Phiên họp để góp ý hoàn thiện Dự thảo Báo cáo kết quả 8 năm thực hiện Chiến lược CCTP theo Nghị quyết số 49-NQ/TƯ sau khi được chỉnh lý dựa trên ý kiến góp ý của lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Chỉ đạo CCTP, TAND, VKSND, Sở Tư pháp tại hai hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Chiến lược CCTP vừa được tổ chức tại TP.Hà Nội và TP.HCM.
Về cơ bản, các thành viên Ban Chỉ đạo đều thống nhất việc quán triệt, triển khai thực hiện Chiến lược CCTP đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng và Ban Chỉ đạo CCTP các cấp quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, dân chủ, có trách nhiệm; nhận thức và hành động của một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp và sự cần thiết phải đẩy mạnh CCTP đã có chuyển biến rõ rệt.
Nhờ đó, việc thực hiện Chiến lược CCTP đã thu được những kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng, khẳng định mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ CCTP được Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra cơ bản là đúng đắn, phản ánh đúng những yêu cầu khách quan của việc xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN, phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta và xu thế tiến bộ của thế giới.
Kết quả CCTP đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức cho cán bộ tư pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng nội tại của nền tư pháp, làm cho hệ thống các cơ quan tư pháp ngày càng thích ứng hơn với quá trình phát triển xã hội. Việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp đã được các cấp lãnh đạo quan tâm, tập trung lãnh đạo chặt chẽ về tổ chức, chính trị.
Cùng với việc làm rõ một số hạn chế và nguyên nhân trong tiến trình thực hiện CCTP cũng như thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ CCTP theo tinh thần đẩy mạnh chiến lược CCTP, về những giải pháp thực hiện Chiến lược CCTP trong những năm tiếp theo, Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương cũng thống nhất với góp ý đề nghị nhấn mạnh hơn tư tưởng quyết tâm trong CCTP, những chủ trương phù hợp với mục tiêu của Chiến lược như tổ chức TAND sơ thẩm khu vực; xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp; điều chỉnh, làm rõ hơn một số nội dung về công tác đào tạo, cơ chế thi tuyển, bổ nhiệm các chức danh tư pháp; về hoạt động của luật sư; tác động của hội nhập quốc tế đối với quá trình CCTP, thể hiện rõ hơn vị trí của chế định luật sư trong hoạt động tố tụng như một chế định độc lập...
Theo Ban Chỉ đạo, trong thời gian tới, CCTP cần tiếp tục nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn nữa về quyền tư pháp, góp phần thực hiện có hiệu quả các quy định của Hiến pháp về tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp; đồng thời nghiên cứu làm rõ hơn vấn đề phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực nhà nước trong hệ thống các cơ quan tư pháp khi TAND thực hiện quyền tư pháp, xác định rõ phạm vi, thẩm quyền của VKSND trong kiểm sát hoạt động tư pháp...
Đánh giá cao các ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo góp ý hoàn thiện Dự thảo Báo cáo, sự cố gắng và tinh thần trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo và bộ phận biên tập tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo tổng kết để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.