Pháp luật Việt Nam và các nước trên thế giới đều bảo vệ trẻ em. Xin ông lưu ý, Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em cách đây hơn 25 năm và trong các cam kết quốc tế, thậm chí trong các bài “diễn văn” của nguyên thủ luôn tự hào Việt Nam là nước đi đầu thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc.
Trong các hành vi xâm hại trẻ em, có lẽ đáng lên án nhất là xâm hại tình dục (XHTD). Trong môi trường giáo dục, ranh giới cuối cùng của sự “băng hoại” cũng là XHTD học sinh. Năm 1984 của thế kỷ trước, người viết bài này, qua theo dõi báo cáo hàng ngày của công an các tỉnh, TP với Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã thấy hiện tượng XHTD trẻ em ngay trong gia đình. Khi đó vì quan niệm “thuần phong mỹ tục” nên các báo không dám đăng, phản ánh việc này. Xin thưa, XHTD trẻ em ngày càng báo động.
Nếu ai quan tâm chuyện này với trái tim xa xót, chỉ cần vào google gõ cụm từ XHTD trẻ em, trong 0,38 giây sẽ có 13.300 kết quả, “đầu bảng” các cụm từ khác. Nếu gõ cụm từ “XHTD trẻ em trong nhà trường”, trong 0,39 giây cho kết quả 12.500. Dẫu không tin vào “bộ đếm” của google thì cũng có nghĩa đây là câu chuyện quá nhức nhối.
Tất nhiên, trách nhiệm không phải của “tư lệnh” ngành GD&ĐT, dẫu là “tề thiên đại thánh”, ông Bộ trưởng cũng không “kiểm soát” được tình hình. Ta có nội hàm “hệ thống chính trị”, có khái niệm “gia đình – nhà trường – xã hội”, tóm lại “trách nhiệm” không phải của riêng ai. Thế nhưng, dứt khoát không thể “đánh bùn sang ao” mãi được.
Trở lại với câu chuyện buồn ở Trường PTDTNT Thanh Sơn (Phú Thọ), bà Phó Hiệu trưởng cũng đã kịp “ngộ” ra rằng, nhà trường cần quan tâm hơn nữa tới các em học sinh. Lâu nay cả “hệ thống” đang diễn kịch, ngành GD&ĐT “diễn kịch”. Nhận ra điều này, chính ông Nhạ trong ngày 17/12 khi làm việc với tỉnh Yên Bái cũng đã nói rằng: Một số vấn đề của ngành Giáo dục như thực hiện các tiêu chuẩn mới cho giáo viên, hiệu trưởng; “cắt” bệnh hình thức, biểu diễn trong giáo dục; mô hình trường chất lượng cao; sáp nhập trường học... Thưa, “bệnh” thành tích giả dối đã và đang trở thành những trò hề trong phong trào “thi đua yêu nước” nói chung và phong trào dạy tốt, học tốt của ngành GD&ĐT.
Hãy trở lại với thực chất của cuộc sống, giải đáp được những vấn đề của cuộc sống đặt ra.
Trước mắt, hãy hỏi từng học sinh, giáo viên, họ đã hiểu như thế nào về quyền trẻ em, hệ thống pháp luật cũng như những điều luật về bảo vệ quyền trẻ em. Các em học sinh đã biết gì về kỹ năng bảo vệ chính mình khi bị xâm hại? Chắc chắn là chưa đâu!
Pháp luật phải được đi vào cuộc sống, vào từng môi trường cụ thể!