Những chuyến xe đêm nặng tâm tư
Chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1982) là một trong những người đang chờ đợi đó. Bên cạnh chị lỉnh kỉnh túi đựng quần áo, mũ nón, thuốc men. Chị Hoa quê ở Cao Bằng, người thấp đậm, đen đúa. Chị lập gia đình gần chục năm nay, đã có cháu trai được 8 tuổi. Chị kể, cách đây bốn năm, vợ chồng chị có ý muốn sinh thêm cháu nữa. Ngặt nỗi, chị “thả” đến nay vẫn chưa thấy gì. Lo lắng, một mình chị khăn gói bắt xe xuống Hà Nội kiểm tra. Giấc ngủ đêm chập chờn trong chuyến xe lăm trên đường dài đầy ổ gà ổ voi khiến chị mệt mỏi. Nhưng vừa đến bến, chị không kịp nghỉ ngơi mà sấp ngửa gọi xe ôm chở đến bệnh viện.
Ngồi cạnh chị Hoa là chị Nguyễn Thị Lý (SN 1980) ở Yên Bái. Vì kết hôn đã lâu mà chưa có con nên gia đình nhà chồng sốt ruột bắt chị đi khám. Chồng chị xấu hổ, để mặc vợ một thân một mình lặn lội từ Yên Bái xuống Hà Nội. Gia đình nghèo nên số tiền chị mang theo chỉ 700 ngàn đồng. Sau khi chụp chiếu, số tiền còn lại không đủ để mua thuốc uống. Không còn cách nào khác, chị đành cầu cứu vay người họ hàng sống ở Hà Nội hơn một triệu đồng. Gặp chị Hoa đồng cảnh ngộ, hai người phụ nữ xa lạ bỗng trở nên thân thiết với nhau. Để tiết kiệm chi phí, chị Hoa và chị Lý thống nhất đợi nhau khám xong rồi cùng bắt taxi ra bến xe về quê.
Giống chị Hoa và chị Lý, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hà (SN 1983) ở Tuyên Quang cũng vừa dắt díu nhau xuống Hà Nội trong một chuyến xe đêm. Lấy nhau đã 3-4 năm nhưng bụng của vợ anh vẫn phẳng phiu như hồi mới cưới. Chán nản, lo lắng, vợ chồng anh bàn bạc sắp xếp công việc ở nhà rồi bắt xe xuống Hà Nội nhờ các bác sĩ chẩn đoán. Nhưng “căn bệnh” này đâu phải như cảm cúm, chụp X-Q hay xét nghiệm máu gì đó mà có thể có kết quả trong ngày. Nó đòi hỏi phải qua nhiều giai đoạn…
“Cuộc chiến” thời gian và tiền bạc
Bắt đầu vào khám, các bác sĩ đã nói trước với vợ chồng anh Hà rằng đây là một “cuộc chiến” tốn kém thời gian và tiền bạc. Không hiếm những cặp vợ chồng từ vùng cao xuống khám bệnh nhưng đều phải về không vì chưa đúng thời kỳ chẩn đoán, khám chữa bệnh.
“Ngay hôm đầu tiên đến khám bệnh, cả hai vợ chồng đã tốn đến vài triệu đồng. Nào là tiền tư vấn, tiền xét nghiệm, tiền thuốc…, chưa kể tiền đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ. Còn những đợt khám lần hai, lần ba nữa. Nếu sức khỏe hai vợ chồng may mắn đều bình thường thì không sao, nhưng ví dụ một trong hai người bị làm sao thì lại tốn thêm cả đống tiền vào đây nữa”, anh Hà ngao ngán.
Tốn kém là thế, mất thời gian là thế nhưng không thể không đi, không thể không chạy chữa. Bởi đứa con là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của mỗi cặp vợ chồng nên ai cũng đều cố gắng chạy chữa. Kể từ ngày đầu vào viện đến nay cũng gần hai tháng, chị Bùi Thị Mơ (Hải Phòng) đã bắt không biết bao nhiêu chuyến xe từ Hải Phòng lên Hà Nội, rồi từ Hà Nội về lại Hải Phòng. Tính ra chi phí mà hai vợ chồng chị bỏ ra cũng tới hơn chục triệu đồng.
Mới đây, kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị rối loạn phóng noãn, trứng không lớn được, trong tinh dịch đồ của chồng chị cũng thể hiện kết quả không mấy khả quan. Lại một quy trình khám chữa bệnh mới dành cho vợ chồng chị trong thủ thuật hiếm muộn như kích trứng, thụ tinh ống nghiệm…, khiến chị tốn kém thêm không ít tiền bạc và thời gian.
Nhớ lại những gì đã trải qua, chị chỉ dám khẽ thở dài: “Dẫu biết tốn kém nhưng phải làm sao?. Không có đứa con thì cuộc đời này đâu còn nghĩa lý gì nữa. Tiền bạc hết lại kiếm ra, nhưng con cái không phải ai muốn là có được. Sau đợt này nếu dùng thuốc kích trứng không thành công, chắc vợ chồng tôi cũng phải làm thụ tinh ống nghiệm”.
Với mỗi cặp vợ chồng, có lẽ chẳng có bất hạnh nào lớn hơn việc hiếm muộn con cái. Không ít cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa ly hôn bởi nguyên nhân tế nhị này. Như trường hợp của vợ chồng Thái và Ngọc ở Thanh Oai (Hà Nội). Họ yêu nhau nồng nàn, say đắm. Đến khi kết hôn rồi thấy mãi chẳng được… “lên chức”, Thái đâm ra buồn bực cáu bẳn. Thái ít khi có mặt ở nhà vì không muốn sống trong bầu không khí yên ắng, lạnh lẽo, hay phải đối mặt với khuôn mặt người vợ lúc nào cũng buồn rầu ủ rũ. Trước sức ép của gia đình và tâm lý buồn chán không có con, Thái đã chủ động đề nghị ly hôn.