Trong một thời ngắn sau khi dứt đời ăn cơm Tây, chàng thanh niên Nguyễn Văn Vĩnh đã làm chủ bút của hàng loạt tờ báo Pháp ngữ, Việt ngữ khắp ngoài Bắc, trong Nam. Nhưng khả năng của ông bao quát cả lĩnh vực chính trị, dịch thuật… khách quan mà nói, thì báo chí làm nên tên tuổi của ông trước hết.
Ký giả đa tài
Khi Nguyễn Văn Vĩnh mất, Đông Tây tuần báo đã có câu liễn đối, thật xứng với tầm vóc của người quá cố: Chẳng quan mà quý, chẳng phú mà hào, giữa trời Nam thổi gió tung mây, gan óc dễ đâu vùi chín suối/ Có lưỡi như cồng, có bút như thép, trong làng báo mở cờ khua trống, văn chương âu cũng đủ nghìn thu.
Trong làng báo đất Việt buổi ấy, các ký giả đồng nghiệp đa phần nhìn về Nguyễn Văn Vĩnh với con mắt thán phục, không chỉ vì sức làm viết gấp mấy lần người thường, mà sự đa dạng trong thể loại cũng như tính hấp dẫn trong cách viết của ký giả họ Nguyễn.
Khởi thủy với những mẩu tin năm 17 tuổi đăng trên báo Courrier de Hai Phong, ông Vĩnh liên tiếp làm chủ bút những Đăng cổ tùng báo, rồi Notre Joural (Báo của ta), Notre Revue (Tạp chí của ta), Lục tỉnh tân văn, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn.
Ấy là những thống kê dừng lại ở năm 1913. Tiếp đến năm 1915, ông là chủ nhiệm tờ Học báo, lại thời gian 1931 – 1936, ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Pháp ngữ L’Annam Nouvcau (Nước Nam mới)…
Khi xông pha trường văn trận bút khắp các mặt báo, ông Vĩnh dùng nhiều bút hiệu khác nhau, nào Tân Nam Tử, Mũi Tẹt Tử, rồi Tổng Già, Lang Già, Đào Thị Loan, Đinh Thái Lai… Cái tài của ông Vĩnh, đó là ông viết được đủ thể loại khác nhau. Trong Thành ngữ, điển tích danh nhân từ điển, đã thống kê những trước tác của ông Vĩnh ở các thể loại như luận thuyết, truyện ký, tiểu thuyết, hài kịch…
Để cổ vũ cho dân tình thấy được cái lợi của việc đọc báo, ông từng có lời quảng cáo bằng thơ trên Trung Bắc tân văn thể song thất lục bát nhẹ nhàng, gần gũi,có đoạn:
Làm người muốn mở mang trí não,
Phải đem nhời nhật báo giảng ra.
… Dẫu làm ruộng đi buôn cũng thế,
Tờ báo chương sẵn để cạnh mình.
Để xem người giảng văn minh,
Ai ai cũng biết sự tình dở hay.
Viết báo, dịch sách, cao cả, nhân văn hơn hết, chính là mục đích thực hiện được dự báo tương lai “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ quốc ngữ”.
Viết báo, dịch sách, chính là ông Vĩnh đang dùng chữ quốc ngữ để truyền tải những điều mới lạ, mở mang dân trí, đưa cái tiến bộ mà khai mở đầu óc u mê của dân, bởi ông quan niệm “không những là người biết chữ quốc ngữ đọc được, hiểu được, một người đọc cả nhà nghe cũng hiểu được, từ đàn ông cho đến các bà, trẻ con cũng nghe được mà chỉ với chúng ta trong cuộc luận bàn thế sự thì có phải nó vui việc ra là bao nhiêu”.
Các tác phẩm dịch của Nguyễn Văn Vĩnh |
Dịch giả tiên phong
Nhất Tâm nhận xét “điều mà không ai có thể phủ nhận: Nguyễn Văn Vĩnh quả là người có thiên tài về nghề dịch Pháp văn”. Mục đích dịch thuật của ông được thể hiện trong bài diễn văn lập “Hội dịch sách” ngày 4/8/1907, rằng “Nước Nam ta muốn chóng bước lên đường tiến hóa thì phải mau thu thái lấy tư tưởng mới. Muốn cho những tư tưởng mới trong văn hóa Âu Tây truyền bá khắp trong dân gian, thì phải cần phiên dịch những sách chữ nước ngoài ra chữ Việt Nam”.
Và thế là, lần lượt các tác phẩm dịch thuật của ông Vĩnh ra đời, góp phần to lớn cho dân Nam có thêm sách quốc ngữ mà dùng.
Từ mục đích cao cả ấy, lần lượt Kim Vân Kiều được ông dịch ra quốc ngữ, Pháp ngữ, lại cùng Phan Kế Bính dịch Tam quốc chí. Những tác phẩm kinh điển của văn học Pháp cũng đến tay người Việt bằng quốc ngữ qua bàn tay của ông Vĩnh như Những kẻ khốn nạn, Hai mươi năm sau, Ba người ngự lâm pháo thủ, Ngụ ngôn La Fontaine…
Tài năng dịch thuật của ông làm mê mẩn người đọc, như Nguyễn Vỹ tâm sự việc mình coi ông Vĩnh như vĩ nhân “chỉ vì tôi đã đọc hết của ông bản dịch bộ sách Les Misérable của Victor Hugo”… “Từ khi đọc mấy bài Fables de La Fontaine của Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra Việt ngữ, và bộ sách dịch Những kẻ khốn nạn của ông rất là vĩ đại, thì mỗi lần thấy cái tên của ông tôi đã cúi đầu khâm phục rồi”.
