Con gái Bo Bo Thị Hui |
“Bố mẹ em nuôi chứ em đâu có nuôi”
Về xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn) để đưa tin sự việc, phóng viên tá hỏa khi được nghe chính miệng những người dân cho biết, chuyện lấy chồng từ thuở 15 ở đây chỉ là chuyện… bình thường. Người đầu tiên mà phóng viên (PV) gặp để tìm hiểu câu chuyện tảo hôn là Mấu Thị Lũy (17 tuổi, thôn Hòn Gầm, xã Ba Cụm Nam).
Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó, Lũy được ba mẹ cố gắng dành dụm để cho đến trường kiếm cái chữ như bạn bè đồng trang lứa. Đến lớp bữa được, bữa mất, mới bước chân vào lớp 7 nhưng Lũy đã sớm dính vào những chuyện yêu đương trai gái khiến cha mẹ hết sức buồn lòng.
Cuối năm 2012, khi Lũy 15 tuổi, gia đình thất thần khi nhận được tin con gái bụng mang dạ chửa gần đến kỳ sinh nở. Lúc đầu, cha mẹ Lũy không tiếc lời chửi mắng con gái, nhưng sau đó nghĩ lại thấy sự việc “đã rồi” nên gia đình đành cắn răng tính chuyện cưới hỏi. Nhưng chính quyền địa phương xã Ba Cụm Nam không đồng ý cho đăng kí kết hôn nên gia đình đành làm vài mâm cơm đãi họ hàng.
Tưởng rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn khi vợ chồng trẻ về chung sống với nhau, nhưng trớ trêu thay, ít lâu sau đó đứa con trai đầu lòng chào đời thì mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Vì hai bên gia đình đều thuộc diện khó khăn của huyện nên sau khi đôi vợ chồng trẻ cưới nhau và sinh con thì càng trở nên bi đát hơn. Vốn xuất thân trong một gia đình thuần nông nên chồng Lũy cũng không biết làm công việc gì để nuôi vợ, nuôi con.
Éo le thay, đứa con vì sinh không đủ tháng nên sức khỏe không được tốt, phải liên tục nhập viện bệnh sốt. Khi được hỏi về dự định trong thời gian sắp tới sẽ làm gì để có tiền nuôi con, Lũy cười: “Bố mẹ em nuôi chứ em đâu có nuôi”.
Cách đó vài căn nhà là gia đình mà theo nhiều người dân cho biết, có đến 3 trường hợp tảo hôn. Khi PV tìm đến căn nhà thì cũng là lúc gia đình này vừa đi làm rẫy về. Nhìn mấy đứa trẻ đang chơi đùa ngoài sân, khuôn mặt lem luốc khiến khách không khỏi nhói lòng.
Căn nhà nhỏ chỉ chừng 20m2 được xây dựng theo kiểu trét bùn tạm bợ nhưng có đến gần 20 người sinh sống, ông Cao Văn Hùng (SN 1963) chua chát nói: “Khổ quá mấy chú ơi, đã sống gần hết đời người mà cũng chưa làm được cái nhà cho con cháu ở. Thêm vào đó, trong 11 đứa con thì có đến 3 đứa không được học hành đến nơi đến chốn, để rồi ở nhà lấy chồng sinh con khi còn quá trẻ, khiến vợ chồng tôi không những phải nuôi con, nuôi cháu mà còn không biết bao nhiêu lần bị chính quyền địa phương đến làm việc về chuyện con cái tảo hôn khiến tôi cảm thấy chán nản”.
Theo đó, Bo Bo Thị Thu (SN 1996) là con gái thứ 6 của ông Hùng. Trước đó, Thu có quan hệ yêu đương với một thanh niên ở xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn), đến năm 2012 thì gia đình phát hiện con gái mình đã mang thai. Ngay lập tức vợ chồng ông tìm sang nhà người thanh niên này để nói chuyện cưới hỏi nhưng không được chấp nhận. Gia đình thanh niên này đã tổ chức cưới hỏi cho con trai mình với một người con gái khác.
Trong lúc nóng giận, ông định bụng sẽ gửi đơn kiện tụng đến cơ quan chức năng nhưng sau đó vì thương con gái và không muốn dính líu đến chính quyền nên ông đành phải vừa nuôi con vừa nuôi cháu. Không những thế, ngay sau đó liên tiếp hai đứa em của Thu là Bo Bo Thị Đại và Bo Bo Thị Hui cũng “nếm trái đắng” và làm mẹ ở cái tuổi “vắt mũi chưa sạch”.
