Mỗi khi nhắc về người em trai đã khuất - liệt sĩ Phạm Văn Duyệt (SN 1948, hy sinh năm 1966 tại Lào), bà Phạm Thị Tâm (70 tuổi, trú tại thôn Sen Hồ, xã Lệ Chi, quận Long Biên, Hà Nội) lại không thể kìm nước mắt.
Giọng nói nghẹn ngào, bà mở đầu câu chuyện: “Mẹ tôi sinh được 5 chị em, tôi là thứ tư, còn Duyệt là út. Sinh Duyệt không được bao lâu thì mẹ mất. Sau đó các chị cũng đi lấy chồng, nhà chỉ còn mình tôi với Duyệt và bố.
Năm 17 tuổi, khi ấy Duyệt đang học lớp 8 thì giấu gia đình đăng ký đi bộ đội. Mãi đến lúc người ta gọi nhập ngũ, cả nhà mới biết. Nhà chỉ có mình em nó là con trai nên lúc biết tin nó xung phong đi bộ đội, ai cũng khóc vì chiến tranh khốc liệt, biết có còn toàn mạng mà trở về”. Kể đến đây, người đàn bà thương em, yêu em còn hơn cả bản thân mình lại bật khóc nức nở.
Rồi bà kể tiếp: “Em nó đóng quân trên huyện được hai tuần thì chuyển vào Nho Quan, Ninh Bình. Tôi cũng cố gắng thu xếp bắt xe từ Hà Nội vào thăm em nó được ít hôm. Chị em gặp nhau, mừng mừng tủi tủi.
Ở với em được một tối, định đi tiếp thì người ta bảo đoạn đường phía trước nhiều trộm cướp lắm, cô đi không an toàn đâu. Nghe vậy Duyệt bảo tôi quay về đừng đi theo nữa. Hôm chia tay, hai chị em đi dạo cùng nhau một quãng dài mà chẳng ai nói với nhau được câu nào.
Mãi Duyệt mới cất tiếng nói bảo: “Em đi, chiến tranh không biết có về không, chị ở nhà trông nom bố giúp em. Em về được thì là cái tốt, còn em không về được thì… chị trông nom bố giúp em”. Duyệt vừa dứt lời thì tôi bật khóc, rồi em nó cũng khóc.
Chia tay em, ngồi trên xe về gần đến Hà Nội thì nghe được tin bộ đội ta bắn rơi được chiếc máy bay địch. Nghe tin này rồi liên tưởng đến em, tôi mừng lắm, chỉ mong chiến tranh sớm kết thúc thắng lợi để Duyệt được về với gia đình”.
Em trai đã hy sinh, giờ chị mà đi lấy chồng thì ai là người chăm nom bố? Các chị gái thương em hết lời khuyên bảo: “Em cứ yên tâm đi lấy chồng, việc chăm nom bố đã có các chị đây. Các chị lấy chồng ở gần nên có thể chạy qua chạy lại được. Em đừng lo”.
Bà Tâm suy nghĩ: “Nhưng các chị là phận gái, đi lấy chồng còn phải lo phận nhà chồng, làm sao thường xuyên sang chăm sóc bố được, nhất là khi đêm hôm, trái nắng trở giời? Rồi còn lời hứa với Duyệt, lời dặn dò của em nó trước lúc hành quân”. Thế rồi một lần nữa, người con gái ấy lại xếp những khát khao về tình yêu, về hạnh phúc vào một góc nhỏ ở sâu trong tim.
Ở nhà làm lụng nuôi bố, thi thoảng gặp những người bạn cùng trang lứa đã có gia đình, có con gọi là mẹ, bà Tâm lại khẽ nén những tiếng thở dài, khẽ giấu những giọt nước mắt vào sâu trong khóe mắt.
Chiến tranh kết thúc, hòa bình đã lập lại, bà Tâm lại bắt đầu cuộc hành trình tìm mộ em trai. Năm 1999 người cha qua đời thì năm 2001, mộ của Duyệt cũng được tìm thấy. Tìm thấy mộ em, nước mắt của người chị lại rơi, bởi vì nhớ em, thương xót em phải hy sinh ở tuổi còn quá trẻ. Phần vì lời nhắn nhủ của em ngày trước chị đã thực hiện xong rồi.
Bố đã mất vì tuổi già, mộ em trai cũng đã tìm thấy, những gánh nặng trên vai không còn nữa, giờ thì bà Tâm đã nhẹ lòng mà sống cho cuộc đời của mình.
Nhưng mà cô Tâm xinh đẹp của tuổi 19 đâu còn nữa, giờ cô Tâm đã biến thành bà Tâm với những nét nhăn nheo của tuổi toan về già.