Chuyện huyễn hoặc quanh bức tượng đá không đầu trong Am Mỵ Châu

Tượng đá hình rất giống một người ngồi xếp bằng, hai tay để song song đặt lên đầu gối, không có đầu được thờ cúng trong am Mỵ Châu
Tượng đá hình rất giống một người ngồi xếp bằng, hai tay để song song đặt lên đầu gối, không có đầu được thờ cúng trong am Mỵ Châu
(PLO) - Theo truyền thuyết dân gian, sau nhiều biến cố, nàng công chúa Mỵ Châu đã hóa thân thành đá và trôi ngược dòng nước từ núi Mộ Dạ (Nghệ An) về ngự tại Hoàng Giang (xã Cổ Loa). Đến nay, sự thật về tảng đá hình người trong Am thờ nàng công chúa Mỵ Châu có phải là tảng đá trong câu kể của người dân địa phương không vẫn là một ẩn số. 

Truyền thuyết trên vùng đất thiêng 

Cách trung tâm Thủ đô không xa, thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào năm 1962 đã được nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Chuyện về Loa thành vẫn còn đó, sừng sững và in đậm những giá trị kiến trúc, văn hóa lịch sử. Và câu chuyện về tượng đá hình người không đầu trong Am thờ Mỵ Châu vẫn là một bí ẩn lạ kỳ. Du khách gần xa mỗi lần về thăm thành Cổ Loa, ghé Am nhỏ thờ nàng Mỵ Châu đều được các bô lão kể cho nghe những câu chuyện kỳ lạ gắn với pho tượng đá mang dáng dấp một phụ nữ ngồi xếp bằng, hai tay buông dọc, bàn tay đặt trên gối và đặc biệt là bức tượng đó không có đầu.

Tương truyền rằng, sau khi thành Cổ Loa thất thủ, Vua An Dương Vương tức giận rút gươm chém đầu Mỵ Châu. Trước khi chết, Mỵ Châu ngửa mặt lên trời mà xin rằng:

“Nếu con là kẻ bất trung có lòng phản nước thì khi chết thân xác sẽ hóa thành tro bụi. Nếu tấm lòng con trong sáng, khi chết thân xác sẽ hóa thành ngọc, thành đá trôi về hầu cha”. Nhiều năm sau, trên vùng bến trù phú có tên “vườn thuyền, ao mắm” bên dòng sông Hoàng Giang tấp nập tàu thuyền bỗng xuất hiện một phiến đá lạ.

Ban thờ công chúa Mỵ Châu.
Ban thờ công chúa Mỵ Châu.

Trẻ con chăn trâu thấy một tảng đá trôi dạt ngược dòng sông, tựa chiếc thuyền có người chèo lái bèn trèo lên nô đùa. Khi về nhà, chúng trở bệnh khiến dân làng vô cùng hoảng sợ. Các bô lão cho rằng chúng đã phạm phải đá thiêng nên ra bờ sông làm lễ cầu khấn. Làng cử một đám thanh niên lực lưỡng, tắm gội sạch sẽ, khiêng võng đào ra, làm lễ xin được rước tượng đá về thờ.

Khi khiêng về đến đền “Ngự triều Di quy” bỗng nhiên tượng tuột xuống, không thể di chuyển được nữa. Dân làng thấy vậy liền lập Am thờ, ngày đêm hương khói và cho rằng tượng đá là hóa thân của công chúa Mỵ Châu trôi ngược sông về đất Cổ Loa để hầu cha như lời nguyện trước khi nàng chết.

 “Sau khi làm lễ thì rước đến đền, tượng đá tự nhảy ra ngoài, từ đó, không tài nào nhấc được lên. Cho rằng Mỵ Châu đã chọn nơi này để ngự, các vị chức sắc trong làng cho xây lên Am Mỵ Châu để thờ bà. Ngôi Am thờ này còn tồn tại đến tận ngày nay” - cụ Nguyễn Thị Mến (84 tuổi, người dân xã Cổ Loa) rành mạch kể từng chi tiết lạ kỳ về tảng đá trôi ngược sông.

Tảng đá trôi ngược sông biết tự lớn?

Am thờ công chúa Mỵ Châu, u tịch nằm dưới gốc đa cổ thụ với 3 gian, gian cuối là phòng “bà” ngự, có cửa khóa, chấn song con tiện bằng gỗ ken đủ để nhìn thấp thoáng hình người to lớn khoác xiêm y màu đỏ. Ngồi trong tư thế uy nghiêm, tỳ tay lên hai đầu gối, trên đầu treo mũ công chúa lơ lửng, có đính ngọc trai buông xuống. Mùi hương tỏa khắp một gian rộng sân Ngự triều di quy, nơi quan văn, võ thuở xưa làm việc.

