Kết quả này thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Một trong những giải pháp hiệu quả trong tạo việc làm cho NLĐ là việc tỉnh quan tâm tới đội ngũ cán bộ quản lý lao động - việc làm tại cơ sở. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã có hơn 2.000 cán bộ cơ sở được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác giải quyết việc làm. Đây cũng là đầu mối quan trọng giúp cơ quan chuyên môn, người sử dụng lao động những thông tin chính xác về nhu cầu cần có việc làm của NLĐ.
Nhằm nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng sản xuất cho đông đảo NLĐ, các cấp, ngành của tỉnh cũng luôn linh hoạt trong triển khai thực hiện các chính sách, quy định về giáo dục nghề nghiệp, qua đó tăng dần tỷ lệ NLĐ được đào tạo nghề từ 58,1% năm 2015 lên 68,6% năm 2019 và dự kiến đạt trên 80% vào cuối năm nay. Hiệu quả đào tạo nghề cho NLĐ góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Cũng trong thời gian qua, toàn tỉnh còn có gần 2.800 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề. Chủ yếu là các nghề: Lái xe ô tô; cơ khí; dệt may; sửa chữa máy nông nghiệp; chăn nuôi, thú y… 90% thanh niên sau đào tạo nghề có việc làm với mức thu nhập ổn định từ 6 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng.
Đồng thời, Tỉnh đoàn đã tổ chức 16 lớp đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho hơn 800 đoàn viên, thanh niên tham gia. Để khuyến khích các bạn trẻ tự tin, hàng năm, Tỉnh đoàn chủ động phối hợp với Đại học Thái Nguyên mời một số chuyên gia kinh tế tham gia nói chuyện tại diễn đàn “Thắp lửa và kết nối khởi nghiệp”, qua đó thu hút hàng nghìn lượt sinh viên tham gia. Qua diễn đàn, nhiều bạn trẻ tự tin khởi nghiệp, tự tạo được việc làm cho chính mình và bè bạn.
Để mở ra nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ ở vùng sâu, xa, vùng có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống và người khuyết tật, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực tuyên truyền, tạo cho người dân tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm tại chỗ.
Hiện, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng sản xuất của tỉnh đạt gần 150 tỷ đồng. Doanh số cho vay đến nay đạt hơn 200 tỷ đồng, với gần 5.700 lượt người vay. Ngoài ra còn có 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh được vay với tổng vốn hơn 5,4 tỷ đồng để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm có thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương...
Các giải pháp về tạo việc làm cho NLĐ được các cấp, ngành của tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, mở ra cho NLĐ nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có việc làm mang lại thu nhập ổn định, góp phần thực hiện thành công Chương trình giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh./.