Bằng tình yêu và sự đồng cảm, họ cùng nhau xây nên tổ ấm hạnh phúc trong cảnh cơ hàn khiến nhiều người xúc động và thương cảm. Tuy nhiên, sự éo le, bất hạnh vẫn không buông tha họ.
Mối tình “đôi đũa lệch”
Trong gu thời trang chẳng giống ai, quần đùi ngắn cũn rách rưới, họa sỹ Lý Ngọc Thành có vẻ ngượng nghịu, ái ngại khi phải mời khách vào căn nhà chật chội, tồi tàn của mình. Từ trong nhà, một cô gái trạc 20 tuổi đầu tóc bù xù bưng 2 ly nước ra mời khách với nụ cười ngơ ngẩn, thẹn thùng. Khi phóng viên chào hỏi, cô gái lớn tiếng bằng cái giọng tưng tửng: “Người ta lớn rồi, không thích gọi bé nữa”.
Tiếp đó, một người phụ nữ hai tay vịn vào vách tường, vẻ mặt nhăn nhăn, nhích từng bước chân chậm chạp, khó nhọc từ nhà dưới tiến lên. Họa sỹ già lắc đầu buồn bã: “Bà xã tôi đó, có lẽ buồn về chuyện hai đứa nhỏ thần kinh có vấn đề nên bà ấy sinh bệnh, ốm yếu vậy đó…”.
Trong ký ức của họa sỹ Thành, ông vốn xuất thân trong một gia đình khá giả, tuổi ấu thơ là những tháng ngày được cha mẹ cho theo học 4 năm Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (nay là Trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM). Ngày ông nhận tấm bằng họa sỹ thì cha mẹ ông bệnh nặng và qua đời. Sản nghiệp cha mẹ cũng tan biến theo.
Ông trở thành kẻ mồ côi, không cha, không mẹ, ngày tháng lang thang mưu sinh bằng nghề vẽ tranh thuê và bán nước dạo giữa Sài Gòn hoa lệ.
25 năm tính từ ngày cha mẹ qua đời, ông Thành sống đơn độc trong căn nhà cũ, không người thân, không bạn tri âm. Trong khi bạn bè cùng trang lứa vợ con đề huề, công danh, tiền bạc dư dả thì ông vẫn chỉ có đôi bàn tay trắng. Tuy nhiên, bản chất nghệ sỹ “chẳng giống ai” khiến ông chẳng lấy đó làm buồn. Cho đến một ngày, cuộc đời ông đã đổi thay khi gặp cô gái kém mình 21 tuổi là Đào Thị Hương, làm nghề nhặt ve chai.
Hương cũng xinh đẹp, nết na nhưng vì quá nghèo nên mới để tuổi xuân vuột tầm tay, đến tận khi sắp ở tuổi “toan về già” mới có người hỏi làm vợ. Hai số phận cô đơn đã phải lòng nhau rồi nên vợ, nên chồng.
Cách đây tròn 25 năm, đám cưới của đôi chồng 49 tuổi, vợ 28 tuổi được tổ chức gọn nhẹ.
Nói về chồng mình, bà Đào Thị Hương bỗng cảm thấy khỏe khoắn, linh hoạt hẳn lên với nụ cười tươi rói: “Đơn giản là chúng tôi rất thương nhau. Thương ở sự chịu thương chịu khó, sự chân thành và tính tình hiền lành, chất phác”.
Chồng làm họa sỹ vẽ tranh thuê lương ba cọc ba đồng, cả nhà trông vào gánh hàng ve chai đồng nát của vợ. Cuộc sống của họ dẫu nghèo khó nhưng ngập tràn hạnh phúc. Lần lượt 2 đứa con (một gái, một trai) ra đời là phần thưởng trời ban cho hai mảnh đời vốn chịu nhiều cay đắng, éo le.
Hạnh phúc đơn sơ
Nhưng oái ăm thay, hai đứa con lúc nhỏ thì đẹp như thiên thần mà càng lớn càng chậm chạp, đờ đẫn chứ không lanh lẹ, bình thường như con người ta. Phần nghèo, phần năng lực kém nên chúng sớm phải nghỉ học, tối ngày ru rú sau xó cửa.