Trải qua hàng nghìn năm, nhưng câu chuyện về tượng đá có khả năng tự lớn vẫn còn lưu truyền trong người dân Cổ Loa. Bức tượng đá mang hình thù bà Mỵ Châu nhỏ hơn bây giờ rất nhiều nhưng sau một thời gian, tượng đá đó cứ lớn dần lên. Lúc đầu người dân Cổ Loa rất phấn khởi nghĩ rằng đó là điềm may mắn, họ cho rằng công chúa đã được về hầu bên vua cha đúng với ý nguyện nên ngày một lớn thêm.

Nhưng sau này, họ lại lo lắng khi độ lớn của bức tượng sẽ khiến Am thờ nhỏ bé phải phá bỏ. Khi đó, một vị cụ từ đã làm lễ cầu xin bà thương cảnh dân còn nghèo, bức tượng đá giữ nguyên kích thước từ đó cho đến tận bây giờ.

Theo cụ Chu Trinh, người từng viết nhiều cuốn sách ghi lại các truyền thuyết được truyền tụng trong làng Cổ Loa thuật lại: Truyền thuyết xưa có truyền lại, nguyên thủy của pho tượng cụt đầu là một khối đá nguyên vẹn, có hình dáng của một người cụt đầu ngồi theo thế xếp bằng, hai tay song song, đặt lên đầu gối. Nhưng sau này các cụ cao niên trong làng Cổ Loa đã phát hiện ra pho tượng gồm ba khối đá ghép lại, trong lòng có chỗ bị rỗng. 

Am thờ công chúa Mỵ Châu được đặt bên trái đền Ngự triều Di quy
Am thờ công chúa Mỵ Châu được đặt bên trái đền Ngự triều Di quy

Cụ từ Nguyễn Văn Mịch cho biết: xưa thì tượng không khoác xiêm như hiện nay, chỉ là khối đá được đặt trong Am thờ. Khối đá có màu xám, ánh kim lấp lánh. Cách đây vài năm, người dân khắp nơi cung kính dâng lên những bộ xiêm y trang trọng, được thêu dệt bằng lụa tơ tằm.

Tới nay, bà có 10 bộ xiêm y lộng lẫy bằng lụa giá trị để thay vào mỗi dịp tắm rửa hằng năm. Mỗi chiếc áo đều mang một uy quyền của người con gái xinh đẹp dòng dõi cao sang. Đặc biệt, mỗi chiếc xiêm y của đều có kích cỡ lạ thường, mỗi chiếc là 50 thước vải may lớp kép.

Ngày xưa khách thập phương đến lễ tại am thờ đều được vào tận nơi quỳ lạy dưới chân tượng đá mà khấn xin. Người dân ở nơi đây cho rằng, vì “bà” đã có một cuộc tình ngang trái nên rất ứng nhiệm với những lời cầu khấn chuyện tình duyên. Rất nhiều đôi trai gái gặp trắc trở đã đến cầu xin “bà” và được toại nguyện. Không những thế, mỗi khi người dân bị ốm đau, họ cũng xin “bà” chữa bệnh.

Khi đặt chân lên mảnh đất cố đô trong tôi vẫn có cảm giác thật sự khác lạ với không gian thoáng đãng, không khí trong lành. Cổ Loa trước mắt như hiện thân cho hình ảnh của một làng quê Bắc bộ, với những bến nước sân đình, cây đa cổ thụ. Cuộc sống hiện đại với những nét văn hóa “lai căng” dường như chưa xâm lấn vào cuộc sống nơi đây.

Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng sinh thời cũng từng tìm hiểu về sự kỳ lạ của pho tượng Mỵ Châu và cho rằng, đây là một khối đá thiên tạo, thuộc dòng đá cuội, hệ đá granit, thường chỉ có ở vùng núi cao. Việc xuất hiện một tượng đá như thế ở vùng đồng bằng như Cổ Loa là một hiện tượng hiếm thấy. 

Hầu hết người dân quanh vùng Cổ Loa đều am tường về truyền thuyết thành Cổ Loa. Sức sống của truyền thuyết, lịch sử đi vào đời sống người dân là điều đáng mừng. Những giá trị truyền thống văn hóa hay những truyền thuyết về thời An Dương Vương cách ta hơn hai nghìn năm sẽ vẫn được lưu giữ bền lâu hơn trong lòng người dân qua những câu chuyện truyền thuyết kể lại.

Tảng đá từ đâu đến, liệu pho tượng đá trong Am thờ nàng Công chúa Mỵ Châu dưới gốc đa trong khuôn viên di tích Cổ Loa có phải là hiện thân của nàng công chúa hay không vẫn đang là vấn đề bỏ ngỏ. Song có một điều chắc chắn là, ở Am thờ Công chúa Mỵ Châu hiện tồn tại một tảng đá to với hình dáng người ngồi, bị mất đầu được đặt ở ngự cung, có cây hương và thân thể khoác xiêm y lộng lẫy, trên cổ đeo hạt ngọc trai óng ánh vẫn được người dân muôn phương tìm đến chiêm bái với lòng đầy cung kính.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.