Lời dẫn: Thế hệ chúng tôi, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước tốt nghiệp phổ thông, trong những năm tháng còn chiến tranh bom đạn ác liệt ấy, rất nhiều bạn bè rời ghế nhà trường là phải ra trận. Chúng tôi, một số rất nhỏ có may mắn là được đi du học. Người đi Liên Xô, người sang Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungari, Ba Lan, Rumania… Ngày ấy đi du học sang châu Âu toàn đi bằng tầu hoả (trừ một lần vào năm 1969 do chiến tranh biên giới Xô - Trung, anh em đi bằng tầu biển của Liên Xô sang đón ở cảng Hải Phòng đi Vlađivostok, Liên Xô, rồi từ đấy lại đi tiếp tầu hoả).
Chắc nhiều người có thể không còn nhớ những ngày dài đằng đẵng đi tầu hoả thời ấy, rồi những ngày bên “Tây” sinh hoạt ra sao? Trong loạt bài “Chuyện thời du học”, tôi ghi lại những kỷ niệm để tôi cũng như nhiều người đã từng trải qua cùng nhớ lại những kỷ niệm của thời ấy, mà giờ đã nửa thế kỷ trôi qua. Trân trọng gửi tới bạn đọc.
Irkutsk, được coi là thủ phủ của miền đông Xibêri, nằm bên bờ sông Angara, không xa bờ hồ Bai- can. Irkutsk khi xưa xa xôi, hẻo lánh, là nơi lưu đày của bao tù nhân từ thời Nga hoàng. Ai đã bị đày đến đây thì khó mong có ngày về… Nhưng từ năm 1898 khi tuyến đường sắt xuyên Xiberi vươn tới đây thì Irkutsk “lột xác” và được mệnh danh là “Paris của vùng Xiberi”.
Irkutsk là trung tâm công nghiệp sản xuất máy bay quan trọng của Liên Xô khi xưa và của Nga hiện nay (máy bay phản lực quân sự SU được sản xuất tại đây). Đây cũng là đầu mối đường sắt tại Viễn Đông của Liên Xô trước kia và Nga hiện nay.
Từ đây tất cả các tuyến xuyên Xiberi ra tới tận Vladivostok trên bờ biển Thái Bình Dương, sang Trung Quốc và Mông Cổ, rồi từ đó sang tới Việt Nam. Chính vì vị trí địa lý như vậy nên Irkutsk là trạm tiếp đón đầu tiên của các sinh viên từ Việt Nam mới sang ngày ấy. Để rồi từ đây anh em được phân ra ai đi tiếp đến các thành phố nào ở Liên Xô và tất cả các nước Đông Âu.
Ký túc xá của Trường Đại học Sư phạm Irkutsk, do sinh viên bản địa nghỉ hè nên được trưng dụng làm “căn cứ “, là “đại bản doanh” đón các lưu học sinh từ Việt Nam sang học ở Liên Xô và các nước Đông Âu. (Cũng có năm thì đoàn đi các nước Đông Âu không tập trung “tẩy uế, thanh lọc” ở Irkutsk mà đi thẳng sang nước tiếp nhận.
Tại đấy sẽ tổ chức “công đoạn” này). Công việc đầu tiên ban tiếp đón yêu cầu anh em phải làm là tắm rửa và khám sức khoẻ phân loại. Sau nhiều ngày trên tầu không được tắm rửa, ngứa ngáy, nhiều anh em mọc mụn, gãi trầy xước… Lại có anh chị bị ghẻ, hắc lào từ nhà… Nay được “phô diễn” trước mặt các bác sỹ Liên Xô.
Hồi tưởng lại cảnh này sau gần nửa thế kỷ tôi vẫn nhớ như in: Nhiều anh chị bé quá, các ông bà Liên Xô không tin họ đã thanh niên mà nghĩ là trẻ con 13-14 tuổi. Anh em xếp hàng, 5-6 người một đợt vào phòng, cởi hết quần áo.
Nhiều anh có lẽ lần đầu tiên trong đời “nhồng” trước người lạ, lại có cả bác sỹ nữ nên ngượng nghịu, xấu hổ, lóng ngóng… như gà mắc tóc. Bị quát. Nhưng chả ai hiểu gì. Cười trừ. Lại còn cười toe toét nữa chứ!
Mấy con “ghẻ” và các nốt hắc lào ấy làm khối anh không qua được “cửa ải” này. Ai “nhẹ” thì phải nằm thêm ở đây để xử lý. Nếu “nặng” thì phải xách va ly… quay đầu về nước. Anh chị nào có “vết thâm, tròn hình đồng xu” trên người thì cầm chắc xuất này. “Tây” rất sợ hắc lào!
***
Tấm ảnh lưu niệm chụp các du học sinh Việt Nam tại Đại học Kiev, tác giả Nguyễn Văn Ất là người đứng giữa (đánh dấu ngôi sao). |
Toàn những anh em từ “quê” ra, chưa một lần nhìn thấy cái bếp ga. Thấy ở ký túc xá có phòng bếp, đặt các bếp ga 4 lỗ to tướng. Hý hoáy bật bếp thấy tiếng ga xì xì thoát ra, nhưng không thấy lửa đâu cả. Sờ tay không thấy nóng. Thế là dí mũi vào ngửi. Đâu có biết là phải có diêm hay bật lửa châm vào thì ga mới cháy! Bữa ăn có nước kơ-vass (một loại nước giải khát làm từ men lúa mạch, có mầu nâu đậm), chưa được uống bao giờ, mùi hơi lạ. Lại bảo là Tây nó cho uống nước ngâm tre có mùi… thum thủm!
