Thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng |
Như PLVN đã đưa tin, khoảng 3h ngày 3/10, tàu chở dầu Sunrise (Cty CP Đóng tàu thủy sản Hải Phòng, trụ sở tại quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) chở hơn 5.000 tấn dầu từ Singapore về cảng Cửa Việt (Quảng Trị) bị mất liên lạc tại vùng biển quốc tế ngay ngoài hải phận Singapore.
Khoảng 5h ngày 9/10, tàu Sunrise 689 chạy được về tới vùng biển tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Quyết Thắng (SN 1981, HKTT tại quận Dương Kinh, TP.Hải Phòng, thuyền trưởng tàu Sunrise 689) thông báo vắn tắt rằng tàu bị cướp biển tấn công.
Theo thuyền trưởng, tàu rời cảng Horizon của Singapore khoảng 10 tiếng, vừa vào tuyến luồng hàng hải quốc tế liền bị nhóm hơn chục tên cướp biển đi trên hai tàu cá, một ca nô có trang bị súng ngắn và dao nhảy lên tàu, khống chế toàn bộ 18 thuyền viên, nhốt vào phòng thuyền trưởng. Nhóm cướp biển đã đập, phá toàn bộ thiết bị liên lạc của tàu Sunrise 689, chiếm quyền điều khiển tàu.
Để khủng bố tinh thần, toán cướp biển đã bỏ đói thủy thủ đoàn ngày đầu tiên, từ ngày thứ 2, nhóm cướp chỉ cho ăn một bữa cơm hoặc ăn mì ăn liền ngay trong phòng. Thuyền trưởng Thắng, trước đó đi tàu Hoàng Sơn Sun với chức danh Thuyền phó, từng bị cướp biển Somali cướp tàu Hoàng Sơn Sun, khống chế 08 tháng tại châu Phi. Với kinh nghiệm xương máu của mình, anh đã bình tĩnh động viên thủy thủ đoàn không manh động, tìm cơ hội để thoát khỏi sự khống chế của toán cướp.
Sau 4 ngày vừa khống chế thủy thủ đoàn, vừa hút, lấy được khoảng 1/3 số dầu tàu đang chuyên trở trị giá hàng triệu USD, nhóm cướp biển đã rời tàu, bỏ đi. Trước khi nhảy xuống các cano, nhóm cướp đã lấy toàn bộ vật dụng cá nhân của thủy thủ đoàn. Hành trình tiếp khoảng 100 hải lý thì chiếc ĐTDĐ (một thủy thủ giấu được khi bị nhóm cướp khống chế) đã tiếp sóng được hệ thống thông tin liên lạc của Việt Nam, xác định vị trí tàu đang ở khu vực vùng biển tỉnh Cà Mau.
Cướp biển chuyên nghiệp người Indonesia?
Thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng đặt nghi vấn nhóm cướp biển rất có thể là người Indonesia. Bởi dù chỉ trao đổi với nhóm cướp rất ít, anh vẫn xác định chúng dùng tiếng Anh, âm vựng vùng Indonesia, nơi anh từng ghé các cảng của quốc gia này nhiều lần. Kẻ thay mặt nhóm cướp thậm chí còn “nổ” rằng mình từng là thuyền trưởng tàu biển hạng 2.
Ngoài ra, trong nhóm cướp biển có một đối tượng tự nhận là thợ máy của tàu biển, kẻ này phụ trách việc dùng máy bơm để hút dầu từ tàu Sunrise 689 sang các ca nô của nhóm cướp biển. Trong quá trình vật lộn, đấu tranh với nhóm cướp biển, máy trưởng Lương Đại Thành của tàu đã bị nhóm cướp biển đánh gãy ngón chân, giập bánh chè trái. Thủy thủ Trần Văn Lịch bị những đối tượng cướp biển đạp trật khớp mắt cá chân phải.
Thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng cho hay, khi bị cướp biển tấn công, tàu dầu Sunrise 689 đang hải trình tại tuyến hàng hải quốc tế rất tấp nập tàu thuyền. Tuy nhiên, trước sự manh động của nhóm cướp biển, thuyền trưởng buộc phải tìm cách bảo vệ sự an nguy của thuyền viên. Do tàu bị cướp biển đập phá thiết bị thông tin liên lạc nên nhiều tàu biển đi gần tàu Sunrise 689 không hay biết tàu này đang bị cướp biển khống chế.
Chị Trịnh Mai Hương, vợ thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng cùng thân nhân thủy thủ đoàn tàu dầu Sunrise 689 đã tập trung đông đủ tại trụ sở Cty CP Đóng tàu thủy sản Hải Phòng khi nhận được tin tàu và thủy thủ đoàn đã thoát khỏi sự khống chế của cướp biển, đang trên đường trở về Việt Nam.
Nghẹn giọng, chị Hương nói, mấy ngày nay cả gia đình mất ăn, mất ngủ không biết tính mạng của anh Thắng cùng thủy thủ đoàn trên tàu như thế nào. Khoảng 5h30, nhận được điện thoại của anh Thắng, cả nhà như vỡ òa niềm hạnh phúc, lần giở sổ điện thoại gia đình các thuyền viên rồi thay nhau gọi điện thông báo tin mừng mà liên tục bị nhầm lẫn...
Bồi hồi xen lẫn xúc động, chị Hương tâm sự, lần trước bị cướp biển Somali bắt giữ, cả gia đình đã mất ăn, mất ngủ gần một năm trời. Khi trở về Việt Nam, anh Thắng được gia đình bàn chuyện chuyển nghề nhưng cái nghiệp đi biển như gắn với anh Thắng, sau thời gian nghỉ ngơi, anh Thắng lại xuống tàu, ra khơi.