Quyết định cất bằng thạc sĩ…
Tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin (CNTT) của Trường Đại học Bacskiria (Nga), sau đó tiếp tục tu nghiệp thạc sĩ trong nước nhưng Nguyễn Văn Phúc (30 tuổi, ở Hiệu Chân, Sóc Sơn, Hà Nội) làm giàu hoàn toàn từ ngành nghề chả liên quan gì đến chuyên môn anh được đào tạo.
Kể lại câu chuyện những ngày đầu về nước, quyết định bỏ một công ty liên doanh với nước ngoài để về nhà nuôi chim, Phúc bảo có cảm giác như cái nhìn của người dân quê với mình khang khác, bởi Phúc cũng có tiếng đi du học ở Nga. Nhưng mặc kệ lời ra tiếng vào, Phúc vẫn quyết tâm ở nhà gây dựng sự nghiệp của riêng mình. Ban đầu chàng trai sinh năm 1987 mở quán net với 40 máy, thu nhập khá ổn định.
Cảm thấy nhàm chán với công việc quản lý đống máy tính, Phúc lân la phụ bố nuôi khoảng gần trăm con chim bồ câu, cho đỡ “nhàn cư vi bất thiện, các cụ vẫn nói thế” - Phúc giải thích về cơ duyên đến với nghề nuôi chim của mình. Làm cùng bố 2-3 tháng Phúc thấy đây là một cơ hội làm ăn tốt nếu chịu khó đầu tư, anh quyết định thêm vốn cùng bố làm ăn.
Những tưởng sẽ được gia đình ủng hộ nhưng Phúc không ngờ bố mẹ lại tức giận như thế khi anh ngỏ lời “muốn nuôi chim”. Phúc kể: “Mẹ em không nhìn mặt em mấy ngày. Bà đánh tiếng đã mất bao nhiêu tiền bạc vào chuyện học hành, không thể vứt cái bằng đại học ấy để làm việc tay chân được, bà làm sao nhìn mặt bà con lối xóm, nhưng em vẫn quyết tâm làm”. Còn bao nhiêu vốn liếng, Phúc lấy hết ra, mua thêm con giống, cùng bố ngày đêm chăm sóc cho đàn chim của mình.
Kế thừa mô hình kinh doanh nuôi chim bồ câu của gia đình, Phúc không xây dựng theo cách truyền thống cha mẹ vẫn làm mà chọn lối đi riêng. Anh mạnh dạn vay vốn đầu tư chim giống, chuồng trại, thức ăn và thuốc men, mở rộng quy mô chuồng trại. Nhưng ông trời như muốn thử thách chàng trai trẻ, chưa đầy 2 tháng sau khi đầu tư, đàn chim bồ câu đột ngột đổ bệnh, chết hàng loạt, bỗng chốc Phúc trở thành trắng tay.
Quay trở lại chuyên tâm cho quán net, thoát khỏi hẳn công việc chăn nuôi chim đã quen thuộc trong bao ngày tháng, Phúc suy nghĩ rất nhiều về mình, về hướng đi tương lai của mình. Đã có lúc Phúc nghĩ sẽ quay lại với CNTT, sẽ lại đi làm thuê, góp vốn để mở một cửa hàng máy tính. Nói ý định với bố mẹ, thật không ngờ ông bà lại gạt đi vì sợ con “cả thèm chóng chán” thì cả đời sẽ loay hoay với công việc.
Liều lĩnh vay mượn bạn bè, rồi mày mò tìm kiếm các kỹ thuật nuôi... và định hướng rõ ràng cho công việc và đam mê của mình. Quyết theo đuổi đến cùng công việc gắn bó với những con chim, Phúc tăng cường trao dồi kỹ thuật, tìm kiếm các giống chim mới, đặc biệt là bồ câu, loại chim có giá trị cao về mặt thương phẩm. Mặt khác Phúc sưu tầm chim cu gáy ở khắp nơi, vừa để thỏa sở thích đam mê, vừa để tìm ra những giống chim quý và biến nó thành một “sản phẩm” kinh doanh thu nhập cao.
