Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020 – 2025, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyễn Nguyễn Thị Mai.
Đạt được nhiều thành tựu quan trọng
*Thưa bà, triển khai Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, ngành VHTTDL tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả nổi bật nào?
- Trong nhiệm kỳ vừa qua, thực hiện chương trình phát triển VHTTDL theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh và các chương trình mà UBND đã ban hành, ngành VHTTDL tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Cụ thể, trong lĩnh vực văn hóa, nhiều giá trị di sản văn hóa trên địa bàn đã được bảo tồn và phát huy, phục vụ nhiệm vụ xây dựng văn hóa con người Việt Nam. Lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng đã được quan tâm, khuyến khích và có nhiều tác phẩm sáng tạo cũng như tôn vinh các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng đã phát triển mạnh mẽ và đóng góp không nhỏ vào phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cũng như thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.
Trong lĩnh vực thể thao, đã có nhiều vận động viên đạt thành tích cao ở đấu trường quốc tế, khu vực, quốc gia. Đồng thời, phong trào thể thao quần chúng đã phát triển sâu rộng, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia rèn luyện sức khỏe để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Với lĩnh vực du lịch, mặc dù còn khó khăn và chưa phát triển tương xứng với tiềm năng nhưng trong nhiệm kỳ qua, lĩnh vực này đã có đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của tỉnh. Trong đó, nhiều khu, điểm du lịch mới đã được đưa vào khai thác, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thái Nguyên, qua đó quảng bá tốt hình ảnh của tỉnh tới các nhà đầu tư trong, ngoài nước và đặc biệt là khuyến khích phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ đóng góp vào nguồn thu ngân sách cho tỉnh thời gian vừa qua.
Có thể khẳng định rằng ngành VHTTDL tỉnh nhiệm kỳ qua đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành và có những đóng góp quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh tạo nền tảng cho phát triển kinh tế, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ.
* Nhắc đến Thái Nguyên là nhắc đến “Thủ đô gió ngàn”, “địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam”. Xin bà cho biết, trong những năm qua, ngành đã có những hoạt động gì để phát huy giá trị đặc sắc này của tỉnh nhà?
- Thái Nguyên là tỉnh trung tâm của vùng Việt Bắc, có di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Tỉnh cũng có gần 900 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 50 di tích đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Đây là nguồn di sản vô cùng quý giá để tỉnh phát huy giá trị của các di tích này vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là giáo dục truyền thống và phát triển du lịch.
Vì vậy, trong những năm vừa qua, chúng tôi rất quan tâm đến việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cũng như xây dựng đề án bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhiều di tích đã được quan tâm đầu tư xây dựng và trở thành những “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ, các tầng lớp nhân dân như quần thể di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, di tích 27/7, di tích Vua Lý Nam Đế tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên… di tích nhà tưởng niệm 60 liệt sĩ thanh nhiên xung phong đại đội 915 đội 91 Bắc Thái.
* “Trà Thái” đã trở thành hình ảnh tiêu biểu của Thái Nguyên. Ngành VHTTDL tỉnh đã xúc tiến quảng bá cây chè của mình ra sao để góp phần xây dựng thương hiệu trà và phát triển kinh tế của địa phương, thưa bà?
- Nói đến Thái Nguyên là nói đến cây chè, nói đến văn hóa trà. Trà Thái đã và đang trở thành thương hiệu quốc gia. Chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương quảng bá cho sản phẩm trà Thái Nguyên đến bạn bè trong nước và quốc tế như tổ chức các Festival Trà quốc tế Thái Nguyên, các chương trình quảng bá du lịch gắn với sản phẩm trà Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, cảnh quan văn hóa trà Thái Nguyên hiện nay đang là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Ngành VHTTDL tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp, các địa phương để tiếp tục đầu tư, tu bổ, tôn tạo cảnh quan các vùng chè các địa phương như vùng trà Tân Cương, vùng trà La Bằng Đại Từ, Trại Cài Đồng Hỷ, Tức Tranh Phú Lương… Đây là những địa danh có thể giới thiệu cho du khách khi đến tham quan Thái Nguyên để khách được hòa mình vào thiên nhiên, được thưởng thức các sản phẩm trà đa dạng, từ đó góp phần đưa sản phẩm trà Thái Nguyên tới các thị trường trong nước, quốc tế đạt hiệu quả hơn.
