Cho đến nay, dư luận vẫn tồn tại nhiều tranh cãi quanh gốc tích và chuyện lạ kỳ về vị thánh không đầu được dân làng thờ phụng. Người dân nơi đây quả quyết rằng, những năm bị hạn hán, dân làng hễ lập tế đàn cầu mưa thì lập tức có mưa đổ xuống, chưa năm nào thất bại.
Không chỉ vậy, bất kỳ ai nếu phạm đến di tích này đều bị thánh thần trách quở, gặp chuyện không may trong cuộc sống.
Huyền tích về vùng đất cổ Luy Lâu
Vùng đất cổ Luy Lâu thuộc huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) vốn có nhiều làng nghề truyền thống và di tích lịch sử nổi tiếng xuất hiện từ hàng nghìn năm. Huyền tích kể lại rằng, sau thời kỳ thành Cổ Loa là kinh đô nước ta thời An Dương Vương thì địa điểm Dâu (nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh - PV) trở thành thủ phủ nước ta dưới thời Bắc thuộc, kéo dài hàng nghìn năm với nhiều tên gọi khác nhau như Luy Lâu, Liên Lâu, Dinh Lâu, Tống Bình.
Năm 111 trước Công nguyên, nhà Hán đã xâm lược nước ta và chọn Dâu - Luy Lâu là nơi đặt quận trị của Giao Chỉ, đồng thời lấy đó làm châu trị Giao Châu. Không chịu được ách đô hộ hà khắc của nhà Hán, mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa, đánh chiếm được thành Luy Lâu.
Cho đến bây giờ, ở vùng đất Dâu có nhiều làng thờ các tướng của Hai Bà Trưng như Thanh Tương, Văn Quan, Đức Hiệp, Ngọc Trì…
Năm 187-226 là giai đoạn thái thú Sỹ Nhiếp cai trị thủ phủ Luy Lâu, và nơi đây được xây dựng sầm uất như một kinh đô độc lập. Sỹ Nhiếp vốn gốc là người nước Lỗ, sang nước ta được 7 đời nên đã Việt hóa ít nhiều.
Lợi dụng nhà Hán suy yếu, Sỹ Nhiếp đã gắng sức xây dựng một triều đại riêng. Ông cho đắp thành Luy Lâu với quy mô to lớn, là thành trì lớn nhất nước ta thời Bắc thuộc.
Dưới thời Sỹ Nhiếp, vùng Dâu trở thành trung tâm Phật giáo lớn. Các tăng sĩ Ấn Độ trực tiếp đến truyền giáo. Hệ thống chùa tháp được xây dựng dày đặc. Riêng khu vực Dâu có 4 chùa lớn liền nhau: chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Bình, chùa Tướng.
Chính Sỹ Nhiếp đã sáng tạo ra hệ thống Phật Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện) và định ra lễ hội này, được duy trì cho đến tận ngày nay.
Người dân vùng Dâu ai cũng ghi nhớ câu thơ “Dù ai đi đâu về đâu/Nhớ ngày mùng tám hội Dâu mà về”. Đến năm 227, Sỹ Huy (con trai Sỹ Nhiếp) nắm quyền cai trị dựa vào thành Luy Lâu chống nhau với quân Ngô suốt nhiều tháng để bảo vệ quyền cai trị.
Năm 542, Lý Bôn khởi nghĩa đánh thắng quân nhà Lương, lên ngôi vua, lập nước Vạn Xuân. Đến năm 825, quân đô hộ nhà Đường là Lý Nguyên Gia chuyển trụ sở đến thành Đại La ở cửa sông Tô Lịch, nhưng do thành nhỏ nên lại chuyển về Tống Bình (Luy Lâu). Khoảng năm 875 Cao Biền mở rộng thành Đại La thì vai trò thủ phủ của Luy Lâu mới chấm dứt.
Như vậy, trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, vùng Dâu - Luy Lâu đã giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Ngày nay, vùng Dâu vẫn còn là trung tâm thương mại của một khu vực rộng lớn.
