Đôi khi viết báo, Phạm Quỳnh có dùng bút danh Hồng Nhân, Hoa Đường, Lương Ngọc. Cái bút danh Lương Ngọc ấy, chẳng phải ngẫu nhiên đặt cho có, bởi đó là cội rễ bản quán của nhà ông: Làng Lương Ngọc, nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Dẫu vậy, trong Tác gia văn học Thăng Long – Hà Nội (từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX) cho hay “Phạm Quỳnh được sinh tại Hà Nội, số nhà 17 Hàng Trống, trong một gia đình Nho học”. Nho phong nhà Phạm Quỳnh thì khỏi phải bàn, vì cụ thân sinh từng mở lớp dạy chữ Nho kia mà.
Buổi ban đầu lập nghiệp
Tuổi thơ của nhà văn hóa tương lai, thiếu thốn nhiều ở tình mẫu tử lắm bởi mới được 9 tháng tuổi, chưa kịp ghi hết trong trí hình ảnh về mẹ, thì Quỳnh đã mồ côi người sinh ra mình rồi. Đến khi lên 9, cha cũng theo mẹ về miền xa thẳm. May sao, Phạm Quỳnh được bà nội chăm bẵm, nuôi nấng, lo cho học hành để sau này nên sự nghiệp.
Vốn chăm học, thông minh, nên khi thơ ấu, chú bé Quỳnh được vào học trường Thông ngôn (sau đổi thành trường Bưởi, tức trường THPT Chu Văn An bây giờ). Năm 1908, chú bé Quỳnh ngày nào đỗ đầu kỳ thi trung học tại trường Thông ngôn. Ở tuổi 16, chàng trai trẻ măng tơ ăn cơm Tây khi được cử đi làm thông ngôn tại trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác cổ (Ecole Francaise d’Extrême Orient) tại Hà Nội.
Nghiệp báo chí của Phạm Quỳnh, bắt đầu từ năm 1913, khi tham gia viết bài cộng tác đăng trên tuần báo Đông Dương tạp chí, tên tuổi được mọi người chú ý từ đấy. Nên nhớ rằng dạo ấy, Đông Dương tạp chí- theo nhận xét của Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 - là một trong hai tờ báo “quan trọng nhất đã góp phần vào việc xây dựng nền văn học Việt Nam”.
Tờ báo có công cùng với Đông Dương tạp chí là Nam Phong tạp chí, sau này do chính Phạm Quỳnh làm chủ bút kiêm quản lý. Về Nam Phong tạp chí, hẳn phải dành một phần riêng để nói về nó mới xứng tầm.
Từ những bài báo đầu tiên trên Đông Dương tạp chí, chỉ 4 năm sau tức là năm 1917, Phạm Quỳnh đã lập ra một tờ báo riêng của mình, và tờ tạp chí ấy tồn tại tới 17 năm trời, ra được 20 số: Nam Phong tạp chí. Lúc ấy, Phạm Quỳnh ở tuổi 25. Cái sự lập thân, lập nghiệp so với lớp trẻ chúng ta bây giờ, nhìn về tiền nhân, hẳn khác xa nhau quá và ngẫm cũng thật thẹn lòng.
Đâu cần tới tuổi “tam thập nhi lập” mà cha ông ta hay chiêm nghiệm, trong Lược truyện các tác gia Việt Nam cho hay thời gian 1924 – 1932, anh thanh niên Phạm Quỳnh đã làm giảng viên ngôn ngữ và văn chương Hán Việt tại trường Cao đẳng Hà Nội, và là trợ bút của báo Pháp ngữ France – Indochine.
Phong cách Phạm Quỳnh
Khoan nói tới sự dấn thân vào chốn quan trường của Phạm Quỳnh ở quãng sau của cuộc đời ông, riêng trên bình diện báo chí, cũng là địa hạt văn hóa, có đôi điều đáng nói. Ông Phạm Quỳnh, xuất thân Nho học, nên Hán học giỏi, mà đã kinh qua thông ngôn, Pháp văn chẳng kém ai. Đó chính là cái sở đắc, sở lợi của ông khi viết báo vậy.
Nhờ hai cái lợi khí ngoại ngữ ấy, nên văn chương của ông Quỳnh được nhiều người mến mộ lắm. Trong Văn thi sĩ tiền chiến, Nguyễn Vỹ khen ông là “Chữ Pháp, ông viết rất trôi chảy, với một lối hành văn rất bóng bẩy văn hoa, vừa giản dị, khúc triết, vừa dồi dào ý tưởng. Việt văn của ông cũng thế. Câu văn rất được săn sóc, điêu luyện theo như hành văn Pháp, rất thận trọng trong việc dùng chữ.
Ông đưa đẩy ngòi bút đi dịu dàng, chững chạc, không dây dưa rườm rà”. Chính bởi thế nên hầu hết độc giả mà đọc qua bài viết của họ Phạm, đều tỏ lòng ngưỡng mộ, nhất là lớp trẻ bấy giờ.
