Chuyện Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh mai mối cho người Chứt

Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh tặng quà chúc mừng đôi trẻ Thanh Xuân-Quốc Ánh trong ngày cưới
Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh tặng quà chúc mừng đôi trẻ Thanh Xuân-Quốc Ánh trong ngày cưới
(PLO) - Đời sống của người Chứt bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) hiện nay có nhiều thay đổi. Hệ thống đường giao thông, điện lưới được kiên cố hóa, những ngôi nhà khang trang mọc lên mang đậm dấu ấn những người lính mang quân hàm xanh. 

Tuy nhiên, ở Rào Tre vẫn còn văng vẳng đâu đây “lời ru buồn trên nương” do vấn nạn hôn nhân cận huyết thống mang lại. Cũng như “chuyến đò hòa nhập” gần 30 năm về trước, những người lính Biên phòng Hà Tĩnh lại lặng thầm vào cuộc...

Tật nguyền vì hôn nhân cận huyết

Sau 27 năm được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh giải cứu và tập trung nguồn lực xây dựng, bản Rào Tre hiện nay đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”. Đời sống của 41 hộ gia đình đồng bào dân tộc Chứt ngày một phát triển với cơ sở hạ tầng khang trang, trình độ dân trí và đời sống dân sinh không ngừng được cải thiện.

Sẽ là một cái kết “không gì vui hơn”, một phần thưởng xứng đáng dành cho những cống hiến đầy tình thương và trách nhiệm của người lính Biên phòng Hà Tĩnh, nếu như bản Rào Tre không phải đối mặt với nỗi đau nghẹn lòng mang tên “hôn nhân cận huyết thống”. Cậu, chú lấy cháu; con cô, con chú, con bác, con dì làm vợ làm chồng của nhau... Chính kiểu “bắt cá ao nhà” đã mang lại những tấn bi kịch chất chứa nỗi đau xé lòng, khiến cho không ít dòng họ trong cộng đồng người Chứt ở đây ngày càng trở nên... “què quặt”.

Để cải thiện nòi giống cho bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, chính quyền địa phương và BĐBP Hà Tĩnh đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, từng bước loại bỏ thói quen “cây nhà lá vườn” trong hôn nhân. Tuy nhiên, do trình độ dân trí thấp, đời sống sinh hoạt vẫn còn nhiều lạc hậu nên “sứ mệnh” này không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều.

Những ngôi nhà được BĐBP Hà Tĩnh xây dựng cho đồng bào Chứt ở Rào Tre
Những ngôi nhà được BĐBP Hà Tĩnh xây dựng cho đồng bào Chứt ở Rào Tre

Từ những năm 2000, BĐBP Hà Tĩnh đã thúc đẩy việc nâng cao dân trí cho bà con, đưa con em trong bản đến các trường học nội trú, bán trú trên địa bàn. Bởi chỉ khi có “con chữ” thì mới mong loại bỏ được những mối nguy cơ tụt hậu trong cộng đồng. Đặc biệt, năm 2005, thông qua sự vận động, đề xuất của Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh, Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội đã đặc cách nhận hai học sinh ưu tú nhất bản là Hồ Viết Kham vào học ngành hội họa và Hồ Thị Đỉnh Xuân vào học thanh nhạc hệ trung cấp 6 năm.

Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên kể: “Ngay sau khi bỏ học, quay trở về bản, Hồ Viết Kham nằng nặc đòi cha mẹ mang bó củi đến đặt ở nhà Hồ Thị Sanh để hỏi cô gái này làm vợ. Chuyện sẽ không có gì để nói, nếu hai người không có quan hệ máu mủ ruột rà với nhau. Kết quả là hai vợ chồng lần lượt sinh hai đứa con èo uột, dị tật và đều chết yểu khi mới vừa lên 5 tuổi. Thảm kịch gia đình khiến cho hai người không thể vượt qua, đành bỏ nhau...”.

Theo chân Thiếu tá Trần Xuân Hùng - cán bộ Đồn BP Bản Giàng và Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên, chúng tôi đến thăm gia đình “cậu lấy cháu” của anh Hồ Hải và chị Hồ Tường. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi chính là di ảnh của hai đứa trẻ đặt trên bàn thờ, cạnh đó là đứa nhỏ còi cọc khóc không ra tiếng. Bi kịch từ hôn nhân cận huyết thống không từ một ai.

