Cung Quảng Từ một nơi hoan lạc
Tuy lui về hậu cung nhưng Cảm Thánh vẫn đêm ngày tơ tưởng đến Đỗ Anh Vũ. Vốn là sau những lần gặp gỡ, Cảm Thánh đã bị vẻ ngoài tuấn tú của viên Thái úy trẻ tuổi chinh phục. Thêm nữa, cảnh “phòng không bóng chiếc” khi tuổi đời còn quá trẻ càng khiến Cảm Thánh không thể cưỡng lại tình cảm đối với Đỗ Anh Vũ.
Đỗ Anh Vũ cũng cảm thấy “rung rinh” trước sự kiều diễm của vị Thái hậu đang độ xuân thì. Dục vọng tương thông đã dẫn hai người đến chỗ bại luân. Lấy cớ thăm hỏi Đỗ Thái hậu, Đỗ Anh Vũ ra vào hậu cung nhiều hơn và dành phần lớn thời gian ở cung của Cảm Thánh. Hai con người này đã bất chấp thân phận, đạo lí cùng phép tắc triều đình để tư tình với nhau. Đỗ Thái hậu thì nhu nhược còn Lý Anh Tông đang tuổi thơ dại nên Cảm Thánh – Đỗ Anh Vũ cứ công nhiên đến với nhau chẳng chút sợ hãi.
Tuy nhiên, chuyện gian díu của họ chẳng thể tránh khỏi những tiếng xì xào nơi hậu cung. Vì vậy, Cảm Thánh đã xin Lý Anh Tông cho dựng một tòa cung điện tách biệt với hậu cung để tiện bề qua lại với Đỗ Anh Vũ. Lý Anh Tông nhỏ tuổi chẳng nghĩ được gì, liền truyền lệnh xây ngay cung điện cho mẫu hậu. Cung điện ấy được gọi là Quảng Từ, khởi công vào cuối năm 1145, đến tháng 10 năm 1148 thì hoàn thành.
Quảng Từ Cung đã dựng, Cảm Thánh cùng Đỗ Anh Vũ tha hồ chìm đắm trong hoan lạc, đúng như sách “Việt sử tiêu án” mô tả: “Cung Quảng Từ làm rất xa xỉ đẹp đẽ, (Cảm Thánh) ngày đêm ăn nằm với Anh Vũ mà vua không biết”. Sau khi Cảm Thánh trở thành chủ nhân tối cao của hậu cung, những “lời ong tiếng ve” theo đó cũng thưa dần. Đỗ Anh Vũ thì thay vua quản việc nước, trăm quan chẳng ai dám làm phật lòng. Chuyện tình của cặp đôi này do đó càng lúc càng được công khai, dẫu có người biết cũng chẳng hề gì.
Dung túng tình nhân khuynh loát triều chính
Là Thái úy phụ chính, thay Hoàng đế điều khiển triều chính, lại có chỗ dựa vô cùng vững chãi từ phía người tình là Thái hậu đương kim, Đỗ Anh Vũ được thể tha hồ lộng hành. Sách “Đại Việt sử lược” cho biết, Đỗ Anh Vũ “kiêu căng bừa bãi, ở chốn triều đình thì giơ tay thét lớn, sai khiến quan lại chỉ nhếch mép ra hiệu, mọi người đều lấm lét không dám nói”.
Hành vi tư thông làm bại hoại luân lí cùng thái độ ngang ngược của Đỗ Anh Vũ khiến các triều thần vô cùng bất bình. Trong số họ, có bảy người đã hội họp bàn tính kế sách diệt trừ Đỗ Anh Vũ. Bảy người ấy là: Điện Tiền Đô Chỉ Huy Sứ Vũ Đái, Quảng Vũ Đô Hỏa Đầu Lương Thượng Cá, Ngọc Giai Đô Hỏa Đầu Đồng Lợi, Nội Thị Đỗ Ất, Trí Minh Vương, Bảo Ninh Hầu và Phò Mã Lang Dương Tự Minh.
Tháng 9 năm 1150, nhóm người Vũ Đái bắt đầu hành động. Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” thuật rằng: “Bọn Đái đem quân lính đến ngoài cửa Việt Thành hô to lên rằng: “Anh Vũ ra vào cấm đình, làm bừa tội ác ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau”. Có chiếu sai cấm quân đến bắt Anh Vũ giam ở chái Tả Hưng Thánh, giao cho Đình Úy xét việc”.
Đang khi Đỗ Anh Vũ còn bị giam, chưa được nghị tội thì Cảm Thánh Thái hậu đã nhận được tin dữ. Cảm Thánh chẳng cần phân biệt đúng sai, chỉ nghĩ cách mau mau cứu lấy tính mạng Đỗ Anh Vũ. Cảm Thánh sai người đem cơm rượu cho Đỗ Anh Vũ nhưng thực chất là nhằm đút lót vàng bạc cho Vũ Đái cùng những người canh giữ. Vũ Đái có quyết tâm diệt trừ cường thần nhưng không đủ bản lĩnh thoát khỏi sự cám dỗ của đồng tiền nên đã nhận của đút lót và nới lỏng canh gác cũng như không nghĩ đến việc giết chết Đỗ Anh Vũ nữa. Vũ Đái chỉ nghĩ đến việc giam giữ rồi giao Đỗ Anh Vũ cho triều đình xét xử là kể như đã xong nhiệm vụ.