Thu cùng con trai và hai đứa cháu con gái Bo Bo Thị Hui. |
Lời ru buồn bên cánh nôi
PV tìm đến nhà Tro Thị Quyên (thôn Suối Me) cũng vừa lúc em cho con trai gần 2 tuổi bú xong và cho nằm vào nôi ru ngủ. Theo lời tâm sự buồn của cô gái này, Quyên là con gái đầu lòng trong gia đình thuần nông nghèo khó có cả thảy 3 con gái. Quyên yêu một thanh niên ở xã bên tên Nguyễn Cao Văn Viên (SN 1984, trú tại xã Cam Phước Đông, TP.Cam Ranh) và có thai khi vừa mới chân ướt chân ráo bước vào cấp 2.
Ngay sau khi phát hiện con mình sinh con nhưng bên gia đình Viên không nhận cưới xin, gia đình ông Mấu Xuân Thi đã đâm đơn ra cơ quan chức năng để thưa kiện. Ngày 23/12/2013, Viên bị TAND huyện Khánh Sơn tuyên phạt 1 năm tù giam về hành vi “Giao cấu với trẻ em”.
Ngay sau khi bản án có hiệu lực, gia đình Viên vì thương con nên đã đồng ý chuyện cưới xin với nạn nhân. Giờ không có chồng ở bên cạnh, mỗi buổi chiều người dân sống bên cạnh nghe tiếng ru con buồn của Quyên mà không khỏi nhói lòng. “Mỗi tháng em đều phải gửi con để vào trại thăm chồng ở dưới huyện, không biết khi nào anh mới được ra tù để về đi làm nuôi con với em. Giờ ở nhà không biết lấy gì nuôi đứa nhỏ nữa. Cũng vì phút giây bồng bột của mình mà giờ thấy hối hận thì đã muộn quá rồi”, Quyên chua chát nói.
Căn nhà trống hoác của Tro Thị Quyên |
Tìm hiểu, PV được biết, trong thời gian vừa qua, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho Quyên được đến trường trở lại để theo đuổi cái chữ, nhưng vì sợ bạn bè chê cười nên em chưa nộp hồ sơ để tiếp tục học. Không muốn học văn hóa, nhưng Quyên cũng kịp chia sẻ với chúng tôi về dự định sắp tới của mình, trong thời gian tới em sẽ gửi con cho ba mẹ trong buổi tối để tới học một lớp dạy nghề may miễn phí trên địa bàn. Mặc dù đây cũng là một hướng đi mới đối với Quyên, nhưng nhìn vào đứa bé gầy guộc đang nằm bên cánh nôi không khỏi khiến chúng tôi nghĩ đến những chặng đường gian truân làm mẹ sau này của em.
Trong căn nhà cấp 4 trống trải, Mấu Thị Tỷ (18 tuổi, thôn Sông Cạn Trung) đang chăm đứa con 11 tháng tuổi của mình, bên cạnh là đứa cháu 17 tháng tuổi của người chị đầu lớn hơn em 1 tuổi. Nhìn Tỷ đùa với con, với cháu cứ tưởng đó là người chị đang chăm 2 em của mình. Cụp đôi mắt buồn, Tỷ cho biết em lấy chồng năm 17 tuổi và làm mẹ cùng năm.
Do nhà thiếu ăn nên chồng em và vợ chồng người chị theo cha lên rẫy trỉa bắp, chiều tối mới về, còn em do con còn nhỏ nên ở nhà chăm con. Bữa cơm trưa của em là tô cơm ăn kèm với vài lát đu đủ luộc. Hỏi ăn như thế lấy sữa đâu cho con bú, Tỷ cúi mặt, không trả lời…
Đây chỉ là vài trong số hơn 30 trường hợp tảo hôn ở địa bàn xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn) mà PV trực tiếp chứng kiến và nghe câu chuyện. Theo chị Mai Thị Xuân (cán bộ chuyên trách dân số xã Ba Cụm Nam), hiện nay thực trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những vấn đề nóng trên địa bàn huyện Khánh Sơn vì tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số như: trẻ em còi cọc, suy dinh dưỡng, người mẹ không được chăm sóc sức khỏe tốt, gia đình thiếu ăn, thiếu mặc, nghèo đói.
Anh Bo Bo Thi - Trưởng thôn Suối Me không giấu được nỗi băn khoăn về vấn nạn này, anh chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi luôn vận động kết hợp cùng các chi hội để tuyên truyền lẫn răn đe nhưng cũng không mấy hiệu quả trong những năm qua. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên vẫn theo tập tục của làng mà không quan tâm đến cái sai đối với qui định của pháp luật. Số lượng trẻ em chưa thành niên bỏ học và sinh con ngày càng nhiều, tạo nên một hệ lụy không nhỏ đối với những người làm bên chính quyền địa phương như chúng tôi”.