Với những di tích lịch sử văn hóa về các chùa tháp, thành lũy, đền đài còn lại nơi đây không chỉ thu hút các nhà nghiên cứu, bảo tồn văn hóa mà còn lôi cuốn đông đảo khách du lich thập phương đến tham quan, tìm hiểu vào các dịp lễ hội được tổ chức hàng năm.
Ông Cao Đình Tệ hiện đang trông coi và giữ bản sắc phong của nghè |
Làng Dâu chỉ có thôn Khương Tự là nơi nổi tiếng với nhiều đình, chùa, nghè cổ lâu đời nhất Việt Nam. Thôn Khương Tự được các cao niên tự hào khoe là “cổ châu”, tức là viên ngọc quý của vùng đất Luy Lâu. Hiện giờ thôn có 1 đình, 2 chùa và 2 nghè.
Hay nói cách khác, đây là ngôi làng độc nhất vô nhị về sự đa dạng, nét phong phú trong văn hóa của huyện Thuận Thành. Trong đó, đình Trình là ngôi đình chứa nhiều tâm linh và mang tính báo cáo, ai đến thăm các chùa đều phải qua đình thông báo.
Chính vì làng Dâu có nhiều bề dày lịch sử văn hóa nên xung quanh những ngôi đình, chùa, nghè cũng có nhiều câu chuyện duy tâm ly kỳ, bí ẩn, gây tranh cãi trong dư luận cho đến bây giờ. Có nhiều chuyện được dân gian đồn thổi xung quanh gốc tích ngôi nghè cổ dành cho các cụ ông.
Nhiều người cho rằng, vùng Dâu có lịch sử gắn với thành Luy Lâu và nhân vật Sỹ Nhiếp, Sỹ Huy nên ngôi nghè này hiện đang thờ thánh không đầu, tức là tướng của Sỹ Huy sau khi bị quân triều đình phương Bắc chém đầu.
Sau này, làng Dâu tự nhiên xuất hiện 99 gò đất ở cánh đồng xung quanh ngôi nghè. Và sự trùng hợp còn liên quan sự kiện khánh thành đình Chợ (sau chuyển vị trí đến ngôi nghè này nên được gọi là nghè - PV) lại trùng với thời điểm thôn Khương Tự có 12 người nam và 12 người nữ được sinh ra trong năm Nhâm Ngọ 1941.
Người khác thì cho rằng, ngôi nghè hiện đang thờ thánh không đầu là Sỹ Huy chứ không phải tướng lĩnh của người này. Theo truyền thuyết người trong làng truyền miệng lại thì một số người dân đã từng chứng kiến sự hiển linh của vị thánh cụt đầu ở cánh đồng gần ngôi nghè.
Người này bước đi như người bị kiệt sức rồi biến mất.
Lạ ở chỗ, không bao lâu, giữa cánh đồng ấy tự dưng mọc lên 99 gò đất sau một trận mưa bão. Cũng chính vì vậy, nhiều người dân suy luận rằng nghè này là thờ vị thánh cụt đầu, tức Sỹ Huy - người bị triều đình phương Bắc chém đầu trong lịch sử gắn với thành Luy Lâu thuộc vùng Dâu huyện Thuận Thành.
Ông Nguyễn Văn Thành ở thôn Khương Tự thật thà kể: “Đúng là thôn Khương Tự có 99 gò đất cao thấp ở giữa cánh đồng. Tuy nhiên, đến năm 2003 khi Cụm công nghiệp Thanh Khương hoạt động thì nhiều gò đất đã bị san lấp, kể cả 2 cái giếng cổ linh thiêng của thôn cũng bị lấp để làm đường.
Cho đến nay vẫn còn lời đồn, sự việc xảy ra khó lý giải về cái chết của một vài người khi xây nhà trước cửa thành Luy Lâu trước đây. Kể cả người bán hàng thuê cho ngôi nhà đó cũng bị chết mà không rõ nguyên nhân, mặc dù bản thân họ không hề mắc bệnh tật”.