Đặc biệt dở khóc dở cười là nhiều anh chưa một lần được thấy cái “toa let” xí bệt, nên không biết sử dụng thế nào. “Đi” xong không biết giật nước chỗ nào, cứ mặc kệ “sản phẩm” lều bều, lại còn chửi sao không thấy có nước để dội! Chuyện như thế này có kể cả ngày cũng không hết…
Thế rồi 5 ngày “tẩy uế, thanh lọc” ở Irkutsk cũng trôi qua. Đại đa số đều vượt qua được “cửa ải” này. Các anh chị em được phân thành các nhóm để đi về các thành phố của Liên Xô hoặc đi tiếp các nước Đông Âu. Các nhóm đi vào những ngày khác nhau, vì phụ thuộc vào các chuyến tầu xuất phát từ Irkusk hoặc đi qua dừng đón khách ở Irkutsk, để đến khu vực nào của Liên Xô hoặc đi Đông Âu.
Từ đây đoàn chia lẻ chứ không phải tất cả cùng đi chung một chuyến tầu như đã đi từ Việt Nam sang. Nhóm chúng tôi hơn 20 anh chị em lên tầu đi Kiev.
Thêm trọn một tuần nằm trên xe lửa, vượt tiếp hơn 7000 km nữa. Xuyên qua hết cả vùng Xibêri rộng lớn, bạt ngàn rừng tai-ga. Các địa danh học địa lý bao năm nay chỉ được nghe tên và nhìn trên bản đồ thì nay hiển hiện trước mắt: các dòng sông Lêna, Ênisey, Ô-bi…, thành phố của thủy điện khổng lồ Krasnoarsk…
Tầu chạy cả trăm cây số mà chẳng thấy làng mạc, chỉ thấy ngút ngàn rừng tai- ga... Từ Irkutsk tầu chạy hơn 2 ngày 2 đêm mới tới Novoxibirsk - thành phố lớn nhất của Liên Xô trên phần đất châu Á, nằm bên hai bờ sông Ô-bi. Novoxibirsk nằm ở trung tâm Xiberi, nó được coi là “thủ đô” của cả vùng Xiberi rộng lớn như “ốc đảo” giữa thảo nguyên bao la.
Tầu chúng tôi đến thành phố vào ban đêm. Thảo nguyên bằng phẳng, mênh mông làm ánh đèn sáng rực của thành phố cách cả trăm kilomet vẫn thấy vầng sáng như chỉ đường cho bao đoàn tầu, chuyến xe giữa đêm đen của thảo nguyên bao la tưởng chừng như vô tận…
Tầu chạy cả gần hai tiếng đồng hồ rời khỏi thành phố mà khi ngoái lại vẫn thấy vầng sáng ở cuối chân trời… Từ Novoxibirsk tầu chạy về phía tây gần 1000 cây số nữa thì tới thành phố Ômsk. Tại đây đường sắt xuyên Xiberi đi về phía tây để chuẩn bị vào phần châu Âu của Liên Xô chia làm hai ngả: nhánh phía bắc chạy về hướng Sverlovsk (nay gọi là Ekateriburg, thủ phủ vùng U-ran) để về Maxcova; và nhánh nam hướng về Seliabinsk để về phía nam dãy U - ran.
Tầu chúng tôi chạy theo nhánh phía nam. Không qua Maxcova. Thêm 1 ngày 1 đêm nữa mới tới thành phố Seliabinsk, nằm ở sườn đông dãy núi U-ran. Dãy núi biên giới phân chia lục địa Á - Âu học trong sách địa lý từ thuở nảo thưở nào hiện ra trước mắt. Tầu leo đèo, chui hầm để vượt rặng núi U- ran. Tạm biệt châu Á! Tiến vào thành phố U-fa ở sườn tây dãy U-ran…
Phần châu Âu của Liên Xô bắt đầu từ đây. Chào châu Âu! Nghỉ ít phút trên sân ga thành phố U-fa. Nhà ga thật lớn trong mắt tôi với mái vòm khổng lồ, cao vút… Lại lên đường! Tầu vẫn miệt mài chạy không nghỉ. Đầu máy chạy điện êm, đường tốt, ít mối nối ray nên chỉ nghe thấy tiếng “cạch, cạch … cạch, cạch…” nhẹ nhàng, êm tai dễ buồn ngủ dù tầu chạy tốc độ khá cao. Băng qua vùng đồng bằng sông Vôn- ga, con sông lớn nhất châu Âu chảy trên lãnh thổ Nga, với những cánh đồng đất đen màu mỡ, rộng lớn trải dài cả ngàn cây số… cùng các thành phố lớn nằm dọc hai bên sông Vôn-ga thật đẹp như Quibisev, Xaratov…
Rồi nước Nga vô cùng rộng lớn của Liên Xô cũng lùi lại phía sau… Ucraina hiện dần ra trước mắt… Đã 7 ngày 7 đêm trên tầu kể từ lúc rời thành phố Irkutsk bên bờ hồ Baikan. Hơn 7.000 cây số tính từ Irkutsk bên bờ hồ Baican. Gần 10.000 cây số nếu tính từ ga biên giới Xô- Trung Zabaicanxk. Con đường “thiên lý” từ Á sang Âu ấy đã ở lại phía sau…
(Đón đọc kỳ tới: Ở xứ sở của “vựa” xe đạp cuốc và quạt tai voi)