Năm 2014, thị xã Sầm Sơn đã triển khai 21 phương án đồng loạt về quản lý hoạt động du lịch, trong đó có 2 phương án rất quan trọng là quản lý giá và sắp xếp các hoạt động thương mại trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Sầm Sơn có các phân khu chức năng, các địa điểm được phép kinh doanh và không được phép kinh doanh, tháo dỡ và chuyển vào phía trong các ki ốt kinh doanh làm mất mỹ quan đô thị, mở chợ mới, tập trung những người bán hàng rong về một địa điểm, cấm tuyệt đối bán hàng rong dưới bãi biển…
Toàn bộ hệ thống kinh doanh trên địa bàn thị xã, đặc biệt ở các bãi tắm A, B, C đều có những biển cấm, bảng giá dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ niêm yết công khai. Giá các dịch vụ tại đây được thay đổi phù hợp. Sầm Sơn cũng công khai số điện thoại của Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng Công an thị xã và ngành chức năng liên quan tại Đường dây nóng để du khách có thể phản ánh kịp thời các sự cố không mong muốn, hạn chế các tệ nạn xã hội. Hàng ngày, hàng tuần, các lực lượng chức năng của thị xã rà soát, tổng hợp trên toàn địa bàn để xử lý kịp thời những sai phạm. Trường hợp nhẹ thì nhắc nhở, cảnh cáo, nặng hơn có thể bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép kinh doanh.
Thông qua Đường dây nóng, Đội Quản lý thị trường số 2 - Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa vừa xử phạt Khách sạn Thành Đạt (đường Lê Hoàn) 20 triệu đồng, Nhà nghỉ Năm Hợi 10 triệu đồng. Cả hai cơ sở trên ở thị xã Sầm Sơn, ép du khách dùng dịch vụ ăn uống không được đã có hành vi đe dọa, lăng mạ và đuổi khách ra khỏi nhà nghỉ, gây thiệt hại đến tài sản, ảnh hưởng uy tín, danh dự của khách. Tính từ đầu mùa du lịch đến nay, Đội Quản lý thị trường số 2 đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm và tham mưu cho lãnh đạo thị xã Sầm Sơn xử phạt với số tiền lên tới trên 217 triệu đồng. Các hành vi bị phạt: chèo kéo khách, bán hàng rong, thu tiền cao hơn giá niêm yết, đuổi du khách…
Theo cảm nhận của đa số du khách, năm 2014 Sầm Sơn dần “sạch hơn”. Bãi biển không còn rác, tình trạng trẻ em đeo bám khách mời tẩm quất được hạn chế, lực lượng an ninh trật tự đi tuần liên tục, số điện thoại Đường dây nóng nóng treo khắp nơi.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hàng xe đạp rong chèo kéo và bán giá cao gấp 3-4 lần so với quầy hàng. Khi thấy bóng lực lượng an ninh, họ cuống quýt leo lên xe phóng thẳng. Đợi đội an ninh đi khuất, họ lại tiếp tục chào mời, đeo bám du khách và bán giá “trên trời”.
Còn tại các cửa hàng ăn uống, bán đồ lưu niệm, có lẽ “bị” niêm yết giá nên khuôn mặt các chủ quán khó đăm đăm. Một du khách bước vào hỏi mua đồ lưu niệm, chủ quầy chỏng lỏn: “Giá đấy, thích thì mua, không thích thì đi”. Khách đứng tần ngần chọn đồ, chủ quầy lại “đuổi”: “Đứng dầm dề thế này, bán chác gì”.
Chị Hỏa Diệu Thúy, Khoa Văn học, giảng viên Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) cho hay, cách đây 30 năm về trước, bãi biển Sầm Sơn nguyên sơ, đầy mơ mộng, nhưng bây giờ quán xá mọc lên khá lộn xộn, manh mún. Những người kinh doanh liên quan tới du lịch ở đây còn suy nghĩ kiểu kinh doanh chụp giật, được chăng hay chớ, luôn tìm cách bắt chẹt du khách. Điều đó lý giải vì sao bãi biển do người Pháp phát hiện hơn 100 năm nay lại chưa trở thành bãi biển quốc tế./.