Gần nhà Hồ Hải có đôi vợ chồng con anh lấy con em là Hồ Văn Hà và Hồ Thị Sâm. Họ cũng sinh được 3 đứa con đều phát triển không bình thường. Riêng đứa nhỏ nhất là Hồ Thị Trang (5 tuổi) khi sinh ra, cháu không có bàn chân nên suốt ngày tập tễnh bước thấp bước cao với đôi ủng. Trưởng bản Hồ Thị Kiên cho biết: “Tất cả những đứa trẻ sinh ra từ hôn nhân cận huyết thống đều không bình thường, trở thành gánh nặng của gia đình. Và điều đáng buồn là ở bản Rào Tre hiện có rất nhiều cặp vợ chồng như thế. Họ sinh ra những đứa trẻ tàn tật, kém phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ, ảnh hưởng xấu đến chất lượng giống nòi”.

Những cặp vợ chồng do BĐBP mai mối 

Chị Hồ Thị Đỉnh Xuân đang chăm sóc đứa con trai kháu khỉnh
Chị Hồ Thị Đỉnh Xuân đang chăm sóc đứa con trai kháu khỉnh

Chúng tôi đến nhà Lê Xuân Công và Hồ Thị Mai, hai vợ chồng được BĐBP Hà Tĩnh mai mối nên duyên năm 2015, nay đã cho ra “quả ngọt” là đứa bé trai kháu khỉnh gần 2 tuổi. Đôi vợ chồng Võ Quốc Anh và “ca sĩ” Hồ Thị Đỉnh Xuân cũng nên duyên với nhau nhờ sự “mai mối” của Đồn BP Bản Giàng. Sau khi tổ chức lễ cưới, đôi vợ chồng này được BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhà cửa, đất đai sản xuất nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Niềm hạnh phúc nhất của hai vợ chồng và cả Đồn BP Bản Giàng là Xuân đã sinh hạ cháu trai đầu lòng khỏe mạnh, kháu khỉnh.

Ngày 30/10/2015, tại Tổ công tác Rào Tre, Đồn BP Bản Giàng, BĐBP Hà Tĩnh đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể xã Hương Liên, huyện Hương Khê tổ chức thêm một đám cưới cho người dân tộc Chứt và người ngoại tộc. Đám cưới được tổ chức cho cô dâu là cô gái người Chứt Hồ Thị Thanh Xuân (ở bản Rào Tre) và chàng rể người Kinh Võ Quốc Ánh (ở xóm 1, xã Hương Liên, huyện Hương Khê). Hồ Thị Thanh Xuân là một trong những người có trình độ học vấn cao nhất tại bản Rào Tre.

Lễ nạp tài của Thanh Xuân-Quốc Ánh
Lễ nạp tài của Thanh Xuân-Quốc Ánh

Năm 2011, cô đã tốt nghiệp lớp Trung cấp Quản lý văn hóa miền núi, Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Từ năm 2014, qua nhiều lần gặp gỡ, giao lưu công tác đoàn tại bản Rào Tre, Thanh Xuân và Quốc Ánh đã nảy sinh tình cảm với nhau nhưng vấp phải sự phản đối từ gia đình. Nhận thấy tình cảm chân thành của đôi trai gái, cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Bản Giàng và chính quyền, Đoàn thể xã Hương Liên đã làm cầu nối thuyết phục gia đình, đứng ra tổ chức lễ cưới giúp hai em xây dựng tổ ấm.

Tại buổi lễ, Thanh Xuân và Quốc Ánh đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng 30 triệu đồng từ “Đề án bảo tồn, phát triển đồng bào dân tộc Chứt đến năm 2020” cùng nhiều phần quà ý nghĩa từ Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh, Đồn BP Bản Giàng, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh và chính quyền xã Hương Liên, huyện Hương Khê.

Đây là đám cưới thứ ba của các cô gái bản Rào Tre và người ngoại tộc, là tín hiệu vui, mở ra niềm hy vọng xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết thống tại bản Rào Tre.

Để đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết thống, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cơ sở vật chất, BĐBP Hà Tĩnh còn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu giữa thanh niên bản Rào Tre với người Kinh ở xã Hương Liên, thậm chí mời cả thanh niên 2 dân tộc Chứt và Mã Liềng ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình sang gặp gỡ giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Những hoạt động tích cực như thế này hy vọng sẽ làm nảy nở thêm nhiều mối tình đẹp, góp phần bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt, đưa bà con cập bến bờ hạnh phúc. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.