Cứ phải nghe lời người trong cuộc kể một ví dụ, hẳn mới thấy được cái tài dịch của ông Vĩnh đến đâu. Nhà văn Vũ Bằng còn nhớ có lần ông Vĩnh vừa ăn bún chả, vừa viết một bài xã thuyết cho báo Annam Nouveau, thảo một lá thư cho Toàn quyền Pháp, đồng thời dịch miệng truyện Tê Lê Mác phiêu lưu ký cho Dương Phương Dực ám tả (đánh máy). Ghê gớm nữa là ông vừa dịch, vừa quay sang nói chuyện với bác sĩ Tụng về việc người Pháp dụ dỗ ông.
Ngụ ngôn La Fontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch |
Để thuận lợi cho công tác in ấn những tác phẩm dịch thuật, năm 1919 ông Vĩnh mua lại nhà in của người Pháp. Năm 1927, ông lập tùng thư in những sách dịch của mình mang tên La Pensée de I’Occident (Âu Tây tư tưởng).
Phải đặt Nguyễn Văn Vĩnh cùng sự nghiệp của ông trong hoàn cảnh hiện tình nước Việt lúc ấy, mới thấy được rõ hơn dấu ấn của ông, như Nguyễn Bá Đạm nhận xét là “Vào lúc chữ quốc ngữ mới được xây dựng, mà có được một văn nghiệp đồ sộ như trên, thật là hiếm có”.
Công lao của ông đối với văn chương nước nhà, thật đáng nể thay, mà lời của Phan Trần Chúc là một minh chứng vậy “Sở đắc ở chữ Hán và chữ Pháp, tiên sinh đã lợi dụng hai chữ ấy mà tạo nên được một nền quốc văn trong trẻo, không bợn vì những tiếng và chữ tiêm nhiễm của nước ngoài”… “Người Việt Nam vì có quốc văn mà kính phục tiên sinh ngần nào thì người Pháp cũng vì Pháp văn mà tôn trọng tiên sinh ngần ấy”.
Chính trị gia hăng hái
Nguyễn Vỹ, khi đề cập đến nghiệp chính trị của ông Vĩnh, cho thấy quan điểm chính trị của ông Vĩnh là “đòi thực hành cho Trung Bắc kỳ một chính sách mà ông gọi là Administration Directe (trực trị), nghĩa là dẹp bỏ ngôi Vua, để Pháp trực tiếp cai trị với sự tham gia hành chánh trực tiếp của nhân dân do Thượng, Hạ Nghị viện của Nhân dân bầu cử”.
Nhà báo Pháp A. Viollis (1870 - 1950) người nổi tiếng với phóng sự Đông Dương cấp cứu, từng qua nước Nam thời gian 1930 – 1931 đã có nhận xét về những nhân vật có liên quan đến chính trị Pháp ở Đông Dương.
Trong đó, bà đề cập về Nguyễn Văn Vĩnh ở bình diện chính trị “là một trong hai người An Nam (cùng với Phạm Quỳnh – Người dẫn) tại Bắc Kì có ảnh hưởng nhất và được quý mến nhất đối với chính quyền Pháp”, và bà nhận xét ông Vĩnh là một người dân chủ, chống lại sự tồn tại của vương quyền.
Điều mà Nguyễn Văn Vĩnh, trên bình diện chính trị được sự tôn trọng của nhiều người, là bởi ông không màng tới bả vinh hoa, chứng cứ là việc Chính phủ Pháp có nhã ý tặng ông huy chương cao quý nhất của Pháp – Bắc đẩu bội tinh, nhưng ông Vĩnh từ chối, và chính bởi thế, cũng theo lời tác giả Văn thi sĩ tiền chiến cho hay: “uy tín của Nguyễn Văn Vĩnh càng được tăng cao từ vụ này”.
Đáng nói hơn, ông Vĩnh tới hai lần từ chối cái mề đay đính áo: “Hai lần từ Bắc đẩu bội tinh, chí ông trời bể/ Một người trong Việt Nam lịch sử, cuộc đời văn chương” (Liễn điếu của Đào Hùng).
25 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh là hội viên của Hội đồng thành phố. Năm 1913, ông ứng cử vào phòng Tư vấn Bắc kỳ. Ông cũng là người Việt đầu tiên có mặt trong hội Nhân quyền, là hội viên sáng lập của Hội nghị Đông Pháp... Khi cụ Phan Châu Trinh bị Pháp bắt, chính ông Vĩnh cùng bốn người Pháp ký đơn xin ân xá cho cụ.
Với lợi thế ở tài hùng biện, diễn thuyết, ông Vĩnh gây sự thuyết phục cho thính giả. Lại thêm vũ khí bằng ngòi bút sắc bén, nhiều bài viết chính trị được đăng trên báo chí do ông xuất bản, đơn cử như bài Đầu Pháp chính phủ thư của cụ Phan được ông dịch ra chữ Pháp và đăng trên Đăng cổ tùng báo, hay việc ra báo Annam Nouveau “mục đích làm cơ quan phát huy “thuyết trực trị”, phản đối lại thuyết lập hiến của Phạm Quỳnh chủ trương và bài xích chế độ bảo hộ ở Trung Bắc” (Trích Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) của Nhất Tâm).
Năm 1907, Đông Kinh Nghĩa Thục gây được tiếng vang lớn trong nền giáo dục nước Việt. Người có công để cho Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời, ấy là ông Vĩnh, như trong Hà Nội, những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX – XX viết: “Người làm đơn gửi tới Toàn quyền Paul để xin phép mở trường là học giả Nguyễn Văn Vĩnh”. Rõ là một sự nghiệp “năng động” trên mọi lĩnh vực...