May sao, con trai tôi là đứa con ngoan ngoãn lại chịu khó học nên sau khi học xong cấp 3 cháu đã đỗ được vào trường đại học Bách Khoa với số điểm rất cao và được giữ lại làm giảng viên sau khi ra trường.
Tuy nhiên, cùng thời gian đó, cháu lại nhận được học bổng toàn phần đi nghiên cứu sinh ở Anh. Vì thế, vợ chồng tôi cũng chiều theo quyết định lựa chọn của cháu là sang Anh học tập thêm 5 năm.
Sang Anh, cháu tình cờ gặp và đem lòng yêu thương một cô gái người Việt Nam, có gia đình đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Vì thế, sau 5 năm học tập, 2 cháu đã ở lại Anh làm việc và tổ chức đám cưới tại Anh, rồi về Việt Nam báo hỷ.
2 vợ chồng tôi, tuy rất vui vì con cái đã tìm được hạnh phúc cho riêng mình sau khi đã học hành thành đạt. Nhưng lại buồn vì con ở quá xa, trong khi gia đình tôi hiếm muộn. Vì vậy, chúng tôi luôn mong mỏi một ngày, cháu sẽ về Việt Nam sinh sống gần bố mẹ và họ tộc.
Con trai tôi, sau vài năm bươn trải ở xứ người, nghĩ thương bố mẹ và nhớ quê hương nên cuối cùng, cháu đã nhận lời mời trở về Việt Nam làm việc với số tiền lương khá cao.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, con dâu tôi cũng sẽ về Việt Nam, và sống cùng với vợ chồng tôi. Vì thế, chúng tôi đã rất vui và mong ngóng từng ngày các con về nước.
Tuy nhiên, con dâu tôi dường như không muốn điều này xảy ra, vì thế, trong ngày đầu tiên chính thức về nước, để mặc cho vợ chồng tôi mong ngóng, chuẩn bị, và trang hoàng nhà cửa, con dâu tôi chỉ để cho chồng mang chút quà vào chào hỏi bố mẹ chừng 30 phút. Còn con dâu tôi thì ngồi trong taxi đậu ngay trước cửa nhà để chờ chồng ra rồi về khách sạn nghỉ ngơi.
Thấy vậy, 2 vợ chồng tôi nhìn nhau mà mặt buồn rười rượi, nhưng con trai tôi bảo, “cô ấy quen cách sống bên nước ngoài, bố mẹ để con bảo vợ dần dần”. Vì vậy, khi tiễn con trai ra xe chúng tôi vẫn niềm nở chào hỏi con dâu.
Nhưng sau đó, suốt cả 1 tháng trời, dù cùng ở Hà Nội, con dâu tôi cũng không bao giờ bước chân về nhà, cũng không gọi điện hỏi han bố mẹ chồng, và cũng không mượn chúng tôi đến thăm.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Mấy tháng sau, không biết bằng cách nào đó mà con trai tôi đã thuyết phục được con dâu trở về sống chung với chúng tôi. Thế nhưng, kể từ khi sống chung, thì những mâu thuẫn vì cách sống thoáng, ăn mặc thoáng và việc đòi hỏi quyền bình đẳng quá lớn của con dâu khiến vợ chồng tôi vô cùng khó chịu và bực dọc.
Con trai tôi, cả ngày đã phải lăn lộn, bù đầu bù óc với con trai, nhưng tối về, vẫn phải bưng nước cho vợ ngâm chân, rồi đấm lưng, rồi bóp chân, rồi giúp vợ sơn sửa móng tay và dọn dẹp phòng nghỉ (bởi những khu vực khác, thì vợ chồng tôi đã giúp con dọn dẹp sạch sẽ rồi. Chỉ riêng phòng nghỉ là con dâu tôi không cho chúng tôi tự tiện vào phòng)…
Còn riêng việc cơm nước, chúng tôi nấu cơm, thì con dâu tôi sẽ rửa bát, hoặc con dâu nấu cơm thì chúng tôi sẽ phải rửa bát. Nói chung, công việc được phân chia rõ ràng.
Tuy nhiên, hôm đó, con dâu tôi nấu cơm nhưng tôi mệt, nên ăn cơm xong, tôi có nhờ cháu rửa bát hộ tôi. Nhưng con dâu tôi từ chối thẳng thừng, cháu bảo: Con không nợ mẹ, thì mẹ cũng đừng nợ con. Sau đó, cháu nằm dài trên sofa xem tivi và thư giãn.
Con trai tôi thấy vậy thì tự nguyện mang bát đi rửa. Sau đó, từ trên nhà, tôi có nghe thấy con trai tôi nói vợ là phải học cách chăm sóc bố mẹ già. Nhưng con dâu tôi cãi nhiều lắm, còn tôi thì chỉ nghe rõ được câu cháu bảo: “tại sao em phải chăm sóc bố mẹ anh, trong khi em chẳng nợ nần gì bố mẹ anh?”
Chuyện qua đi, mấy hôm sau, chồng tôi, không rõ đã nhờ con dâu việc gì, nhưng con dâu tôi cãi và cũng từ chối làm việc hộ. Vì thế, ông ấy nóng lên đã mắng cho con dâu một trận. Nhưng, có ai biết, con dâu tôi đã nói gì không? Cháu bảo: “Ông không được phép mắng tôi, càng không được chửi bố mẹ tôi. Ông mà chửi bố mẹ tôi là tôi chửi bố mẹ ông đấy”.
Vậy đó, con dâu tôi đã nói như vậy trước mặt của bố mẹ chồng nó đó. Tôi không biết, cháu được học hành, đào tạo nước ngoài nước trong hay do môi trường sống của cháu từ khi còn nhỏ đã đã đào tạo cháu như vậy. Nhưng với nàng dâu hiện đại thế này thì tôi thấy sợ quá.