Ông nhận định như thế nào về môi trường kinh doanh năm 2015?
- Để gia tốc cải cách môi trường kinh doanh (MTKD), Quốc hội đã thông qua một số luật quan trọng như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế… Tôi cho đây là những thay đổi rất cơ bản, có tính đột phá. Nghĩa là bên cạnh những thay đổi của bộ luật khung cơ bản của MTKD như Luật Đầu tư, Luật DN… thì các luật chuyên ngành cũng sẽ được điều chỉnh theo cách như vậy trong thời gian tới. Tôi hy vọng MTKD trong thời gian tới sẽ tốt hơn rất nhiều.
T.S Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam. |
Tuy nhiên, điều quan trọng là cải cách thể chế, luật pháp, hành chính trên văn bản giấy tờ thì rất tốt, quyết tâm của Chính phủ rất quyết liệt và DN cũng chờ sự quyết liệt đó, nhưng vấn đề là sự quyết liệt đó ở đội ngũ cán bộ ở cơ sở, họ chính là yếu tố quyết định.
Trong quá trình cải cách thì khâu có tốc độ chậm nhất, yếu nhất của hệ thống, theo tôi chính là cán bộ cơ sở. Cho nên, nói gì thì nói, dù cấp trên có nhanh, có quyết liệt mà bộ máy thực thi không đổi mới thì rất khó đưa luật vào cuộc sống.
Một số khảo sát gần đây cho thấy doanh nghiệp vẫn “ngại” các thủ tục hành chính mặc dù theo ghi nhận, các Bộ, ngành đã rất tích cực thực hiện công tác này. Theo ông, cải cách hành chính cần phải đổi mới như thế nào?
- Tôi cho rằng, bên cạnh cải cách hành chính thì việc đẩy mạnh tái cấu trúc hành chính nhà nước theo hướng chuyển giao các dịch vụ công và xã hội cho thị trường là quan trọng. Khi đó Nhà nước sẽ tập trung vào nhiệm vụ của mình để cải thiện MTKD, kiểm tra kiểm soát để đảm bảo có một MTKD lành mạnh, từ đó thúc đẩy DN phát triển. Tôi cho đó là việc rất quan trọng.
Bên cạnh đó, cải cách tư pháp cũng là hướng đi cần thiết. Và bây giờ DN cần đặt vào một chiến lược kinh doanh dài hạn, và có sự an toàn. Cải thiện MTKD không chỉ tạo ra sự thuận lợi mà còn phải an toàn cho họ. Vì thế cải cách các thiết chế phải an toàn, đảm bảo quyền và lợi ích của họ để họ yên tâm kinh doanh,... Do vậy, cải cách tư pháp cũng phải song hành với cải cách hành chính để gia tốc nỗ lực đổi mới.
Về phía doanh nghiệp, năm 2015 được nhận định có nhiều khởi sắc, vậy theo ông, cộng đồng doanh nghiệp cần phải làm gì để đón nhận sự khởi sắc này?
- Phải nói rằng, sau nhiều “bão tố” của năm 2014, tôi nghĩ DN đã hiểu ra là họ phải làm gì và họ đang trong quá trình tái cấu trúc. Họ đã phải nghĩ đến kinh doanh bài bản, đến chiến lược quản trị DN, quản trị rủi ro, nâng cao nguồn nhân lực.... chứ không phải như kiểu phong trào nữa. Những cái đó DN đã ngấm rồi và họ đang bắt đầu một giai đoạn mới, tuy khó khăn nhưng sẽ bền vững.
Tôi cho rằng, những DN mới thành lập cũng sẽ cẩn trọng hơn. Chúng ta đang có lợi thế tiếp cận công nghệ tiên tiến từ hội nhập, đây là cơ hội để DN đột phá trong những năm tới. Để đón nhận được cơ hội đó, DN phải quay lại nâng cao trình độ quản trị, củng cố nền tảng, trước mắt quản trị tài chính, rủi ro.... và đặt mình vào môi trường hội nhập.. Có như vậy mới có thể tạo ra một cộng đồng DN Việt Nam kinh doanh chắc chắn, bền vững và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!