Chính người Pháp cũng phải thừa nhận, văn của Phạm Quỳnh là lối văn quý phái, “lối văn hàn lâm viện” cơ mà. Muốn biết qua lối viết của ông ra sao, cứ phải thưởng lãm Nam Phong tạp chí, mới cảm cho hết được.
Ấy, nói về nết ăn nết mặc cũng đáng kể lắm. Dù cộng tác với Tây, nhưng ảnh hưởng Nho phong, Phạm Quỳnh không bao giờ mặc Âu phục mà mặc quốc phục Việt, áo dài the đoan, hoặc satin, và luôn mang kiểu giày trưởng giả thời ấy, giày escarpin, đầu thì chít khăn đóng, mắt đeo kính trắng. Thanh niên thời ấy, như Nguyễn Vỹ nhớ lại, vì cái vẻ bệ vệ của ông, mà đặt cho Phạm Quỳnh biệt hiệu là “Kính trắng tiên sinh”
Phạm Quỳnh (thứ hai từ trái sang) |
Trong mắt người đương thời, Phạm Quỳnh được xem là người tự cao, một văn sĩ kiêu ngạo dạo ấy, và điều đó, thể hiện rõ nhất là qua đôi mục kỉnh mà ông đeo. Dẫu được gọi là nhà văn, nhưng Phạm Quỳnh lại thích được gọi là nhà học giả hơn.
Và chính ông tự gọi mình cái danh hiệu là Clerc. Muốn điểm qua cái sự tự tin, cao ngạo của ông, hãy xem lại hồi tưởng về một buổi diễn thuyết của họ Phạm qua Văn thi sĩ tiền chiến thì hẳn tỏ.
Một lần, ông Quỳnh diễn thuyết bằng tiếng Pháp tại trường Cao đẳng Đông Dương, có cả Thống sứ Bắc kỳ dự thính: “Ông Phạm Quỳnh từ phía sau giảng đường ung dung bước ra diễn đàn. Ông rất bình tĩnh, thong thả, bệ vệ”… “Phạm Quỳnh cất tiếng nói rõ ràng, chững chạc, êm ái”… “Ông không chúi mũi xuống giấy như nhiều diễn giả khác đọc như đọc bài văn tế.
Ông cũng không nói lung tung lộn xộn như một số diễn giả khác không theo một dự thảo hoạch định trước”… “thỉnh thoảng mới ngó vào giấy, nói rất tự nhiên, rất lưu loát, văn hoa”… “Tất cả đều phục ông Phạm Quỳnh có tài hùng biện, hoạt bát, duyên dáng mà vẫn nghiêm nghị.
Lần đầu tiên chúng tôi được nghe một người Việt Nam diễn thuyết trước công chúng trí thức Việt - Pháp trên 500 người bằng tiếng Pháp lưu loát hấp dẫn như thế”.
Yêu tiếng Việt
Trong hoạt động văn hóa, Phạm Quỳnh không đơn thuần chỉ viết báo, viết sách, ông còn là người nặng lòng với một tài sản quý giá của nước nhà. Những mong vun đắp, giữ gìn và phát triển nó lên một tầm cao mới, cho xứng tầm của vốn quý ấy, đó là Việt ngữ.
Ở điểm này, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh rõ là có điểm chung. Nếu như Nguyễn Văn Vĩnh có câu nói để đời “Nước Nam ta mai sau hay dở ở như chữ quốc ngữ”, thì Phạm Quỳnh, mãi được hậu thế nhớ tới khi khẳng định: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”.
Năm 1917, Nam Phong tạp chí được ra đời với bàn tay săn sóc trực tiếp của chính học giả họ Phạm. Ngoài dụng ý chính trị của tạp chí này, thì xét riêng trên bình diện văn hóa, Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh đã có một đóng góp hết sức quan trọng trong việc xây dựng một nền văn học căn bản và vững chắc cho văn chương chữ Quốc ngữ.
Cũng tờ tạp chí ấy, là nơi nâng đỡ, phát hiện nhiều tên tuổi văn chương và cũng một lòng với quốc ngữ như ông, tiêu biểu trong đó có Đông Hồ đất Hà Tiên vậy.
Ở bản thân ông, những đóng góp vào sự phát triển của Việt ngữ buổi ấy, là không thể phủ nhận. Phạm Quỳnh chính là một trong mười người tham gia biên soạn cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai trí cùng với những Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc… toàn những tay anh hùng hảo lớn trong lĩnh vực văn chương dạo ấy.
Đó mới là ở bình diện hẹp, những góp công góp sức của ông vô tình hay hữu ý trên bình diện văn chương, văn hóa còn sâu đậm và rõ nét hơn nhiều.../.
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 64, ngày 1/8/2016)