Như PLVN đã có loạt bài phản ánh, cụ Lê Thị Phương Mai (SN 1942, chủ Doanh nghiệp tư nhân Thuận An 2), từng có hàng trăm ngàn m2 đất tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Năm 2015, diện tích trên bị địa phương cưỡng chế thu hồi giao Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ Đồng Nai (Dona Coop) khai thác mỏ đá, dù doanh nghiệp của cụ chưa nhận một xu bồi thường. Theo cụ Mai, quá trình tính toán bồi thường, thu hồi cưỡng chế vi phạm nhiều quy định Luật Đất đai, đẩy cụ và doanh nghiệp vào tình thế trắng tay.
Không kiểm đếm, không vận động thuyết phục
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích, trong dự án mỏ đá Tân Cang, cơ quan chức năng phải áp dụng các quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ “quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”.
Thế nhưng rất nhiều quy trình, thủ tục mà luật yêu cầu đã bị bỏ qua. Dù ngày 27/8/2007, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 6773/UBND-CNN do Phó Chủ tịch tỉnh khi đó là ông Ao Văn Thinh ký, yêu cầu Dona Coop phải “tự thỏa thuận” với người có đất nếu muốn lấy đất lập mỏ khai thác đá.
Tuy nhiên, theo gia đình cụ Mai, chỉ đạo này chỉ nằm trên giấy, khi Dona Coop thỏa thuận kiểu “trớt quớt”, mặc cả giá rất rẻ để dân không đồng tình, sau đó đợi hết thời hạn 180 ngày thì tuyên bố “không thể thỏa thuận”.
Về các khoản bồi thường, cơ quan chức năng đã tính thiếu rất nhiều khoản. Trong văn bản gửi đến tay người mất đất, chỉ thể hiện một số khoản như bồi thường đất nông nghiệp (và khoản tiền này rất thấp so với giá thị trường).
Còn các khoản hỗ trợ di chuyển chỗ ở, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, hỗ trợ cho hộ sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm… thì bị cắt xén. Lý do, như PLVN đã chỉ ra, cơ quan chức năng dùng “tiểu xảo” để cho rằng cụ Mai “không là nông dân” để cắt xén hàng chục tỷ.
32 ngàn gốc cây lớn nhỏ được Biên Hòa tính toán bồi thường 184 triệu đồng. |
Vụ việc còn lập một “kỷ lục vô lý” khác về giá bồi thường rẻ mạt với cây trồng và vật kiến trúc. Công sức cả gia đình và doanh nghiệp nhiều năm trồng cây gây rừng lập trang trại, khu du lịch sinh thái, phủ xanh hàng chục ha cây cối, được tính giá 184 triệu đồng, theo bảng tính toán do UBND TP Biên Hòa đưa ra ngày 17/10/2011. Tiền bạc chắt chiu xây dựng nhà ở trị giá nhiều tỷ được UBND TP Biên Hòa định giá 634 triệu, vẫn theo văn bản trên.
Ông Huỳnh Ngọc Ngà (SN 1964, con trai cụ Mai) nhẩm tính: “Mười một ha đất nhà tôi phủ kín tràm. Mỗi ha trồng ban đầu khoảng 3.200 cây, cứ tính rơi rụng thoải mái đi còn 2.800 cây, riêng số tràm đã lên tới hơn 30 ngàn cây từ 2 - 5 năm tuổi.
Chưa kể khoảng 300 cây xà cừ 30 năm tuổi, cả trăm cây sao khác, riêng số tiền cây cối nhà tôi đã trị giá ít nhất 4 tỷ. Mồ hôi, nước mắt, xương máu trồng cây hàng chục năm, vậy mà họ tính ra giá trị chưa tới 6.000 đồng/cây”.
Vì sao lại có sự áp giá cực kỳ vô lý trên, theo gia đình cụ Mai, cơ quan chức năng chưa bao giờ tới kiểm đếm tài sản, nhà ở, công trình, hoa màu… vì vậy mới đưa ra những con số “kỷ lục vô lý” như trên. Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (SN 1960, con gái cụ Mai) trăn trở: “Họ áp dụng Luật Đất đai kiểu gì mà kỳ cục vậy? Họ thù hằn gì gia đình tôi mà ức hiếp vậy?”.
Chưa hết, theo quy định Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, trước khi cưỡng chế thu hồi, phải vận động thuyết phục người mất đất. Cụ Mai hơn 70 tuổi, sau bao năm khiếu nại, bao năm thất vọng với môi trường đầu tư tại địa phương, bệnh tim ngày càng nặng, thường phải nằm một chỗ theo dõi bệnh tình. Thế nhưng vin vào cớ cụ không tham dự hai cuộc họp vận động vào ngày 27/8/2014 và ngày 23/1/2015, địa phương đã cho rằng đã hoàn tất khâu vận động bàn giao mặt bằng.
Thêm một chi tiết khác, chứng tỏ cán bộ thực thi thực hiện không đúng tinh thần Luật Đất đai, mà chỉ làm cho có lệ, thậm chí làm kiểu chống đối. Đó là việc thực hiện các thủ tục trước khi cưỡng chế thu hồi đất.
Ngày 16/1/2015 Biên Hòa ra văn bản cưỡng chế, cho rằng “đã lập biên bản tống đạt cho cụ Mai nhưng cụ Mai từ chối không nhận”. Ngày 19/1/2015 xã Phước Tân lập biên bản niêm yết tại văn phòng ấp. Ngày 21/1/2015 Ban cưỡng chế ban hành thông báo cưỡng chế. Ngày 28/1/2015 đập nhà.