… để dạy chim hót
Phúc cho biết khi anh phát hiện ra giá trị rất lớn của chim cu gáy bắt nguồn từ tiếng hót của nó nên anh đã quyết định “luyện thanh” cho những chú chim cu gáy mà anh có. Phúc lần mò trên internet tìm kiếm cách dạy chim hót. Biết cách dạy rồi Phúc lại loay hoay trong khâu lựa chọn giống và tìm kiếm âm sắc của chim cu gáy, bởi chim cu gáy thường có nhiều âm sắc. Lại thêm một khó khăn nữa xuất phát từ đặc tính nhút nhát của chim cu gáy nên Phúc gặp nhiều khó khăn trong việc dạy chim hót.
Thông thường, anh để mọi người đi làm hết, chọn thời điểm thật yên tĩnh rồi đến khu chăn nuôi để bắt đầu công việc huấn luyện của mình. Trước mỗi lần dạy, Phúc thường lên mạng tìm kiếm giọng hót hay của những con chim cu gáy, sau đó anh phân loại các giọng hót đó. Phúc cho biết, giọng chim cu gáy liều bổ ba là khó tìm nhất, vì giọng này rất ít, giai điệu của nó thường là: Cúc cú cu, cu cu cu… nhiều người thường gọi là “kim bất hoán”, tức là mang vàng ra đổi cũng không được.
Dạy cũng phải có nghề. Với những chú chim non, anh sẽ cho chúng nghe những giai điều đầu tiên để “mở giọng”, đó là giọng trơn, sau đó chúng sẽ được nghe những giọng khác vào những tháng tiếp theo, tùy vào khả năng “thẩm âm” của từng con. Để giọng hót của chim cu không bị “tạp”, Phúc thường nhốt riêng từng loại và cho chúng nghe tiếng hót của những chú chim “máy tính” khác nhau.
Ngoài việc nhốt riêng, việc tìm các loại tiếng hót phù hợp với chất giọng, hình dáng từng con cũng khiến Phúc mất nhiều thời gian. Đã vậy, Phúc còn phải quan tâm đến cả chế độ ăn riêng cho từng con. Có nhiều con sẽ ăn thêm hoa quả, vừa ăn vừa luyện thanh. Nhưng cũng có con phải dạy xong mới cho chúng ăn. Đó được coi như là một phần thưởng cho sự luyện tập chăm chỉ và để “dụ” chúng hót. Để mỗi một con chim có được giọng hót hay, ổn định thường phải mất ít nhất là một năm huấn luyện trở lên”, Phúc chia sẻ.
Có những “ngón nghề” mà phải quan sát rất kỹ Phúc mới nhận ra được, đó là tính cách “ganh tị” cũng xuất hiện ở những chú chim cu gáy. Do đó, Phúc thường đánh vào tính sĩ diện của chúng bằng cách cho chúng nghe những âm thanh hót hay hơn, nhiều hơn tiếng hót của những chú chim trong lồng. Chỉ khi nghe được những tiếng hót hơn hẳn mình, chim cu gáy mới chăm chỉ… luyện thanh. Bằng cách này Phúc đã có được những chú chim cu gáy bán được giá rất tốt.
Bởi theo chúng tôi tìm hiểu, chim cu gáy ta giống có giá 600.000- 900.000 đồng, có những con hót được giọng khó có giá gần 2 triệu/con. Tuy nhiên, Phúc cho biết, có rất nhiều con cu gáy có giọng tốt được anh bán với giá gần 20 triệu đồng/ con. Đó là phần thưởng trả cho Phúc, chàng trai dám bỏ bằng thạc sĩ để gắn bó với những chú chim, quyết tâm làm giàu tại quê hương.