Chủ động chuẩn bị cho “trạng thái bình thường mới”
*Năm 2020 là một năm rất khó khăn đối với du lịch do đại dịch Covid-19. Với vai trò là “tư lệnh ngành”, bà đã đề ra những giải pháp nào để thực hiện được “mục tiêu kép”?
- Năm 2020, với những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến du lịch cả nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng, chúng tôi đã phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho ngành Du lịch. Chẳng hạn, phối hợp với Hiệp hội Du lịch để cùng các thành viên trong Hiệp hội thực hiện các giải pháp củng cố các khu, điểm du lịch cũng như chuẩn bị các dịch vụ du lịch để khi dịch Covid-19 được tạm thời ngăn chặn thì có ngay những chương trình kích cầu du lịch nội địa. Chúng tôi cũng kết nối với các thị trường trong nước để giúp du lịch Thái Nguyên khởi động trở lại và đón dòng khách du lịch từ phía Nam.
Ngoài ra, chúng tôi đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ khai thác tốt tiềm năng du lịch Thái Nguyên, khắc phục những hạn chế trong phòng chống dịch Covid-19 và trong lĩnh vực du lịch; khuyến cáo các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch những biện pháp cần thiết trong phòng chống dịch theo phương châm Thủ tướng nhấn mạnh là hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
* Năm nay cũng vừa là năm kết thúc nhiều chương trình, mục tiêu phát triển vừa là năm mở ra cho chương trình, giai đoạn mới. Thưa bà, ngành VHTTDL tỉnh đã đề ra những phương hướng, mục tiêu gì cho giai đoạn tới đây?
- Bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngành VHTTDL tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được thời qua qua. Đó là tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh những giải pháp quan trọng để phát triển toàn diện VHTTDL của tỉnh như tiếp tục duy trì, bảo đảm chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để có thể lồng ghép, phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục truyền thống với phát triển du lịch trên địa bàn; tăng cường các giải pháp xây dựng thiết chế về VHTTDL để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chúng tôi cũng tham mưu sẽ xây dựng các chương trình, đề án mang tính chiến lược, có sự hoạch định để phát huy tiềm năng du lịch, văn hóa đặc biệt của Thái Nguyên, đóng góp vào phát triển du lịch tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực quản lý nhà nước của các cấp chính quyền đối với lĩnh vực VHTTDL, kêu gọi thu hút đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp vào lĩnh vực VHTTDL để ngành phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà trong giai đoạn tới.
* Từ Bí thư Huyện ủy trở thành “tư lệnh ngành”, chắc chắn bà sẽ có những trăn trở, suy nghĩ đối với lĩnh vực VHTTDL. Xin bà chia sẻ đôi nét với chúng tôi về những trăn trở, suy nghĩ ấy?
- Là cán bộ cơ sở, được trưởng thành làm lãnh đạo ngành VHTTDL tỉnh, thực sự là tôi có nhiều những lo lắng. Đó là làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của tỉnh đối với một ngành lớn, bao trùm đời sống xã hội. Nhiệm vụ này với tôi, có thể nói là rất nặng nề và cũng là trách nhiệm mà lãnh đạo tỉnh giao bởi vậy tôi phải nhanh chóng tiếp cận để tham mưu hiệu quả nhất.
Đến nay, tôi rất tự tin khi đội ngũ cán bộ VHTTDL từ tỉnh đến cơ sở được đào tạo bài bản và chắc chắn rằng dưới sự chỉ đạo tập trung sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thì ngành VHTTDL sẽ phấn khởi, năng động và trách nhiệm hơn trong tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt các giải pháp phát triển ngành VHTTDL xứng với sự mong đợi của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn.
* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!