Từ “đại gia” hóa “tiều phu” đốt than
Trưa nắng chang chang, ông Huỳnh Văn Ngà (SN 1964) vừa dò dẫm chạy chiếc xe máy cà tàng trên con đường bị xe ben cày nát chỉ còn trơ đá hộc và ổ voi, vừa chỉ tay sang những vực sâu khổng lồ bên đường tiếc nuối: “Nhà tôi xưa ở khu đó. Trại heo khu này. Trại gà chỗ kia…”.
Gia đình ông hơn 10 năm trước từng là “đại gia” trong vùng, khi có tới gần 20 ha đất, lập doanh nghiệp kinh doanh du lịch sinh thái, mở trại heo, trại gà, trồng nhiều loại cây ăn trái, còn có cả một đội xe ben chuyên phục vụ san lấp mặt bằng.
Rồi trên mảnh đất gia đình đã hơn 40 năm gắn bó, phát hiện có đá xây dựng. Cả khu vực 400 ha được quy hoạch thành mỏ đá lớn bậc nhất Đồng Nai. Gia đình ông xin được cấp phép khai thác đá như những doanh nghiệp tư nhân khác.
Đồng Nai ban đầu ra chủ trương đồng ý, sau đó thay đổi, thu hồi hơn 10 ha đất nhà ông giao Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop). Gia đình không đồng ý với giá “thỏa thuận” bồi thường quá rẻ so với thị trường. Bất chấp việc chưa chi trả một xu đền bù, địa phương và Dona Coop cưỡng chế, đập nhà, bắt gà heo...
Từ một doanh nghiệp tư nhân có tiếng ở địa phương, sau một đêm gia đình hóa tay trắng. Khu đất khoảng 5 ha còn lại, bị bao vây bởi bốn bề mỏ đá, mù mịt bụi bặm, đinh tai nhức óc tiếng nổ mìn và tiếng xe ben chạy suốt ngày đêm, không nguồn nước, đến cây rừng cũng không lớn nổi. Ông dựng tạm túp lều, chuyển nghề đốt than kiếm kế sinh nhai.
Trên mảnh rừng còn lại, ông Ngà dựng lều ở, đắp lò đốt than mưu sinh |
Cách Tân Cang khoảng 50km, tại Viện Tim TP HCM (phường 12, Quận 10, TP HCM), những ngày này cụ Lê Thị Phương Mai (SN 1942, mẹ ông Ngà) khi nằm thiêm thiếp, khi trầm tư. Từ ngày gia đình bị cưỡng chế lấy đất giao Dona Coop làm mỏ đá, cụ Mai uất ức sinh bệnh, căn bệnh tim ngày càng nặng, tháng 30 ngày có khi quá nửa thời gian nằm viện.
Khát vọng “Thuận An”
Cụ Mai là một trong những người đầu tiên thực hiện chủ trương kinh tế mới của Nhà nước, từ TP HCM về Tân Cang khai hoang vào năm 1975. Người phụ nữ góa chồng nuôi đàn con 10 đứa, dạy từng đứa cách trỉa hạt trồng bắp, cách bẫy thú rừng làm thức ăn qua ngày.
Tân Cang ngày ấy hoang vu, đường sá cách trở, ngày mưa nước lũ ào về ngập lối, mỗi khi mẹ đi chợ về đàn con phải ghép bè chờ sẵn đẩy mẹ qua con suối ngập cho khỏi ướt bì gạo đội trên đầu.
Trời không phụ lòng người chăm chỉ, đàn con dần khôn lớn, cụ Mai kể chắt chiu được đồng nào lại mua đất của những người hàng xóm, đất cứ ngày càng rộng ra. Có điều đất Tân Cang thuộc dạng khó canh tác.
Theo khảo sát của Sở Công nghiệp Đồng Nai năm 2011 về khu đất nhà cụ Mai: “Diện tích khu vực là đất lâm nghiệp do chủ đất khai phá trồng rừng và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện trạng khu vực là rừng trồng… Địa hình mặt đất có dạng đồi, độ chênh cao so với xung quanh khoảng 5-7m, đất lẫn nhiều sỏi đá”.
Con đông, người mẹ phải tính xa, quyết định lập Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thuận An II, dự định cải tạo đất, trồng cây, xây khu du lịch – sinh thái trên mảnh đất của mình. “Cái tên doanh nghiệp, tôi ghép từ tên đứa con tên Thuận và đứa cháu tên An, mong mỏi mọi chuyện được suôn sẻ, thuận lợi, bình an”, cụ Mai kể lại.
Để dự án cải tạo đất được chấp thuận, là hành trình khổ ải nhiều năm, qua đủ các cửa từ UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường), Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND huyện Long Thành (khi đó Tân Cang thuộc địa phận huyện Long Thành, chưa chuyển về Biên Hòa – NV) Phòng Kinh tế huyện, UBND cấp xã... và nhiều cuộc khảo sát, họp hành.
