Sống dở, chết dở trong ô nhiễm vì dự án treo
Thôn Trung Sơn chia làm 2 khu, tổ 1 được gọi xóm Mốc, tổ 2 gọi xóm Trung với tổng 197 hộ, 769 nhân khẩu. Toàn bộ diện tích của thôn nằm trong dự án Khu nhà ở liền kề KCN Hòa Khánh có từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Trừ một số ít đã nhận đất tái định cư nơi ở mới, còn lại hầu như sống trong cảnh chờ đợi với nhiều lo âu, thấp thỏm.
Để vào Trung Sơn, người dân đi đi dọc con đường số 4 thuộc KCN Hòa Khánh rồi chạy theo một lối nhỏ song song với hệ thống nước thải dẫn về thôn. Chính điều này mà từ 10 năm về trước, thôn Trung Sơn có biệt danh là “xóm nước đen!”.
Lý giải nhanh, chị Lê Thị Điệp (SN 1972, ngụ thôn Trung Sơn) chỉ xuống đám ruộng hơn 1.000m2 trước mặt nhà, đang để cỏ mọc nhiều năm liền: “Mọi người nhìn xem, nước đen ngòm, như có váng dầu phủ lên bề mặt. Không có lúa ngô, rau quả gì có thể sống được, ngoại trừ mấy cây cỏ dại. Đã thế, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng bay khắp nơi, không ai chịu được”.
Tiếp lời chị Điệp, ông Võ Chí Thanh, Trưởng thôn Trung Sơn bức xức: “Cái tên nói lên tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân Trung Sơn chúng tôi lâu nay nhưng “kêu trời không thấu”. Theo ông Thanh, ruộng đồng phải bỏ hoang có nguyên nhân từ nước thải của các nhà máy trong KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) chưa qua xử lý xả lén ra ngoài. Cây trồng, còn vật nuôi gì cũng chết.
Sống bằng nghề nông nhưng hiện cả thôn chỉ còn chưa đến 8ha lúa (trước đây 25ha). Mỗi năm, do nước thải ô nhiễm, diện tích bỏ hoang tiếp tục rộng ra, đã vậy còn thường xuyên bị mất mùa. Ông Thanh mô tả, hễ mưa to, nước dâng lên, chất thải chảy lênh láng ra đồng ruộng. Dù lúa non hay gần đến mùa thu hoạch, gặp “chất này” cũng đều bị thối rễ, mục thân. Ngược lại, nếu trời oi nắng quá, mùi “đặc trưng” của ô nhiễm bốc lên, lúa cũng suy kiệt, thường là mất trắng, may mắn lắm năng suất đạt 50%. Mà thú thật, phải ăn hạt gạo trên cánh đồng ô nhiễm như thế cũng nơm nớp lo sợ bệnh tật.
Điều khổ nữa là mưa lớn, cả thôn lập tức trở thành “ốc đảo”. Để thực tế, anh Thanh dẫn ra cây cầu Bà Lụa đã sập hẳn xuống dòng kênh nước thải đen sì để phân trần: Sau cơn bão số 4 vào giữa tháng 9 đến nay, cả thôn gần như bị cô lập. Nước từ dự án Tái định cư Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) đổ xuống, nước thải từ KCN Hòa Khánh đổ sang ngập hơn 1m nước, kẹp thôn vào giữa, tê liệt trong nhiều ngày.
Đặc biệt, sau bão, cầu sập, con đường bê tông liên xóm hư hỏng hoàn toàn. Khổ nhất là bọn trẻ, cả thôn có hơn 200 em học sinh từ mẫu giáo đến trung học, do thôn bị nước ngập cô lập nên phải nghỉ học nhiều ngày. Chỉ tính riêng mấy ngày mưa đầu tháng 10, học sinh đã phải đi vòng lên Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Nam rồi mới lên trường trung tâm xã, xa gần 10km. Nếu mùa mưa năm nay kéo dài, chắc học sinh ở Trung Sơn phải bỏ học hết, vì không theo kịp chương trình. Chưa hết, từ đầu mùa mưa đến nay, hoạt động sinh hoạt của thôn hầu như tê liệt. Mỗi khi họp dân tổ chức vào ban đêm (ban ngày bà con phải đi làm thuê kiếm sống khắp nơi-PV), phải mò mẫm đi vì đường sá hư hỏng, đèn điện đường không có.
