Hôm nay - 5/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Đánh giá việc thực hiện Chiến lược 2006- 2020, ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) - cho biết, sau 15 năm thực hiện Chiến lược 2006-2020, ngành Lâm nghiệp đã ban hành đồng bộ, kịp thời các cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án liên quan tới công tác bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo đó, đã đạt những thành tựu quan trọng, được các cấp các ngành, đối tác quốc tế và các bên liên quan đánh giá cao; thu hút sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo công ăn việc làm cho đồng bào thiểu số sống gắn bó với rừng.
Theo Bộ NN&PTNT, dư địa để tăng diện tích trồng rừng không còn nhiều. |
Phân tích cụ thể về các chỉ tiêu kinh tế đã đạt được, ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục Trưởng TCLN - cho biết, 4 chỉ tiêu đạt được bao gồm: Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân 4,87%/năm vượt mục tiêu chiến lược là 3,5- 4%; Trồng rừng tập trung đạt trung bình 227.500 ha/năm, diện tích rừng trồng năm 2019 hơn 4,3 triệu ha, vượt mục tiêu 1 triệu ha năm 2010 và 1,5 triệu ha giai đoạn sau; Sản lượng gỗ khai thác rừng trồng năm 2020 ước đạt 20,5 triệu m3/năm đạt mục tiêu chiến lược là 20—24 triệu (chưa đạt mục tiêu phụ là 10 triệu m3 gỗ lớn); Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2020 ước đạt 12,5 tỷ USD vượt gần 2 lần mục tiêu chiến lược là 7,8 tỷ USD.
3 chỉ tiêu không đạt được là: Tỷ trọng GDP lâm nghiệp/GDP quốc gia 3- 3%, thực tế mới đạt 0,65%; Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đến năm 2020 là 259 nghìn ha, chưa đạt 30% diện tịch theo mục tiêu chiến lược; Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đến năm 2019 đạt 13.958 tỷ đồng, bình quân 1.550 tỷ đồng/năm, chưa đạt mục tiêu chiến lược là 2 tỷ USD
Cũng theo đại diện TCLN, thực hiện Quyết định 357/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ NN&PTNT xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Dự kiến trong tháng 11 này, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược” - ông Điển cho hay.
Theo dự thảo đưa ra lấy ý kiến tại Hội thảo, mục tiêu tổng quát của Chiến lược 2021- 2030, tầm nhìn 2050 là: Xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tác dụng của rừng, phát triển nhanh và bền vững ngành lâm nghiệp; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số và giữ vững quốc phòng, an ninh.
Được biết, về các chỉ tiêu cụ thể, trong Chiến lược 2021- 2030 tầm nhìn 2050 không đề cập đến chỉ tiêu trồng rừng.
Trước đó, trao đổi với PLVN, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, chúng ta không có nhiều dư địa để tăng diện tích trồng rừng nữa, nhưng chất lượng rừng trồng phải được nâng lên.
Vì vậy, thay vì đưa vào mục tiêu rừng trồng như trong Chiến lược 2006- 2020, Dự thảo Chiến lược 2021- 2030, tầm nhìn 2050 đưa ra mục tiêu về chất lượng rừng rồng như: Quản lý bền vững và nâng cao chất lượng rừng sản xuất là rừng tự nhiên; giai đoạn 2021 - 2025 có 10% và giai đoạn 2026 - 2030 có 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp; Nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 0,5 triệu ha giai đoạn 2021 - 2025, đạt 01 triệu ha giai đoạn 2026 - 2030…