Chúng tôi về với Ch’ơm một buổi bình minh, mưa bay lất phất, ánh nắng leo lắt, gió lạnh hiu hiu, thật tuyệt vời với không gian mênh mông, đồi núi cheo leo, đường xá ngoằn ngoèo nhưng rất thơ mộng, khắc nghiệt nơi vùng giáp ranh biên giới Việt - Lào.
Ch’ơm là một trong 10 xã xa xôi nhất của huyện Tây Giang, những năm trước đây mỗi khi các đoàn công tác muốn đến nơi đây phải mất gần một ngày đường, nhưng giờ đây nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, tỉnh, các thành phần kinh tế khác, huyện Tây Giang đã huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm và quan tâm nhiều đến công tác giáo dục, nâng cao đời sống đồng bào Cơtu tại địa phương.
Đường về Ch.om. |
Nhân dịp này bà con các thôn của xã Ch’ơm được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí và được nghe tuyên truyền những nội dung cơ bản Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và một số nội dung liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân thôn nóc tại địa phương. Ch’ơm là xã chúng tôi thường xuyên đến đây bình quân mỗi năm ít nhất hai lần để đem cái hay, cái mới của pháp luật về với bà con.
Sau gần 9 năm thực hiện Chương trình 135, huyện đã hoàn thiện hệ thống giao thông về các xã vùng cao như Tr'hy, Axan, Gari và Ch'ơm... Từ khi có đường giao thông, cuộc sống của người dân vùng cao biên giới có nhiều thay đổi, kinh tế bắt đầu khởi sắc. Nhiều xã đã chủ động xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp, rồi vận động nhân dân làm theo.
Nổi bật là các mô hình nông - lâm kết hợp, làm kinh tế VAC và thâm canh lúa nước, sản xuất lúa giống Xi 30 ở các xã Lăng, Atiêng, Bhalêê... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đồng bào C'tu đã từng bước định canh, định cư phát triển diện tích lúa nước. Kinh tế phát triển là động lực để Tây Giang tập trung đầu tư phát triển văn hóa, xã hội như thực hiện kiên cố hóa trường học ở các thôn; xây dựng hàng chục trạm y tế, trạm quân dân y, nhà văn hóa; các trạm truyền thanh không dây, lắp đặt hệ thống truyền hình DTH tại các thôn phục vụ nhu cầu thông tin cho bà con nhân dân, khôi phục lại Gươl nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa C'tu. Bên cạnh, điện lưới quốc gia cũng đã đến được 05/10 xã; 05 xã khó khăn nhất được huyện hỗ trợ máy thủy luân để phát điện.
Ông Briu Hồ -Phó Chủ tịch xã Ch’ơm phát biểu trong đợt TGPL |
Anh Ta Ngôn Nhuông, thôn trưởng thôn Re’h, xã Ch’ơm tâm sự: “đời sống bà con đã khá hơn nhiều từ khi có chủ trương phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước”.
Ông Briu Hồ, Chủ tịch UBND xã Ch’ơm chia sẻ: “Toàn xã có 8 thôn, với 1.664 nhân khẩu, còn lại 277 hộ nghèo, xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, đạt phổ cập giáo dục; thời gian tới chính quyền địa phương tiếp tục đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư hỗ trợ cây trồng loại cây táo mèo, bời lơi, thảo quả… để phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình cho bà con”.
Ch’ơm ngày mới đang bắt đầu trên khắp các thôn nóc, dân làng đang háo hức vui mừng về sự đổi thay, vươn lên từ một xã nghèo vùng biên giới để quyết tâm xây dựng một xã điểm mang đậm nét nông thôn mới vùng cao miền núi Quảng Nam trong thời gian tới.
Trợ giúp pháp lý tại xã Ch’ơm |
Hy vọng thời cơ, thách thức là điều kiện, là động lực thúc đẩy Ch’om phát triển bền vững, giàu mạnh. Không khí sắc xuân đang về nơi đại ngàn bao la của núi rừng Tây Giang.