Bản phác thảo mô hình kiến trúc một cung điện trong Hoàng thành Thăng Long thời Lý |
Bằng việc hối lộ Vũ Đái, Cảm Thánh bước đầu thành công và giữ được mạng sống cho Đỗ Anh Vũ. Một khi đưa Đỗ Anh Vũ ra triều đình luận tội, Cảm Thánh sẽ có nhiều thời gian để gây ảnh hưởng đến Lý Anh Tông và triều thần, khiến những người này nới tay xử nhẹ với Đỗ Anh Vũ. Để rồi sau đó, Cảm Thánh sẽ dần dần nghĩ cách phục chức cho nhân tình.
Quả nhiên, những diễn biến về sau đã diễn ra theo như dự liệu của Cảm Thánh. Lý Anh Tông không xử tử mà chỉ lột hết chức tước và đày Đỗ Anh Vũ làm Cảo Điền Nhi (tức là nô lệ làm nhiệm vụ cày cấy cho nhà nước). Còn đám người Vũ Đái thì không được luận công ban thưởng một chút nào, tiếp tục giữ quan chức như trước.
Kể từ sau khi Đỗ Anh Vũ trở thành Cảo Điền Nhi, trong vòng mấy tháng còn lại của năm 1150, Cảm Thánh đã không tiếc công tiếc của, nhiều lần mở đại hội để nhân đó xá tội cho tội nhân. Những người được xá tội tất nhiên có Đỗ Anh Vũ. Qua vài lần như thế, tội danh của Đỗ Anh Vũ hoàn toàn được rửa sạch. Cảm Thánh tiếp tục mượn tay Hoàng đế Lý Anh Tông để tiến phong Đỗ Anh Vũ làm Thái úy phụ chính.
Qua việc Đỗ Anh Vũ được khôi phục chức vị, cả triều đình đã được chứng kiến quyền uy và thủ đoạn của Cảm Thánh. Tuy lui về hậu cung nhưng khi cần thiết, Cảm Thánh vẫn có thể can thiệp hiệu quả vào chuyện triều chính. Sau khi Đỗ Anh Vũ trở về, Cảm Thánh càng tin yêu và dung túng hắn hơn. Đỗ Anh Vũ từ đó mặc sức khuynh loát triều đình, tiến hành trả thù rửa hận và ra sức thâu tóm quyền lực.
Đỗ Anh Vũ mật tâu với Lý Anh Tông rằng bọn Vũ Đái trước kia tự tiện đem quân vào cung đình, nếu không trừ đi sợ sau này chúng sẽ sinh biến không quản chế nổi. Lý Anh Tông nghe theo. Các phạm nhân được Đỗ Anh Vũ tuyên án nhanh chóng.
Bốn người Vũ Đái, Lương Thượng Cá, Đồng Lợi, Đỗ Ất cùng thuộc hạ bị giết chết theo những cách khác nhau; hai người Trí Minh Vương, Bảo Ninh Hầu vì là tôn thất nên chỉ bị hạ tước phong xuống một bậc; còn Dương Tự Minh và những người thân tín đều bị đày đi xa.
Đỗ Anh Vũ còn mớm lời cho Lý Anh Tông ban xuống hai chiếu chỉ: cấm hoạn quan không được tự tiện vào cung cấm và các quan trong triều không được đi lại nhà các vương hầu, ở trong triều cũng không được túm năm tụm ba bàn luận chuyện triều đình. Với hai lệnh cấm trên, Đỗ Anh Vũ có thể ngăn chặn được những âm mưu và hành vi chống đối hắn của triều thần, qua đó mặc sức thao túng triều đình. Kể từ đó, Đỗ Anh Vũ một tay che trời, tha hồ tác oai tác phúc.
Sau 8 năm trở lại chức vị, năm 1158, Đỗ Anh Vũ chết, hưởng dương 46 tuổi. Cái chết của Đỗ Anh Vũ đối với Cảm Thánh là một mất mát không sao bù đắp được. Ba năm sau, Cảm Thánh cũng quy tiên, khép lại hơn 20 năm ở ngôi Hoàng Thái Hậu, cũng là quãng thời gian đầy biến động dưới thời Lý Anh Tông.
Cuộc đời của Cảm Thánh là cuộc đời của một con người có tham vọng và dục vọng vô cùng lớn. Ngay từ khi nhập cung, Cảm Thánh đã không ngừng tính kế bày mưu, từng bước thi hành mọi biện pháp để đạt mục đích. Con người này là tác giả chính của màn lấy nhỏ thay lớn, cướp ngôi cho Lý Thiên Tộ. Con người này là người ra tay loại bỏ mọi lực lượng chống đối để bảo vệ ngôi vị của bản thân và con trai.
Khi đã ở đỉnh cao quyền lực, cũng chính con người này, vì muốn thỏa mãn dục vọng đã không màng đến thị phi để cùng Đỗ Anh Vũ chìm trong dâm lạc và không ngần ngại che lưng giúp sức cho Đỗ Anh Vũ hoành hành nơi triều đình. Cuộc đời của Cảm Thánh kết thúc cách đây đã gần 9 thế kỉ nhưng “tiếng xấu ngàn năm” mà Cảm Thánh để lại thì vẫn lưu truyền trong sử sách chưa thể phai mờ…/.