- Thưa ông, cướp biển là chuyện không mới trên thế giới nhưng vì sao thời gian gần đây lại xảy ra trên vùng biển Đông Nam Á, đặc biệt với tàu Việt Nam?
Đây là một tệ nạn chung trên biển kéo dài hơn 10 năm nay. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã cảnh báo về nạn cướp biển trên toàn cầu. Việt Nam tham gia tổ chức này từ năm 1984, Cục Hàng hải Việt Nam đã lấy những thông tin này thông báo cho các thuyền trưởng.
Thực chất, những vùng biển có lực lượng phòng chống tội phạm cướp biển hoạt động mạnh thì các đối tượng lại đi tìm những chỗ mới.
Eo biển giữa hai nước Indonesia và Singapo được lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát gắt gao nên chúng dồn về phía Nam của nước ta để cướp. Sự hoạt động của tội phạm luôn di chuyển như vậy, nếu chúng ta hiểu được điều đó thì phải tránh chứ không còn cách nào khác.
Các đối tượng chủ yếu là cướp các tầu chở dầu, vì vậy trong thời gian qua hai tàu chở dầu của Việt Nam đã bị cướp biển tấn công.
- Cả hai vụ cướp biển xảy ra gần đây, bọn cướp đều thực hiện được trót lọt, vậy chúng ta cần phải tập huấn những gì cho thuyền trưởng, thuỷ thủ để đối phó với những tình huống này?
Cục Hàng hải đều có các lớp tập huấn về an toàn, an ninh cảng biển và an toàn an ninh trong vùng nước các biển để cho các thuyền trưởng, chủ tàu và cơ quan liên quan phối kết hợp trong tìm kiếm cứu nạn để có kết quả cao nhất.
Hàng năm, Cục Hàng hải luôn luôn mở các lớp tập huấn (Bắc – Trung – Nam) để trang bị kiến thức cần có cho các thuyền trưởng, chủ tàu, thuyền viên nhằm phòng chống các tai nạn khi hoạt động trên biển.
Các thuyền trưởng, chủ tàu, thuyền viên cần nâng cao ý thức và tăng cường cảnh giới để giải quyết vấn nạn cướp biển.
- Theo ông, khi xảy ra tình huống tàu bị cướp biển tấn công, hành động của thuỷ thủ đoàn cần phải như thế nào?
Chúng ta nên hạn chế cho tàu, thuyền của mình hoạt động vào ban đêm. Ngoài ra, hạn chế người đi lại trên thuyền cần năng động hơn khi bị cướp biển tấn công.
Hầu hết các tàu, thuyền của chúng ta là tàu thương mại và chở hàng nên không trang bị vũ khí. Vì vậy, khi gặp cướp biển, chúng có súng ống thì ta nên chấp nhận việc hợp tác, giảng hòa hoặc kéo dài thời gian để báo cho các cơ quan chức năng hỗ trợ, cần bảo vệ tính mạng con người là trên hết.
Công nghệ thông tin phát triển, chỉ cần các thuyền trưởng, chủ tàu ấn nút khẩn cấp thì cơ quan chức năng sẽ ra hỗ trợ lập tức.
- Liên quan đến vụ cướp tàu Asphalt 2 vừa qua, các quốc gia liên quan đã phản ứng như thế nào?
Sau khi nhận được tín hiệu bị cướp biển tấn công của tàu Asphalt 2, Cục Hàng hải đã báo cho trung tâm tìm kiếm cứu nạn của Singapo. Lập tức, họ đã đưa hai máy bay và lệnh cho các tàu đang hoạt động trong khu vực đó đến ngay khu vực tàu bị nạn để hỗ trợ. Hiện tại, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.
- Về mặt quản lý nhà nước, chúng ta phải quan tâm như thế nào để vấn đề bảo vệ an toàn hàng hải, đặc biệt đối với các tàu thường xuyên vận chuyển trên tuyến biển quốc tế?
Về vấn đề này, các quy định, nghị định của pháp luật về hoạt động tàu, thuyền trên biển chúng ta đã có đầy đủ. Nhiều thuyền trưởng, chủ tàu vẫn xem nhẹ và chưa coi trọng vấn đề đó cho nên không có các phương pháp hữu hiệu để chống cướp biển trên tàu của mình. Bây giờ, chỉ cần triển khai ý thức của các thuyền trưởng, chủ tàu về việc đó.
Ở Việt Nam, nạn cướp biển chưa xảy ra nên các thuyền trưởng và các chủ tàu chưa chuẩn bị cho mình những trang bị, kiến thức cần có.Các thuyền trưởng, chủ tàu cần tập trận một vài lần để biết cách xử lý khi bị cướp biển tấn công.
Thông thường, cứ mỗi một năm thì các bộ trưởng của ASEAN sẽ họp và đánh giá lại sự phối hợp trong lĩnh vực hàng hải, đường không, đường bộ, đường sắt, tìm kiếm cứu nạn trên biển. Sau đó sẽ đưa ra các định hướng, phương hướng để giải quyết vấn đề.
Đối với cục hàng hải, liên tục cử các đoàn sang Indonesia, Malaysia và Singapo tiếp tục đàm phán và hợp tác với nhau để khoanh vùng các khu vực mà cướp biển hoạt động mạnh nhất.
Đây là vấn nạn của toàn thế giới, vì vậy các nước cần kết hợp với nhau đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền hoạt động trên biển.
- Xin cảm ơn ông!