Có vẻ như tôi đang ngồi trước một trầm tích văn hóa mà mỗi câu chuyện của ông lại mở ra một vỉa quặng quý giá mà tôi chỉ lướt qua nó trong cuộc đời này, còn ông thì hiểu rất sâu sắc, cặn kẽ về những điều ông nói, ông thường tản bộ theo những phố cổ đọc và ghi chép lại những văn bia, các chữ viết ở các di tích đã đi qua cũng như tự tìm hiểu trong các sách cổ.
Cũng như những du khách tới chiêm ngưỡng quanh Hồ Gươm chỉ biết nhìn bề ngoài, không hề biết đến ở ngay ven hồ trước đây có Nhà Phương Đình ghi danh ông Tổ chữ Việt, giáo sỹ người Bồ Đào Nha, cái tên đã quá quen thuộc với mọi người Alecxandre de Rhodes nay đã không còn.
Truyền thống biết ơn của dân tộc thật lạ lùng, nó khác biệt những gì ở thời hiện tại, xây miếu thờ Khổng Tử ở khắp nơi, nào mấy ai còn nhớ người xây nền quốc ngữ ấy. Ông vẫn nuối tiếc, trầm ngâm việc dỡ bỏ di tích này, không biết có nhà nghiên cứu hay Hà Nội học đã để tâm đến việc này chưa?
Ông kể về cái cơ duyên ông học chữ Nho, kiến thức được học ở thầy quá ít mà hoàn toàn tự học, ông tự học trong sách vở, tự đối chiếu, so sánh, cả cuộc đời ông dành vào việc đó, cái kho tri thức Hán Nôm cứ mỗi ngày lại tiềm tàng đầy dần lên. Sự say mê của ông không phải chữ mà những ý nghĩa ẩn chứa trong chữ đó, là văn hóa cha ông trong đó, là một thứ tâm linh thôi thúc ông khám phá.
Có thể cuộc gặp gỡ với ông sẽ chỉ còn là ấn tượng về một con người khá dị thường, sống trong ồn ào náo nhiệt phố phường mà như ẩn sỹ, đeo đuổi đam mê khám phá một tử ngữ trong khi thiên hạ đổ xô vào học sinh ngữ nếu không có một sự kiện tiếp theo.
Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Tổng thống Pháp đến ngôi đình Kim Ngân trong phố cổ Hà Nội, nơi thờ Tổ bách nghệ thế gian và biểu lộ một sự trân trọng, thán phục với những nét văn hóa truyền thống Việt Nam còn lưu giữ nơi đây. Sự kiện đó buộc tôi phải đến thăm viếng ngôi đình này và tại đây, tôi tình cờ được biết 5 đôi câu đối tại đình này là do ông làm, viết và dâng tặng. Để hiểu thêm về ngôi đình này, tôi lại tìm gặp ông và câu chuyện này được viết tiếp.
Thì ra, 5 bộ câu đối ở đình Kim Ngân chỉ là con số rất nhỏ so với hàng trăm bộ hoành phi, câu đối mà ông đã viết và công đức cho các đền chùa khắp nơi trên cả nước. Ngoài ra, viết lại một số ngọc phả, bài kệ cổ trong các chùa, đền và đình. Không những biết về y lý tướng số mà ông còn có kiến thức uyên thâm về Phật pháp, tất cả những cái đó đều “từ chữ” mà có – lời ông. Nhưng theo ông, những kiến thức mà ông có sẽ mãi mãi chỉ là cái kho đựng đồ thôi nếu ông không có cơ duyên với nhà Phật.
Ông tự bạch: “Chùa Linh Sơn ở Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội là ngôi cổ tự với bề dày lịch sử sáu, bảy trăm năm. Từ mấy chục năm trước, tôi vẫn thường lui tới. Một ngày trung tuần tháng 10 năm 2000, sư thầy trụ trì biết tôi có chút ít vốn liếng về thư pháp đã mời tôi hướng dẫn cho tiểu của thầy và hơn tháng sau là người em ruột của thầy từ TP Hồ Chí Minh ra cũng xin học.
Ngày đó, trước Tam bảo ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Linh Sơn, tôi nguyện xin chư Phật, chư Đại bồ tát mười phương, trước Cổ đức tiên liệt hiền thánh xin đem tất cả tri thức, kinh nghiệm và những gì học hỏi qua trường đời, sách vở, chọn lọc và hệ thống để truyền lại cho các môn sinh. Trong tôi cũng ý thức được nếu tôi mang một tấm lòng chân thực khẩn cầu sự gia hộ của Phật Tổ cơ duyên mới giúp tôi góp phần nhỏ bé để có thể phát huy bản sắc của dân tộc, một nền văn hóa lâu đời mang tính nhân bản vô cùng sâu đậm của cha ông với mấy ngàn năm lịch sử mà không nhiều quốc gia trên thế giới này có được”.
Tâm nguyện của ông đã thành hiện thực và cái năm 2000 đó trở thành dấu mốc quan trọng trong đời ông. Khởi đầu nhà chùa mở lớp, các nhà tu hành ở khắp vùng miền theo học, sau này là các phật tử có tâm ham muốn tìm tòi môn thư pháp Hán Nôm cổ. Nay, ông đã có hàng trăm môn sinh ở đủ các miền đất nước, các tôn giáo khác nhau, các ngành nghề khác nhau, quan chức hoặc người tu hành, thanh niên, trẻ em hay người cao tuổi theo học chữ Thánh hiền.
Điều đặc biệt của các lớp học của ông là chỉ có cơ duyên và tự nguyện, không có đơn đầu vào cũng chẳng có bằng cấp đầu ra, các môn sinh không đóng góp bất kể một thứ gì từ học phí đến sách vở, sách bút ông phát tâm tặng miễn phí.
“Ở chúng tôi, chỉ mang một nhiệt huyết và sự cần mẫn, thầy trò cặn kẽ, tỷ mỷ học hỏi lẫn nhau để trau dồi đạo đức, kinh nghiệm cuộc sống – Bảo tồn phát huy, gìn giữ những nét văn hóa cổ của dân tộc”.
Ông là thầy với trọn vẹn ý nghĩa của danh từ cao đẹp này, dạy chữ và chở đạo. Ngay cả những người Trung Quốc hiện đại cũng theo học ông vì họ chỉ học chữ giản thể, còn nhiều chữ phồn thể trước đó họ cần đến sự chỉ bảo của ông. Trong khi giáo dục nước nhà đang loay hoay tìm học sinh ngữ nào, “tử ngữ” như Hán Nôm có cần học không thì việc làm 16 năm nay của ông như một kinh nghiệm sống, rằng cái gì cần thì ắt người ta sẽ học một cách tự nguyện và cần mẫn như ông và các môn sinh. Bản sắc văn hóa dân tộc lưu truyền và gìn giữ ở trong những người thầy như ông.
Ông nay đã ngoài thất thập, tuổi xưa nay hiếm, ông tên Trần Văn Sinh, tự Tế Mỹ,hiệu là Vô Ấn Cư Sỹ. Một người ẩn danh nhưng chính là pho từ điển sống Hán Nôm với những cống hiến âm thầm vào dòng chảy văn hóa truyền thống Việt Nam, rất đáng trân trọng như một sư biểu thời hiện đại.