Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Chỉ cấm bán ở một số điểm nhất định
Theo thông tin từ lãnh đạo Vụ Pháp chế Bộ Y tế, Ban soạn thảo Dự thảo Luật PCTHLDRB đã đưa ra 3 phương án để lựa chọn, trong đó có quy định: Không được bán rượu bia trong thời gian sau 22h hôm trước đến 6h hôm sau tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu PCTHLDRB.
Đối với băn khoăn liệu việc cấm rượu bia theo khung giờ trên liệu có ảnh hưởng đến du lịch của đất nước không, bà Trang cho rằng không ảnh hưởng vì thực tế Thái Lan có nền du lịch rất phát triển nhưng họ vẫn cấm bán, hoặc Singapore chỉ có những điểm nhất định cho phép sử dụng rượu bia sau 22h nhưng lượng khách du lịch đến đây vẫn không hề giảm...
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho biết thêm, thực tế các quốc gia cấm khác nhau, có nơi cấm bán rượu bia tại các địa điểm công cộng, khu chung cư, hoặc nhà hàng, quán bar… Lộ trình từng nhóm địa điểm như thế nào Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi nhất khi thực hiện.
Sẽ vận động là chính
Trong một loạt các giải pháp được đưa ra để triển khai có hiệu quả quy định này, bà Trang cho hay, công tác tuyên truyền giáo dục vẫn được đặt lên hàng đầu. Cụ thể, phải tích cực, kiên trì vận động, giải thích, thuyết phục để người dân và các cơ sở kinh doanh nhận thức, biết được quy định, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi thực hiện. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động thanh kiểm tra. Cụ thể, thời gian đầu vừa tuyên truyền, giải thích vừa đôn đốc thực hiện, thời gian tiếp theo nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh. Cũng không cần thiết phải tiến hành thanh kiểm tra đại trà mà chỉ kiểm tra một số điểm, xử lý mạnh một vài điểm để làm gương cho người khác.
Trước những e ngại về tính khả thi của quy định trên, bà Trần Thị Trang cho rằng, đây mới chỉ là quá trình khảo sát, đánh giá, sau khi có đánh giá đầu tiên mới tiến hành xin ý kiến và trình Chính phủ và Quốc hội xem xét ban hành. Dự kiến Dự thảo Luật PCTHLDRB sẽ trình Chính phủ vào năm 2015 và Quốc hội ban hành vào năm 2016.
“Để thay đổi nhận thức về vấn đề này, từ đó thay đổi hành vi, là vấn đề không đơn giản, bởi đây là thói quen đã “ăn sâu, bám rễ” vào lòng người dân từ rất lâu đời. Cùng với đó là thách thức về chuẩn bị lực lượng thanh kiểm tra, xử phạt; các cơ sở kinh doanh không dễ hưởng ứng và hợp tác vì ảnh hưởng đến doanh thu... Rồi khi đưa ra quy định, sẽ phải có các biện pháp về tài chính để hỗ trợ, tổ chức lực lượng giám sát, tổ chức triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, thực hiện. Ngoài ra rất cần sự vào cuộc của lực lượng liên quan như Công an, quản lý thị trường…”, bà Trang nói.