Kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập chưa lâu thì ở Nam bộ, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta. Trong khi đó ở miền Bắc, bè lũ Tưởng Giới Thạch câu kết với bọn phản động đầu sỏ trong nước âm mưu phá hoại chính quyền mới thành lập.
Các tòa án quân sự được thành lập theo Sắc lệnh tháng 2 năm 1946 đã trấn áp kiên quyết và kịp thời bọn phá hoại chính quyền của nhân dân và nền độc lập của Tổ quốc. Bản báo cáo cho biết, để tập trung lực lượng đối phó với âm mưu thâm độc của địch, các tòa án quân sự đã thống nhất vào trong các TAND huyện, tỉnh và liên khu.
“Chỉ trong 10 tháng đầu năm 1953, các TAND ở Liên khu Việt Bắc đã xử 488 vụ phản cách mạng, trong đó có 224 vụ gián điệp. Các tòa án ở Liên khu 3 đã xử 564 vụ. Những vụ án lớn như vụ án Bình Định, vụ án Phong Quang Diên ở Thừa Thiên, vụ án Hòn Mê ở Thanh Hóa, vụ án Hưng Yên ở Nghệ An v.v… phá vỡ một số tổ chức gián điệp của địch là những thắng lợi to lớn trong công tác tư pháp”.
Báo cáo cũng khẳng định, các TAND hoạt động không những ở vùng tự do mà cả ở vùng sau lưng địch. Đi đôi với việc phát triển chiến tranh du kích, các “Tòa án vùng tạm bị chiếm” đã được thành lập, xét xử những tên gián điệp, phản động đại gian, ngay sát vị trí địch, góp phần vào việc chống càn, bảo vệ dân, xây dựng các khu căn cứ du kích.
Trong 10 tháng đầu năm 1953, các TAND thuộc 4 tỉnh thuộc khu Tả ngạn đã xử 428 vụ phản cách mạng, trong đó có 110 vụ gián điệp. Ở Tây Bắc, từ sau chiến dịch giải phóng đến tháng 10 năm 1953, các tòa án đã xét xử 406 tên trùm thổ phỉ hung đồ và gián điệp, biệt kích, góp sức vào công cuộc vận động nhân dân Tây Bắc tiêu phỉ trừ gian, ổn định tình hình chính trị, xây dựng cơ sở chính quyền và mặt trận ở vùng rừng núi mới giải phóng.
Bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân
Nhìn nhận về tình hình an ninh, trật tự lúc bấy giờ, Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết: “Từ trong vùng tạm bị chiếm, địch tung bọn lưu manh, côn đồ ra vùng tự do hòng phá rối trật tự, gây khó khăn cho đời sống của nhân dân và làm giảm uy tín của chính quyền ta. Bọn địa chủ, phong kiến ở nông thôn tiếp tục duy trì những trò xấu xa của xã hội cũ để tiếp tục bóc lột, áp bức nông dân”.
Trước tình hình này: “Trong suốt 9 năm nhân dân ta vừa kháng chiến gian khổ, hy sinh anh dũng vừa đấu tranh để xây dựng một trật tự xã hội mới, một đời sống lành mạnh, các TAND đã góp sức vào việc bài trừ trộm cắp, tham ô, buôn lậu, cờ bạc, mại dâm và những tệ nạn xã hội khác. Không những ở vùng hậu phương tự do của ta mà còn ở cả những khu căn cứ du kích sau lưng địch. Riêng trong năm 1953, các TAND của Liên khu Việt Bắc đã xử 748 vụ lưu manh, trộm cướp. Trong một đợt công tác chống lưu manh tổ chức vào tháng 2/1953, các TAND ở Liên khu 3 phối hợp với công an đã bắt 116 tên lưu manh và đã xử trong bọn đó 70 tên lưu manh nguy hiểm, côn đồ, phạm pháp. Mức độ phạm pháp giảm sút rõ rệt”.
Báo cáo cũng khẳng định, chính sách của ta là trừng trị kết hợp với giáo dục: “Đối với những tên côn đồ hung hãn, những tên lưu manh chuyên nghiệp thì các tòa án trừng trị để làm gương cho kẻ khác nhằm đề cao luật pháp của Chính phủ; còn đối với những tên lưu manh khác thì các tòa án phối hợp với công an phân loại, cải tạo một thời gian để họ trở về tham gia lao động sản xuất. Đối với những người gian tham vặt thì chỉ tổ chức kiểm thảo trước nhân dân, giúp cho họ sửa chữa”.
Đặc biệt, Báo cáo cho biết: “Các TAND đồng thời cũng đã góp phần vào việc diễn giải hợp lý những xích mích về quyền lợi như vay mượn, công nợ, cầm bán trong nội bộ nhân dân để tăng cường đoàn kết, tập trung mọi lực lượng vào công việc sản xuất và đánh giặc. Đặc biệt, đối với vấn đề gia đình, các tòa án đã xét xử các vụ li dị theo hướng đấu tranh chống tàn tích phong kiến, giúp chị em phụ nữ thoát khỏi sự ràng buộc độc ác của xã hội cũ để xây dựng những gia đình mới, bình đẳng, tiến bộ. Đối với các vụ án ly hôn thì tòa án đã cố gắng hòa giải cho đoàn tụ”.
Ngay tại Báo cáo này, Bộ Tư pháp khẳng định: “Công tác tư pháp đã đạt được các kết quả trên đây chính là vì các TAND đã được xây dựng và rèn luyện trong quá trình đấu tranh của quần chúng và liên hệ ngày càng mật thiết với quần chúng”.
Xây dựng tư tưởng pháp lý và tư pháp dân chủ nhân dân
Cùng với việc xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ, Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, ngay từ khi đặt nền móng của nền Tư pháp dân chủ, các cán bộ tư pháp đã hăng hái tham gia vào việc đấu tranh với những quan niệm sai lầm, di sản của chế độ thực dân phong kiến về mặt tư tưởng pháp lý và tư pháp. Cuộc đấu tranh diễn ra trên báo chí và trong những cuộc hội nghị học tập từ năm 1947 đến năm 1951, mỗi ngày càng thu được thắng lợi rõ rệt, xây dựng được tư tưởng pháp lý và tư pháp dân chủ nhân dân ngày càng cụ thể.
Tiếp sau đó, các cán bộ tư pháp được học tập chỉnh huấn, được rèn luyện trong thực tế đấu tranh trấn áp phản cách mạng, được bồi dưỡng trong phong trào phát động quần chúng nên trong những năm gần đây, tiến bộ lại càng rõ rệt.
Mặt khác, bên cạnh những cán bộ tư pháp cũ còn có cán bộ mới xuất thân từ trong thành phần nhân dân lao động hoặc đã được rèn luyện nhiều trong đấu tranh cách mạng, tham gia ngày càng nhiều vào công tác tư pháp, do đó đã tăng cường không những số lượng mà cả chất lượng cho ngành Tư pháp.
Có thể nói, ngay từ những ngày đầu thành lập, mỗi cán bộ ngành Tư pháp đã luôn nỗ lực để góp phần vào việc xây dựng nền Tư pháp dân chủ nhân dân, một nền Tư pháp đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.