Phần vì buồn chuyện con cái, phần vì hồi trẻ quá lao lực mưu sinh nên bà Hương mắc bệnh, ốm đau liên miên.
Gia đình ông Thành trở thành hộ nghèo có hoàn cảnh éo le nhất địa phương, nhận trợ cấp xã hội thưởng xuyên, 500.000 đồng/tháng. Hai con của ông được Nhà nước và nhà chùa hỗ trợ cho đi học nghề miễn phí. Bản thân ông Thành nay đã 74, sức khỏe yếu, không thể đạp xe đi bán nước hàng ngày, mà có vẽ tranh thì cũng chẳng ai mua. Mọi gánh nặng 4 miệng ăn đặt lên đôi vai của người vợ với nghề mót ve chai, bữa đực bữa cái.
Cách đây 3 tháng, đôi chân bà Hương sưng phù, đau nhức dữ đội nên phải nghỉ nhặt ve chai. Bà Hương đi nhặt gom góp mỗi tuần bán một lần không quá 100.000 đồng, mỗi tháng kiếm được tầm 300.000 đồng, cộng với khoản trợ cấp cả thảy 800.000 đồng/4 người ăn trong tháng, bữa đói, bữa no là điều khó tránh khỏi.
Vì quần quật lo miếng ăn qua ngày nên chuyện ở, chuyện mặc của 4 thành viên gia đình ông Thành thuộc diện lập dị kinh khủng nhưng có vẻ như không ai quan tâm nhận thức được điều này. Căn nhà tình thương tạm bợ được nhà nước xây cất đã lâu trên diện tích khiêm tốn đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Mái tôn đã mục nát, vách tường nứt nẻ nền nhà sụn lún. Mỗi khi có mưa nước chảy tràn lan, nhem nhuốc, chỉ có một góc (1/5 ngôi nhà) là chỗ trú mưa của cả gia đình.
Vào nhà mới cảm nhận hết cảnh cơ cực, thiếu thốn của gia đình này. Lối đi chất đầy bao bì, đồ đạc cũ, tranh ảnh, quần áo, sách vở… treo vất vưởng, nằm ngổn ngang, nham nhở và bốc mùi ẩm mốc. Căn nhà tối om, chỉ có 1 bóng đèn điện duy nhất, còn lại vẫn thắp đèn dầu. Nhà bếp vẫn nấu bằng củi và nhà vệ sinh lộ thiên còn nhà tắm trống huơ trống hoác.
Nghèo khổ nên gia đình lão không dám dùng điện, sợ tốn tiền. Nhà chỉ có một bóng đèn và chỉ bật vào buổi tối, nước thì tận dụng nước mưa, còn nước uống mới lấy nước máy. Chuyện ăn uống hàng ngày cũng hết sức tằn tiện. Gạo thì không thiếu vì được Nhà nước hỗ trợ thường xuyên. Bữa cơm có thịt, có cá dường như là niềm ước ao của gia đình.
Suốt 25 năm qua, hai vợ chồng lão chưa biết quán xá là gì, chưa từng dám bỏ tiền mua một tô hủ tiếu (dù rằng tô hủ tiếu chỉ là món ăn bình dân nhất).
Thấy hoàn cảnh gia đình ông Thành quá cơ cực, mấy chị em tiểu thương ở đầu hẻm thường mang cho thức ăn. “Ở đất Sài Gòn này, ít gặp ai có hoàn cảnh cực khổ đến vậy. Hễ bữa nào đi chợ về mà thấy cá rẻ là tôi mua về kho sẵn đem sang cho nhà ổng. Nhìn cảnh vợ chồng, con cái ổng mừng rỡ, cảm ơn rối rít mà tôi thấy bùi ngùi. Mong sao Hội đồng môn Trường Mỹ thuật khi xưa ông ấy học hoặc các nhà hảo tâm tài trợ thường xuyên để gia đình ông ấy bớt cực…”- một người hàng xóm chia sẻ.