Liên quan đến chuyện này, cụ Cao Văn Thiều (76 tuổi) ở thôn Khương Tự cho hay: “Thôn có chùa Dâu và nghè này thiêng lắm. Những ai đến mà không tôn kính thì thần linh trừng phạt ngay. Ngày xưa còn trâu bò, nếu đến gần phóng uế bừa bãi cũng bị thần linh phạt người chủ đó.
Những năm bị hạn hán, dân làng lập tế đàn cầu mưa lập tức có mưa đổ xuống, chưa năm nào thất bại. Không những thế, mỗi năm khi kết thúc lễ hội chùa Dâu kéo dài từ 6-8/4 âm lịch sẽ có mưa đổ xuống, người dân gọi là mưa rửa chùa.
Sở dĩ như vậy là bởi làng Dâu có Tứ Pháp phù hộ cho nên mọi năm được mưa thuận, gió hòa”.
Học chữ Hán Nôm để đi tìm sự thật về chùa Dâu
Ông Nguyễn Văn Thành (đứng) là một trong số những người cao tuổi ở thôn Khương Tự dịch chữ Hán Nôm trên bia đá |
Tuy nhiên, vì thấy chưa rõ ràng và nhiều ý kiến trái ngược nên chúng tôi đã quyết đi tìm sự thật bằng cách học chữ Hán Nôm để dịch dựa theo bản sắc phong vẫn còn giữ lại trong nghè. Nhưng sau đó, chúng tôi đã nhận ra cách nhanh hơn là mang bản sắc phong nghè ra Hà Nội để thuê người giỏi chữ Hán Nôm dịch” - ông Nguyễn Văn Thành tâm sự.
Ông Cao Văn Phùng, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Khương Tự tiếp lời: “Và sự thật thật bất ngờ với tất cả chúng tôi, hóa ra ngôi nghè cổ mọi người cho là thờ thánh không đầu Sỹ Huy lại thờ phụng một vị dương thần là Đức thánh Huyền Thông thời Hán Chiêu Đế.
Còn ngôi nghè dành cho các cụ bà thờ một vị âm thần là Đại thánh Pháp Vân cũng từ thời Tam quốc giao tranh. Thực sự ngôi nghè cổ thờ Đức Thánh Huyền Thông cho đến nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi về nguồn gốc của nó bởi ít người biết về bản sắc phong trong ngôi nghè này.
Nói về sự trùng hợp sự kiện năm khánh thành đình Chợ và thôn Khương Tự sinh 12 nam và 12 nữ, nói thật chúng tôi luôn cho đó là điều kỳ lạ. Hiện giờ trong số đó chỉ còn 4 người nam còn sống, và tôi là một trong số đó. Còn 12 người nữ kia họ đã theo chồng đi nơi khác sinh sống từ hồi còn trẻ tuổi”.
Ông Hoàng Đình Minh, Chủ tịch xã Thanh Khương khẳng định: “Thôn Khương Tự có đình Trình, chùa Dâu, chùa Bình Văn và 2 ngôi nghè là di tích cổ đã có từ lâu đời. Trước đây, tôi cũng nghe qua về một ngôi nghè cổ ở thôn thờ thánh không đầu nhưng không rõ thực hư thế nào.
Còn những câu chuyện mê tín dị đoan thì tôi chưa nghe qua, vì vậy nếu có những câu chuyện, lời đồn về ma quỷ thì chỉ tồn tại trong một số ít người dân xung quanh đó thôi.
Tôi cho rằng, phần nhiều là sự trùng lặp ngẫu nhiên và mang tính tâm linh mê tín. Nhưng việc người dân tìm ra gốc tích về ngôi nghè cổ đó cách đây ít năm chúng tôi thực sự rất vui và đánh giá cao vì sự trân trọng giá trị lịch sử văn hóa của người dân Khương Tự”.