Hàng ngàn hộ dân vẫn đang bị lũ cô lập
Khi trời vừa ngớt mưa, ngay trong sáng qua (16/10) các lực lượng chức năng và người dân tỉnh Quảng Bình đã dọn dẹp, khôi phục nhà cửa, khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó với bão số 7. Hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 đã đến các địa phương để giúp dân khắc phục lũ lụt; ngành giao thông vận tải tiếp tục khôi phục gần 100 km đường sắt bị sạt lở để sớm thông tuyến.
Chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Quảng Bình và chính quyền cơ sở tích cực tìm kiếm người mất tích; các ngành, địa phương tập trung lực lượng phương tiện để sớm thông đường sắt Bắc Nam, các tuyến quốc lộ, sớm dọn dẹp trường lớp để học sinh đi học trở lại, đặc biệt là ứng phó với bão số 7.
Đến ngày 16/10, thời tiết bắt đầu ngớt mưa nhưng do lũ trên thượng nguồn đổ về kết hợp nước các hồ đập chảy ra khiến nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh vẫn trong tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, nhiều xã vẫn bị cô lập. Mực nước lũ trên sông Ngàn Sâu ở huyện Hương Khê nước bắt đầu rút dần nhưng chưa đáng kể.
Mặc dù mưa đã ngớt nhưng tình hình giao thông ở Nghệ An vẫn chưa thông suốt. Mưa lũ đã làm nhiều tuyến quốc lộ ngập cục bộ như quốc lộ 48E đoạn qua xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) và thị trấn Nghĩa Đàn, quốc lộ 7A, nhiều đập tràn nước dâng cao không thể đi qua, chính quyền các địa phương đã phải đóng đường ngăn tai nạn xảy ra khi qua lại các tràn. Nhiều tuyến đê kè, đường giao thông bị sạt lở.
Tính đến chiều 16/10, nhiều địa bàn dân cư ở Quảng Bình hiện lũ vẫn chưa rút, người dân đã phải dầm mình trong nước lũ hơn 3 ngày qua. Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn hecta nuôi trồng thủy sản, hoa màu, lương thực, cây trồng và gia súc, gia cầm bị mưa lũ cuốn trôi của tỉnh Quảng Bình hiện vẫn chưa thể thống kê được chính xác và cụ thể.
Nước lũ đã cô lập hàng nghìn hộ dân ở các tỉnh miền Trung. |
Kiên quyết di dời dân ở khu vực nguy hiểm
Nhằm ứng phó với tình hình mưa lũ tại các tỉnh Bắc Trung bộ và bão Sarika (bão số 7), hôm qua (16/10), thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp giao ban. Theo các đại biểu, công tác trọng tâm hiện nay là song song với việc tập trung cứu chữa người bị thương, cần tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, bố trí chỗ ở tạm cho những hộ gia đình có nhà bị sập, đổ, ngập.
Ông Hoàng Văn Thắng đề nghị các tỉnh chịu ảnh hưởng mưa lũ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết. Bên cạnh đó, cần huy động lực lượng, phương tiện san gạt đất, sửa chữa đường sớm khôi phục giao thông; bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc. Kiểm tra, rà soát kiên quyết di dời dân đang sinh sống tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cũng đề nghị tổ chức kiểm tra các hồ chứa nước, nhất là các hồ chứa đã đầy (đang xả tràn) để đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư, cơ sở hạ tầng khu vực hạ du; chủ động xả nước các hồ chứa, chỉ tích khoảng 70% dung tích để sẵn sàng đón lũ.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão Sarika, kịp thời thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động biện pháp phòng tránh.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ, sớm khắc phục hậu quả, các địa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đã tiếp tục tập trung chỉ đạo cơ sở, đơn vị vào cuộc với tinh thần khẩn trương và hiệu quả nhất.
Sáng qua (16/10), huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã tổ chức các đoàn đi tiếp tế mì tôm, nước khoáng, lương khô và thăm hỏi, động viên các hộ dân vùng ngập, bị cô lập, trong đó tập trung các vùng ngập và bị cô lập để tổ chức di dời nhân dân đến các địa điểm an toàn; bảo vệ các công trình thủy lợi, giao thông, dọn dẹp các đoạn đường bị ảnh hưởng, phát quang các cây cối đổ ngã, điều tiết giao thông tại các cung đường bị ngập; đảm bảo điện và thông tin liên lạc thông suốt.
* Liên quan đến việc ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1827/CĐ-TTg gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào và chính quyền địa phương, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng và yêu cầu chủ động phòng, chống lũ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
* Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, đến thời điểm này mưa lũ đã làm 15 người chết (Nghệ An 2 người, Hà Tĩnh 2 người, Quảng Bình 9 người, Thừa Thiên Huế 2 người); 9 người mất tích (Hà Tĩnh 1 người, Quảng Bình 8 người); 18 người bị thương (Quảng Bình 13 người, Quảng Trị 3 người, Thừa Thiên Huế 2 người); 7 nhà bị sập; số nhà bị ngập, hư hỏng (tổng số nhà hiện còn bị ngập/tổng số nhà đã và đang ngập) là 98.215/100.383 nhà; 3.074 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản và 1.598 ha lúa bị ngập; 36 điểm quốc lộ bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông; 7 điểm đường sắt bị ngập tại Quảng Bình…
* Trước tình hình mưa lũ lớn gây ngập lụt nghiêm trọng tại miền Trung, ngày 16/10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu bằng tiền mặt và hàng trị giá 1,97 tỷ đồng cho 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị để kịp thời giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đợt cứu trợ bao gồm: 1 tỷ đồng tiền mặt, 900 thùng hàng gia đình, 300 bộ dụng cụ sửa nhà, 70.000 viên lọc nước Aquatabs, 200 bình lọc nước (20 lít), 100 thùng dầu gội đầu.Trong sáng nay (17/10), các đoàn công tác Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ có mặt tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình để trực tiếp triển khai hoạt động cứu trợ.