Khu đất thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp cụ Mai là cánh rừng màu tối hình tam giác, hiện bốn bề mỏ đá “bao vây”. |
Nhận xét về dự án DNTN Thuận An đưa ra, các cơ quan chức năng Đồng Nai từng đánh giá rất cao. Trong văn bản ban hành ngày 17/11/2001, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã tổng hợp tình hình như sau: “Dự án cải tạo đất nông nghiệp có lớp sỏi phún dày, tầng canh tác mỏng, trồng cây không hiệu quả, chủ đất xin cải tạo loại bỏ sỏi phún tận thu làm vật liệu san lấp, cải thiện hệ canh tác mới, đầu tư trồng rừng gỗ lớn, trồng cây ăn trái, đào ao nuôi cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, thực hiện phát triển kinh tế theo mô hình VAC gắn với lâm nghiệp xã hội, tăng hiệu quả sử dụng đất mang lại lợi ích cho chủ hộ gia đình và xã hội”.
Cũng theo báo cáo, các ban ngành địa phương khi đó đều có cùng ý kiến “cải tạo mặt bằng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất” và đồng ý cho thực hiện cải tạo theo phương án được duyệt.
Đường khởi nghiệp khổ ải trần ai
Ai ngờ “người tính không bằng địa phương tính”, xem lại hồ sơ sự việc mới thấy đường khởi nghiệp của cụ Mai không thuận lợi, bình an như mong mỏi, mà khổ ải trần ai.
Sau khi các ban ngành có ý kiến như trên, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai ra yêu cầu muốn cải tạo mặt bằng làm mô hình lâm nghiệp xã hội, doanh nghiệp phải xây cầu, đường giao thông. DNTN Thuận An II chấp hành đúng ý địa phương, làm 11 km đường tạm để vận chuyển đất đá, bỏ tiền xây cây cầu Dây bắc qua sông.
Đùng một cái có thông tin toàn bộ khu vực Tân Cang, trong đó có đất DNTN Thuận An II, rơi vào quy hoạch làm mỏ đá. Nhiều doanh nghiệp khác bắt đầu “nhăm nhe” mỏ tài nguyên này.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (SN 1960, con gái cụ Mai) kể lại: “Không hiểu có động cơ gì khác mà địa phương từ chỗ ủng hộ tạo điều kiện doanh nghiệp chúng tôi, quay ngoắt sang o ép gây khó dễ. Thậm chí khi làm đường theo yêu cầu của tỉnh, chúng tôi lấy đất tận thu trên đất mình để rải, địa phương cũng ra quyết định phạt 5 triệu đồng”.
Rồi thông tin khu vực bị quy hoạch thành mỏ đá chính thức được công bố, tỉnh Đồng Nai đình chỉ dự án khu du lịch sinh thái trên. Toàn bộ công sức của DNTN Thuận An II nguy cơ trôi sông đổ biển. Cụ Mai chuyển hướng, xin được cấp phép khai thác mỏ đá trên đất của mình.
Từ ngày bị cưỡng chế lấy đất giao Dona Coop làm mỏ đá, cụ Mai uất ức sinh bệnh, tháng 30 ngày có khi quá nửa thời gian nằm viện |
Lại bắt đầu một quá trình gian khổ mới “qua sông thì phải lụy đò”, từ làm đơn xin chủ trương, thuê cơ quan khảo sát địa chất, lập biết bao bộ hồ sơ kỹ thuật – pháp lý… Tỉnh gợi ý phải xây cây cầu mới khác kiên cố để chịu tải xe chở đất đá.
Cụ Mai dốc tiền, đổ nhiều tỷ xây cây cầu Thuận An 2. Để có tư cách pháp nhân khai thác đá đúng theo quy định, gia đình lập thêm Công ty TNHH Thành Thuận, do con gái cụ là bà Ngọc Anh làm đại diện.
Người thân nhận xét, cụ Mai gần 60 tuổi mới khởi nghiệp, nên hiền lành chịu đựng sự o ép và thật thà như đếm. Đơn xin làm đường và cầu cụ viết, tưởng như đọc một bức thư năn nỉ, chứ không phải công văn giấy tờ của một doanh nghiệp, như đoạn viết: “Kính xin quý cơ quan cho phép tôi được xây dựng cây cầu bắc ngang sông và cho phép tôi làm lại con đường…
Doanh nghiệp chúng tôi tự túc về kinh phí. Trong quá trình làm cầu, làm đường, kính xin quý cơ quan giúp đỡ hỗ trợ cho việc làm được suôn sẻ mau chóng. Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ của quý cơ quan, kính mong quý cơ quan nhận nơi đây lòng chân thành nhớ ơn của doanh nghiệp chúng tôi”.
Để đến bây giờ, cụ Mai mới chua xót nhận ra: “Mỗi khi nhớ lại cảnh nhà cửa, chuồng trại… nơi tôi và đàn con đã sống hơn nửa đời người bị san bằng vào cận Tết Nguyên đán, tôi không sao cầm được nước mắt. Tất cả đã mất trắng sau một cuộc san ủi, đập phá. Nhưng cái đau lớn nhất ở một người phụ nữ ngoài 77 tuổi, đã “gần đất xa trời”, là cái đau khi niềm tin vào chính quyền địa phương bị lung lay”.
Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.