Khai mở tiềm năng
Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội được giao bảo vệ hơn 5.160ha, trong đó, rừng phòng hộ Sóc Sơn hơn 1.744ha, rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức hơn 3.416ha. Để đạt mục tiêu của thành phố Hà Nội là nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 7,5%, nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, bảo vệ bền vững môi trường rừng...; việc phát triển du lịch rừng phòng hộ, đặc dụng là một giải pháp đáng quan tâm.
Cả hai khu rừng này đều có những điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái. Đơn cử, khu rừng phòng hộ Sóc Sơn có vị trí giao thông thuận tiện, ở điểm giao giữa trung tâm thành phố và các tỉnh lân cận. Huyện Sóc Sơn lại có địa hình gồm nhiều núi thấp và đồi gò, cộng thêm một phần kéo dài của dãy núi Tam Đảo, có độ cao trung bình từ 200 - 300 mét so với mặt biển.
Diện tích rừng phòng hộ nơi đây còn có nhiều khu vực có hồ nước rộng, đẹp như: Đồng Quan, Hàm Lợn, Hoa Sơn, Thanh Trì… Còn rừng đặc dụng Hương Sơn gắn liền với quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương – điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Thêm vào đó, khu rừng có hệ sinh thái đa dạng mang đặc trưng của rừng núi đá, với hệ động, thực vật đa dạng. Tại đây có các cảnh quan thiên nhiên đẹp như Hồ Hương Tích, Long Vân, Tuyết Sơn…
Với tiềm năng hiện có, các tổ chức, cá nhân, chủ rừng đã triển khai nhiều dịch vụ du lịch sinh thái đem lại hiệu quả kinh tế cao mà bảo vệ rừng bền vững như: du lịch thể thao (chạy bộ, đánh golf), du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch tâm linh, du lịch sức khoẻ,... Động lực để các du khách đến với rừng là khám phá thiên nhiên, rèn luyện sức khoẻ, thăm quan đền chùa (đền Gióng, chùa Hương), trải nghiệm ẩm thực địa phương…
Để bảo vệ và phát huy giá trị của rừng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3864/QĐ-UBND năm 2019 về việc thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố Hà Nội nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng…
Về mặt quản lý, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội là hai cơ quan thường xuyên tuần tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ rừng của các đối tượng kinh doanh và du khách, cũng như công tác phòng chống cháy rừng. Tại đây, người dân và du khách cũng được phổ biến, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng.
Đây là những dấu hiệu tốt đề đảm bảo mục tiêu kép vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn thiên nhiên môi trường. Đáng nói, phát triển du lịch và dịch vụ song song với bảo tồn rừng phòng hộ và rừng đặc dụng sẽ trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế quốc gia trong tương lai.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, các ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng dự kiến sẽ dần áp dụng tự chủ tài chính dựa vào các khoản chi trả dịch vụ môi trường rừng và các khoản phí từ phát triển du lịch sinh thái.
Theo đó, tới năm 2025, một nửa diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng được kì vọng sẽ phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Theo đó, các mô hình du lịch sinh thái giúp cho người dân ổn định sinh kế, tạo nguồn lực cho các nhà quản lý bảo tồn rừng tốt hơn, mở rộng rừng, nâng cao tính đa dạng sinh học.
Giữ vững cấu trúc của hệ sinh thái rừng
Nếu được quản lý tốt, rừng chính là lợi thế của Việt Nam. Nhưng nếu không, Việt Nam không chỉ đơn giản là mất đi một lợi thế. Nhìn đi cũng phải nhìn lại, sau nhiều câu chuyện đau lòng, mất mát ở miền Trung, xã hội buộc phải nhìn lại tầm quan trọng của rừng đối với con người như thế nào.
Quốc hội khóa 12 cũng đã ra Nghị quyết giao cho Chính phủ tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm đảm bảo liên tục trong việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ phát triển rừng, nâng độ che phủ rừng lên 42-43% vào năm 2015 và 44% vào năm 2020.
Tuy nhiên, tháng 4 năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố về hiện trạng rừng đến cuối năm 2019 như sau: Diện tích đất có rừng cả nước gần 14,61 triệu ha; trong đó, rừng tự nhiên gần 10,3 triệu ha; rừng trồng hơn 4,3 triệu ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc là 13,86 triệu ha với tỷ lệ che phủ là 41,89%, chưa đạt mục tiêu 44% Quốc hội giao.
Theo pháp luật về rừng, các dự án đầu tư kinh doanh du lịch thuộc khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đều cần phải được lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để đảm bảo việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động du lịch không ảnh hưởng lớn đến cấu trúc của hệ sinh thái rừng.
Du lịch rừng phòng hộ, đặc dụng là một ý tưởng hay, đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, cung cấp nguồn lực đáng kể để hỗ trợ việc bảo tồn rừng. Điều này không thể chối cãi. Tuy nhiên, thách thức đặt ra với các nhà quản lý chính là phải tìm ra giải pháp và áp dụng các mô hình quản lý bền vững.
Đặc biệt, du lịch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng không chỉ dừng lại ở một hình thức trải nghiệm thông thường. Loại hình du lịch này cũng góp phần quan trọng trong công tác phổ biến, tuyên truyền nhận thức cho xã hội về việc bảo vệ rừng tự nhiên nói riêng và tài nguyên rừng nói chung.