Trong số những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong công tác đào tạo, ĐH Luật HN nhấn mạnh đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo luật trong cả nước, nguồn lực tài chính chưa ổn định, cơ chế khó thu hút đội ngũ giáo viên, giảng viên cơ hữu có trình độ cao…
Tuy nhiên, hướng đến một trung tâm đào tạo cán bộ pháp luật chất lượng cao, chương trình đào tạo của Trường “luôn gắn với thực tế”, thường xuyên chỉnh lý, bổ sung. Đội ngũ giáo viên không ngừng được củng cố, kiện toàn. Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, bồi dưỡng với việc triển khai đầu tư xây dựng cơ sở 2 tại Từ Sơn (Bắc Ninh), trang bị thiết bị dạy học hiện đại…
Bên cạnh đó, trường ban hành Chương trình đào tạo đại học chất lượng cao hệ chính qui ngành Luật với chuẩn đầu ra cao hơn nhiều so với Chương trình đào tạo đại trà, chú trọng trrang bị kiến thức thực tiễn, tiếng Anh pháp lý (có hơn 20% số tín chỉ được giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh), giảng viên tham gia có một số giảng viên thỉnh giảng là các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư giỏi đang hàng nghề, tăng cường đi thực tế…
Nhờ đó, chất lượng sinh viên ở tất cả các hệ, nhất là hệ chính qui, khá ổn định và từng bước được nâng cao. Tỷ lệ sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp hàng năm đạt cao, nhiều sinh viên đạt loại khá, giỏi. Sinh viên tốt nghiệp của Trường được các đơn vị tuyển dụng đánh giá là khá hơn về kiến thức so với mặt bằng chung của sinh viên luật hiện nay.
Tuy nhiên, Trường thừa nhận, chất lượng vẫn thấp so với yêu cầu thực tiễn. Sinh viên tốt nghiệp còn hạn chế về kiến thức thực tiễn, kỹ năng và phương pháp làm việc. Chỉ tiêu đào taọ hàng năm của Trường chưa tương xứng nhu cầu về cán bộ về pháp luật của đất nước…
"Do đó, từ nay đến năm 2020, Trường sẽ thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực hiện Chiến lược CCTP. Trong đó phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, có cơ chế thu hút các chức danh tư pháp giỏi, các chuyên gia có kinh nghiệm. Đổi mới và phát triển chương trình đào tạo thiết thực phục vụ việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược CCTP. Đẩy mạnh hoạt động thực tập để khắc phục điểm yếu về “thiếu tính thực tiễn” cho sinh viên” – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội Phan Chí Hiếu cho biết.
Đến tháng 5/2015, Trường ĐH Luật Hà Nội có 310 giảng viên, trong đó có 286 giảng viên cơ hữu. Ngoài ra trường còn có hơn 100 giảng viên thỉnh giảng có trình độ chuyên môn cao. Trong 10 năm (2005-2015), Trường đã đào tạo được 34.459 sinh viên, học sinh (trung bình khoảng 3.500 sinh viên, học viên/năm), trong đó nhiều người đã về công tác phục vụ cho ngành tư pháp.