Chết tên “làng ung thư”
Ông Võ Chí Thanh cho biết, thời gian qua người dân Trung Sơn không chỉ sống trong cảnh ngột ngạt, đáng lo hơn vẫn là bệnh tật đe dọa từng ngày. Hơn 100 trẻ em (từ 0 đến 5 tuổi) nơi đây thường xuyên bị viêm đường hô hấp, suy dinh dưỡng nặng. Còn chuyện người dân bị thối, hư móng tay, móng chân khi tiếp xúc nước ô nhiễm thì ai cũng có.
Ông Đỗ Hường (70 tuổi, thôn Trung Sơn) chỉ vào bàn tay, bàn chân hư móng của mình minh chứng: “đã từng này tuổi rồi vẫn chưa hết cực. Tay chân tiếp xúc nước ô nhiêm từ đồng ruộng, hành hạ đau nhức cả ngày đêm”. Ông Hường thông tin thêm, nguồn nước ô nhiễm nặng, thẩm thấu xuống lòng đất, hòa vào mạch nước ngầm nên tất cả giếng đào hay giếng bơm đều không sử dụng được. Điển hình như giếng làng, trước đây phục vụ cho cả thôn và một số khu vực bên cạnh. Song, từ năm 2005 trở đi, giếng bắt đầu có mùi hôi khó chịu và bà con không thể sử dụng được nữa. “Có khi tôi cứ uống thứ nước bẩn này để sớm theo tổ tiên lại sướng cái thân hơn”, ông Hường vừa xoa chân, vừa nói như oán.
Đau đớn nhất, thời gian qua, trong thôn đã có rất nhiều người chết vì căn bệnh ung thư quái ác. Tuy chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng nhưng bà con đã mặc định do kiểu ô nhiễm “ngấm dần” và bất đắc dĩ, thôn chết danh cái tên “xóm ung thư” từ năm 2012 đến nay.
Ông Thanh lật cuốn sổ ghi chép nhẩm tính, từ năm 2009 đến năm 2012 có 16 người chết vì căn bệnh ung thư. Gần nhất, từ tháng 3/2015 đến tháng 9/2016, đã có 8 người ra đi. Đa phần mắc ung thư quai hàm, dạ dày, gan. Tháng trước có 2 cái chết trẻ liên tục vì ung thư gan gồm anh Võ Thúc Thuận (SN 1977) và chị Phạm Thị Sen (SN 1965) khiến cả thôn nhốn nháo. Ngoài ra, thôn vẫn còn gần chục người đang mắc bệnh. Khổ nhất phải kể đến trường hợp cả 2 vợ chồng anh Hà Thúc Tia (SN 1974) và chị Phạm Thị Liên (SN 1979) đều đang mắc ung thư, gia cảnh khó khăn, con nhỏ dại không ai chăm sóc. Nói như lời ông Thanh: “đến cơm cũng không biết ai nấu cho ăn nữa là đi làm kiếm tiền mua gạo”.
“Ngặt nỗi nhà cửa, ruộng nương, tổ tiên ông bà đều ở đây, mà có đi nơi khác cũng phải có chính sách giải tỏa, đền bù chứ chẳng lẽ đi tay không, lấy gì mà sống? Chẳng biết đến bao giờ thế “tiến thoái lưỡng nan” này của người dân mới được giải quyết”, ông Thành nói.
Quá bức xúc trước tình hình ô nhiễm kéo dài mà không được giải quyết, rất nhiều lần người dân trong thôn đã có kiến nghị với Ban Quản lý khu công nghiệp và chính quyền xã. Vào đầu tháng 10/2016, người dân Trung Sơn tiếp tục đã gửi đơn đề nghị chính quyền, ngành chức năng cho biết, dự án quy hoạch giải tỏa thôn Trung Sơn sẽ còn kéo dài đến bao giờ. Hiện tình trạng đường giao thông hư hỏng, ô nhiễm môi trường từ nước thải KCN Hòa Khánh vẫn trầm trọng, sẽ có cách xử lý, khắc phục ra sao nhưng đến nay vẫn “chưa thấy động tĩnh gì”.