguồn từ quê hương của Hoàng đế Lý Nam Đế đến ATK Định Hóa, kết nối với các khu, điểm du lịch và di tích lịch sử văn hoá của các tỉnh, thành trong cả nước. 

5 định hướng lớn cho nhiệm kỳ

Tiếp tục thực hiện 03 đột phá chiến lược đã được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Thái Nguyên tập trung vào 5 định hướng lớn:

Thứ nhất, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội; 

Thứ hai, chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Thứ ba, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tập trung rèn luyện kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ; 

Thứ tư, quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; 

Thứ năm, đặc biệt quan tâm chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với Đề án phát triển tổng thể theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; phát triển tiềm năng du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, các nhiệm vụ và giải pháp trong công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX khẳng định: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp, trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình trực tiếp quản lý; bảo đảm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định. 

Một số chỉ tiêu chủ yếu đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên; Cơ cấu kinh tế năm 2025: Công nghiệp, xây dựng 61%; dịch vụ 31%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 8%; Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 9%/năm trở lên; Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân từ 3,5%/năm trở lên; Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân từ 7%/năm trở lên; trong đó, xuất khẩu địa phương tăng bình quân từ 11%/năm trở lên; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không bao gồm thu tiền sử dụng đất và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết) tăng bình quân từ 10%/năm trở lên; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt từ 150 triệu đồng trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 100 triệu đồng trở lên; Đến hết năm 2025 có 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 06 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới; Củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học; phấn đấu có 90% số trường đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường nội trú theo hướng hiện đại; Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm (theo chuẩn mới) từ 1% trở lên; Bình quân hằng năm kết nạp đảng viên đạt tỷ lệ từ 2,5% trở lên so với tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 80% trở lên. Tỷ lệ đảng bộ cấp trên cơ sở xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 80% trở lên. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 80% trở lên.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.