Luật sư Hiệp chỉ ra sai phạm của chính quyền địa phương: “Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định một trong những thủ tục quan trọng nhất trước khi cưỡng chế, đó là vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế.
Địa phương đã không thực hiện điều này, chưa nói đối tượng bị cưỡng chế ở đây là bà cụ tuổi già sức yếu, bao năm tâm tư ẩn ức vì không được quyền kinh doanh đầu tư, đang khiếu nại quyết định thu hồi đất. Vì vậy, Biên Hòa không thể nói “đã thực hiện đúng quy trình thủ tục trước khi cưỡng chế” với cụ Mai”.
Cuộc cưỡng chế ngày giáp Tết
Thiệt hại của doanh nghiệp cụ Mai trong cuộc bị cưỡng chế còn lớn hơn nhiều những con số như trên. Sau khi bị áp giá rẻ mạt, cụ vẫn tin rằng địa phương làm sai thì đã có cấp tỉnh, cấp Trung ương can thiệp, các quyết định sai trái sẽ được sửa sai. Thế nên cụ vẫn xoay hướng, đầu tư chuồng trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn Công ty CP đưa ra, tốn khoảng 5 tỷ.
Sớm ngày 28/01/2015, tức mùng 9 tháng Chạp, khi Tết Nguyên đán đang cận kề, lực lượng cưỡng chế xuất hiện, phong toả hiện trường, huy động máy móc san bằng tất cả. Cụ Mai gục xuống, cứ nghĩ quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/1-15/4/2015. Nhưng chính quyền không chờ qua Tết.
Ông Ngà kể lại: “Thủ tục không đầy đủ, văn bản không đầy đủ, nhưng khi cưỡng chế thì họ đến đầy đủ. Ủy ban xã, Công an xã, Ủy ban TP, Công an TP, Cảnh sát cơ động, phòng cháy chữa cháy, xe cứu thương, xe cuốc. Xe cuốc lầm lũi tiến vào bửa nhà. Bửa xong xe tải vào hốt đồ đi, từ cái bình thủy, ấm nước họ rinh sạch, cái bồn nước cũng lấy. Dứt khoát không cho tụi tôi vào lấy đồ ra. Tiền ở trong nhà mua cám cho gà, họ lấy luôn”.
Vẫn lời ông Ngà: “Họ cuốc hết. Đập bỏ hết. Bàn thờ cũng đập. Họ không cho ai vào lấy dù chỉ một bộ đồ. Mà gần Tết, trời se lạnh”. Hơn 3.000 con gà, hàng chục tấn cá, mấy bầy heo… dự định những ngày cuối tháng Chạp sẽ xuất chuồng, không vớt vát lại được một con.
Nhìn cần cuốc bổ xuống căn nhà cả đời người kỷ niệm, các nhân viên công lực lùa vật nuôi, ném đồ dùng lên xe chở đi, ông Ngà kể như đứt từng đoạn ruột. Sản nghiệp 40 năm tạo dựng bị thẳng tay san ủi trước mắt, cụ Mai tuyệt vọng quỵ xuống. Lo sợ mẹ không qua nổi, bà Ngọc Anh nuốt nước mắt, xốc mẹ đưa đi cấp cứu tại Viện Tim (quận 10, TP HCM), mà phản ánh còn bị lực lượng cưỡng chế ngăn cản.
Theo lời kể, sau cuộc đập phá tan hoang, xuất hiện nhóm hàng chục người xăm trổ đầy mình tới ăn ngủ luôn tại chỗ. Mục đích của nhóm trên, theo ông Ngà, là ngăn chặn gia đình lượm nhặt chút đồ đạc còn sót lại: “Lúc đó tôi tính vô bắt ít gà đoàn cưỡng chế bỏ sót lấy tiền xài Tết. Đồ đạc vẫn còn một ít, ao còn cá nên tính vô “gỡ gạc” chừng nào hay chừng đó. Nhưng nhóm giang hồ ngăn. Chúng bắt gà ăn hết. Ao cá chúng kéo lên bán sạch”.
Ông Ngà viết đơn khiếu nại: “Tại sao heo gà gia đình tui, mấy anh lấy không trả? Đồ đạc của tui mấy anh đem đi đâu? Người nhận đơn bảo đồ đạc mang về kho của Dona Coop trong xã Long Hưng. Trời đất, chính quyền cưỡng chế nhưng tại sao lại mang về kho Dona Coop?”.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh (con gái cụ Mai) kể: “Sớm đó tôi đang ngồi trong nhà, họ xông vào giở cần cuốc bửa luôn, cả nhà lật đật tháo thân giữ mạng. Lúc lao ra chỉ có đúng bộ quần áo trên người. Vừa ra là họ cuốc bờ hết xung quanh nhà, không cho ai vào nữa”.
Tiếc của, bà Hạnh vừa khóc vừa năn nỉ đoàn cưỡng chế để cho thu hoạch xong nhưng bị đẩy ra. “Cưỡng chế xong tôi lên xã hỏi, họ bảo: “Gà bắt cho người ta hết rồi, cá cũng vớt cho người ta hết, heo thì lùa chạy. Biết đâu mà tìm?”.
Không nhà, không cửa, không cái ăn, cái mặc. Cưỡng chế xong, không còn chỗ che thân, gia đình tứ tán, có người con cụ Ngà phải ra một góc đất còn lại, kiếm miếng bạt che thành cái lều tá túc. Năm đó họ đón Tết dưới tấm bạt góc vườn.
Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.