Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 3/11, Bộ trưởng NN&PTNT đưa ra những con số “đẹp”. Ông cho rằng đến nay tổng diện tích rừng nước ta là 14,6 triệu ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. “Đây là một sự cố gắng vượt bậc. Vì năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, hệ số che phủ rừng chỉ chiếm 27%.
Trong vòng 30 năm, một đất nước với GDP còn thấp như vậy, chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững, phát triển rừng để bảo vệ môi trường. Do đó, đến hôm nay chúng ta có 14,6 triệu ha rừng. Hệ số che phủ rừng gần 42%, thế giới bình quân gần 29%”, ông nói.
Vị Bộ trưởng nông nghiệp sau đó đưa ra thêm một thông tin “khó hiểu” khiến người nghe hoang mang không rõ thực hư, vì đó là chuyện của cả nửa thế kỷ trước. Ông cho rằng “rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 77 triệu lít thuốc hóa học đã hủy hoại 2 triệu ha rừng miền Trung. Bây giờ phải phục hồi từng bước”.
Đi đến tỉnh, thành nào cũng gặp những đất trống đồi trọc, vẫn liên tiếp xảy ra những vụ phá rừng quy mô lớn, vẫn mọc lên hàng ngàn công trình thủy điện “cóc” lấy đất rừng, vậy mà chúng ta vẫn còn nhiều “rừng” như vậy ư? Phải chăng dù cây trồng chỉ lưa thưa “10 cây chết 9 còn 1 cây gật gù” vẫn được gọi là “rừng”?
Một ngày sau đó, con số “đẹp” trên đã bị ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, “bóc phốt”. Theo ĐB Mai, trong bảo vệ phát triển rừng, thì rừng tự nhiên mới là điều quan trọng. Rừng tự nhiên có những đặc đểm mà rừng trồng không bao giờ có được, như khả năng giữ đất, giữ nước, bảo vệ môi trường. Giữ được 1 ha rừng tự nhiên còn hơn trồng mới 10 ha rừng. Trên toàn quốc còn hơn 24.000 hộ dân sống trong rừng phòng hộ và đầu nguồn dẫn đến phá rừng, canh tác trái phép.
Lại còn nạn các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản tác động nghiêm trọng đến quá trình phát triển bền vững, làm thay đổi căn bản đặc tính của đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước, phá hủy vĩnh viễn địa hình, gây xói mòn, sạt lở nghiêm trọng, gây ô nhiễm không khí, phá hủy nguồn sinh thái, dẫn đến phá hủy tài nguyên rừng, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên trong đó có tài nguyên không tái tạo. Hiện trên toàn quốc có hơn 3.400 điểm khai thác và tình trạng khai thác trái phép còn xảy ra trên 30 tỉnh, thành. Vì vậy, bà Mai đề nghị cơ quan chức năng cần phân bổ nguồn lực tương ứng để bảo vệ, phát triển rừng.
“Thời gian qua tất cả chúng ta đều bàng hoàng đau xót trước sự ra đi của các lực lượng cứu hộ và người dân. Vẫn biết thiên tai vô thường và thiên nhiên là bất khả kháng, nhưng rõ ràng có nguyên nhân từ con người. Chúng ta đã và đang phá hủy mối quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên, cái giá phải trả là quá đắt”, bà Mai nói.
Một trong những “lỗ hổng” trong công tác quản lý rừng, chính là việc dễ dãi chấp nhận những con số “đẹp” trên giấy, trong khi thực tế hành vi tàn phá thiên nhiên chưa bị ngăn chặn một cách hiệu quả.