Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết trải qua 08 năm thi hành, chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ở nước ta ngày càng được nâng cao, nội dung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nhiều văn bản được ban hành trong giai đoạn này có tính đột phá về thể chế cho phát triển ngành, lĩnh vực, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; góp phần kiểm soát, phòng chống dịch Covid và hỗ trợ đắc lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an ninh, quốc phòng; các quy định ngày càng chặt chẽ, bảo đảm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Để theo kịp yêu cầu quản lý, điều hành, nhất là khi Chính phủ cần phải xử lý ngay các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, việc đổi mới quy trình xây dựng pháp luật là rất cần thiết. Theo đó, định hướng đổi mới cần bám sát các nội dung trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Quy định số 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức báo cáo tại cuộc họp. |
Cùng với đó cần bám sát các chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là bài phát biểu của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV nhấn mạnh yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, Thông báo số 108-TB/VPTW về Kết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, trong đó đặt ra cầu đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật.
Trên cơ sở đó, Vụ đề xuất giải pháp đổi mới quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật bao gồm: Chương trình lập pháp, quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo. Đổi mới quy trình xây dựng nghị định và văn bản dưới luật. Đổi mới công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Ngoài ra, Vụ cũng nêu lên một số vấn đề liên quan đến quy định giải thích pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu chỉ đạo. |
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh việc đổi mới quy trình xây dựng pháp luật là nội dung vô cùng quan trọng, tạo cơ sở để xây dựng Chỉ thị đối với công tác này đồng thời cũng là nội dung để Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu việc đổi mới quy trình xây dựng pháp luật phải thực sự giải quyết được những bất cập hiện nay và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong kỷ nguyên mới.
Cụ thể, cần tập trung vào một số vấn đề lớn bao gồm: đổi mới chương trình lập pháp, trong đó xác định định hướng lập pháp hàng năm, kiên quyết giữ kỷ luật trong công tác này; phân định rõ thẩm quyền trong xây dựng luật, có thể phân thành 2 nhóm gồm các luật cơ bản liên quan đến quyền con người, tổ chức bộ máy và các luật liên quan tới phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề mới phát sinh chưa dự liệu được; quy trình xây dựng chính sách…
Trước đó, Bộ trưởng cũng đã nghe báo cáo về chuẩn bị hội nghị triển khai thi hành Luật, Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, Bộ trưởng đã góp ý về dự kiến chương trình, kịch bản, các tham luận, bài phát biểu tại hội nghị.